Tại sao có 35-40% số SV sau khi được tuyển chọn vào các trường đại học đã không học hết chương trình, buộc phải “đứt gánh” giữa chừng? Tại sao mỗi năm có đến gần 10.000 SV buộc phải thôi học, do nợ điểm, nợ học phần - không đủ tiêu chuẩn học tiếp? Quả là một sự lãng phí lớn, không chỉ lãng phí về tiền bạc, của cải mà quan trọng hơn là lãng phí về thời gian, theo cách nói của Bí thư Đoàn trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh là bỏ lỡ “nhịp cầu”, sự khởi nghiệp của nhiều sinh viên, thanh niên “nhỡ nhàng”, nếu không muốn nói là “lạc hướng”!
Có 3 lý do gây nên tình trạng SV “giữa đường đứt gánh”. Một là, thanh niên sau khi tốt nghiệp THPT đã không lượng sức mình, chọn sai đường vào giảng đường đại học; cốt vào được đại học, còn học ngành nghề gì; sức học, năng khiếu và niềm đam mê của mình ra sao không cần quan tâm đến. Chừng mực nào đó, có thể coi đây là một sai lầm của khởi nghiệp. Hai là, một số bậc cha mẹ dù chỉ là vô tình nhưng đã định hướng chưa trúng, tạo áp lực không đáng có cho con cái, tư vấn không trên cơ sở thực lực của con - chọn học trường gì, ngành nghề nào là phải tùy sức, tùy theo sức học và khả năng thực tế, nhu cầu thực sự của xã hội. Ba là, khi đã vào được giảng đường đại học thì ý chí và quyết tâm của một số SV không đủ để các em vượt lên chính mình. Một số SV lười học, ham chơi, không có khát khao cháy bỏng thực hiện bằng được hoài bão, ước mơ.
Từ đó để thấy rằng, tuổi trẻ thực hiện khởi nghiệp bằng nhiều cách, không nhất thiết cứ hết trung học phổ thông là phải vào cho bằng được các trường đại học. Học nghề, học làm thợ - những nghề, những thợ mà cuộc sống, xã hội đòi hỏi và có nhu cầu, tại sao không? Trên cơ sở giỏi nghề, giỏi thực hành, tùy theo nhu cầu của xã hội, sau này các em hoàn toàn có thể học thêm để đạt trình độ đại học và trên đại học. Bằng phương pháp này, rất nhiều bạn thanh niên đã có những thành công về khởi nghiệp mỹ mãn ngoài cả sự mong đợi.
Có một bài học lớn mà tuổi trẻ cần suy nghĩ, tổng kết rút ra, đó là chọn ngành nghề mà nhu cầu cuộc sống đòi hỏi để học, để đầu tư, để khởi nghiệp, lập nghiệp. Thực hiện nghiêm túc điều cơ bản này, nhất định phong trào khởi nghiệp sẽ thành công, làm giàu cho xã hội, cho mọi công dân hết lòng vì khởi nghệp. Các tổ chức đoàn, nhà trường, các bậc cha mẹ… khi tư vấn, định hướng cho tuổi trẻ học và đầu tư khởi nghiệp cần có quỹ đầu tư sáng tạo và khuyến khích khởi nghiệp; khích lệ ủng hộ các bạn trẻ tiếp cận kiến thức khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, mang lại những kết quả tích cực. Để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp không chỉ có hô hào chung chung là có được mà cần có những cơ chế chính sách, những giải pháp cụ thể từ thực tiễn cuộc sống, phải mạnh dạn phát huy tài năng trẻ, tư duy sáng tạo. Những người trẻ phải dấn thân, không ngừng sáng tạo, sáng tạo luôn luôn mang lại giá trị mới cho người trẻ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt quan tâm đến phong trào tuổi trẻ sáng tạo - khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Thủ tướng đã tư vấn, chỉ đạo cho Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh “Lập Quỹ khởi nghiệp cho tuổi trẻ”, theo đó “Lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa các giá trị cao đẹp về ý chí, nghị lực vươn lên, về khát khao cống hiến, về phẩm chất Việt, trí tuệ Việt trong thanh thiếu nhi”. Chỉ bằng cách này mới làm dấy lên mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả phong trào khởi nghiệp của giới trẻ.