GƯƠNG HVPN KHUYẾT TẬT VƯƠN LÊN TRONG CUỘC SỐNG
07/08/2023
Chị Nguyễn Trúc Linh, sinh năm 1991, là HVPN khuyết tật ấp Phước Hưng, xã Tam Phước, huyện Long Điền, nhưng có ý chí phấn đấu, vượt qua số phận, vươn lên trong cuộc sống.
Bị khuyết tật từ nhỏ với đôi chân bị bại liệt, không thể đi lại nhưng không vì vậy mà chị Linh buông xuôi, phó mặc cho số phận. Qua thay đổi nhiều công việc, đến năm 25 tuổi, chị quyết tâm tìm cho mình một cái nghề phù hợp để tự nuôi sống bản thân, gia đình, bởi chị nghĩ còn đôi tay lành lặn là còn khả năng lao động. Biến mặc cảm thành nghị lực, ý chí vươn lên trong cuộc sống, chị chọn cho mình nghề thêu tranh chữ thập, kết hoa pha lê để bán kiếm thêm thu nhập. Chị tự lên youtube học hỏi, ban đầu làm những sản phẩm đơn giản, sau đó học những sản phẩm phức tạp hơn, đến nay chị đã tự tay làm được hàng chục mẫu mã các loại bình hoa kết pha lê, tất cả đều được chị cần mẫn, tỉ mỉ làm ra từ những hạt pha lê, sợi cước nhỏ bé, với những thiết kế tinh xảo, phối màu đẹp mắt. Chị thoăn thoắt xỏ dây cước vào những viên pha lê đủ màu sắc rồi cột chặt dây cước vào sợi kẽm để tạo dáng cho hoa. Chẳng mấy chốc, những viên pha lê kết dính vào nhau để tạo thành đài, nhụy, cánh hoa. Với nghệ thuật kết hoa, từ những viên pha lê nhỏ bé, óng ánh, qua bàn tay khéo léo của chị Linh đã trở thành những cánh hoa, bình hoa đặc sắc, góp phần làm đẹp cho đời.
Nguyên liệu kết hoa pha lê gồm chậu, cườm, pha lê, kẽm, cước… Mỗi bình hoa chị làm khoảng từ 01-03 ngày, tùy theo kích thước, số lượng. Giá bán dao động của các sản phẩm từ 300.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Còn nguyên liêu thêu tranh chữ thập gồm kim, chỉ, tranh, kéo, khung. Thời gian hoàn thành 01 bức tranh khoảng từ 01 tháng trở lên, giá bán từ 500.000 đồng đến 4.000.000 đồng, tùy theo kích cỡ, phù hợp với sự lựa chọn đa dạng của các đối tượng khách hàng khác nhau. Sản phẩm của chị được bán tại nhà qua giới thiệu của người thân, bạn bè và những khách hàng đã từng mua sản phẩm của chị, sau đó chị đã tiếp tục mở rộng bán sản phẩm ra thị trường qua các trang mạng xã hội như zalo, facebook. Đến nay, chị đã được nhiều người đặt hàng hơn, hiện nay thu nhập cũng ổn định từ 02 triệu đồng/ tháng
Người bình thường khỏe mạnh tìm việc làm còn khó, huống chi là người phụ nữ với cơ thể bị khuyết tật. Thế nhưng, chưa bao giờ chị Linh thấy bế tắc trong cuộc sống. Với đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, luôn phấn đấu vượt qua khó khăn để vươn lên, chị Linh đã nỗ lực làm thêm những công việc khác như bán vé số, bán trái cây (bưởi, sầu riêng, dưa hấu…). Ngoài ra, chị còn mang theo các vật liệu để vừa bán vé số, trái cây, vừa kết hoa, thêu tranh. Vào dịp nghỉ hè, đứa con trai lớn của chị cũng lên phụ giúp mẹ bán vé số, trái cây. Trung bình 01 ngày chị bán được khoảng 200 tờ vé số, thu nhập được thêm 220.000 đồng. Qua đó tạo được nguồn thu nhập ổn định cho bản thân, gia đình, cùng chồng xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc. Chồng chị làm nghề thợ hồ, công việc cũng bấp bênh, nuôi 02 đứa con học tiểu học, hoàn cảnh gia đình khó khăn, thuộc diện hộ nghèo chuẩn tỉnh.
Chị Trúc Linh chia sẻ: “Tôi khuyết tật từ bé, không làm việc nặng nhọc được, tôi rất mong muốn tìm được những công việc hợp với sức của mình, và tôi đã tìm thấy nghề kết hoa pha lê, thêu tranh chữ thập hợp với tôi nên tôi bắt tay vào làm. Ban đầu từ những sản phẩm đơn giản với kích thước nhỏ, những người quen đã khen và ủng hộ tôi, nên hiện nay tôi đã học hỏi, tìm hiểu thêm và làm ra những sản phẩm đẹp hơn, kích thước lớn hơn. Công việc này đã giúp tôi có nguồn thu nhập ổn định. Hiện nay sản phẩm của tôi chưa được nhiều người biết đến, thông qua chương trình này mong mọi người biết đến và ủng hộ tôi để tôi có cuộc sống tốt đẹp hơn...”.
Chị Trúc Linh là thành viên của nhóm Phụ nữ tự lực do Hội LHPN xã Tam Phước thành lập. Nhóm được thành lập với mục đích nhằm giao lưu, chia sẻ, động viên nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống; hướng dẫn các chị cách tự chăm sóc bản thân, hỗ trợ, tư vấn tìm công việc phù hợp để có thêm thu nhập. Qua đó, Hội cũng thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên, tặng quà, học bổng cho gia đình chị. Ngoài ra, Hội còn hỗ trợ gia đình chị vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền 90 triệu đồng (50 triệu đồng nguồn giải quyết việc làm, 20 triệu đồng nguồn nước sạch vệ sinh và môi trường, 20 triệu đồng nguồn HSSV mua máy tính) để chị có vốn khởi nghiệp, nuôi con ăn học.
Chị Nguyễn Trúc Linh đã vượt lên bệnh tật éo le và cảnh ngộ khó khăn tạo lập gia đình hạnh phúc, đã biến những điều không thể thành có thể, biến tuyệt vọng thành hy vọng để làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn. Chị xứng đáng là tấm gương sáng về nghị lực sống cho không chỉ riêng chị em phụ nữ khuyết tật mà còn cho nhiều người trong xã hội noi theo.
Nguồn:
Kim Quyên
Số lượt đọc:
388
Về trang trước
Về đầu trang
Các tin khác
- Gương điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Tam Phước (21/11/2019)
- Kinh nghiệm của người nuôi thỏ Newzealand, lãi 12 triệu/tháng (14/01/2019)
- Lão nông trên đỉnh núi canh "kho báu" 500 tỷ giấu dưới tán rừng già (02/01/2019)
- Thu nhập cao từ chăn nuôi trâu, bò kết hợp với trồng trọt (30/11/2018)
- Khởi nghiệp từ mô hình nuôi bồ câu nhốt chuồng (27/11/2018)
- Người kiên trì nuôi gà ta (12/05/2018)
- NGƯỜI CÁN BỘ HỘI TẬN TỤY (01/12/2017)
- GƯƠNG PHỤ NỮ LÀM KINH TẾ GIỎI” Ở XÃ TAM PHƯỚC (30/11/2017)
- Cách làm khác người của ông chủ trang trại đầu tư hàng trăm tỷ đồng (10/11/2017)
- Thái Nguyên: Thu nhập bình quân của nông dân giỏi đạt 250 triệu đồng/hộ/năm (10/11/2017)