Giúp nhà nông ứng dụng khoa học, công nghệ mới
23/06/2016
Theo thống kê của Sở KH-CN, trong 6 năm trở lại đây, mỗi năm tỉnh BR-VT có khoảng 10 đề tài, dự án nghiên cứu KH-CN được triển khai và ứng dụng. Trong đó, 3 dự án về sản xuất hồ tiêu, thanh long ruột đỏ và bưởi da xanh được triển khai thực hiện từ năm 2013 đến nay đạt hiệu quả kinh tế cao.

Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP (sản xuất nông nghiệp sạch) tại xã Sông Xoài” được Sở KH-CN triển khai thực hiện từ năm 2013. Ban đầu, có 5 hộ được hỗ trợ kinh phí để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau đó, nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả cao, 7 hộ khác tự đầu tư kinh phí để sản xuất, đến nay đã đạt 4 tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất; an toàn thực phẩm; môi trường làm việc an toàn; truy tìm nguồn gốc sản phẩm. Theo các hộ trồng bưởi da xanh, trồng theo hướng VietGAP đã giảm được 50% lượng phân bón, thuốc trừ sâu; tiết kiệm nước nhờ phương pháp tưới nhỏ giọt công nghệ Israel; sản lượng tăng gấp đôi so với phương pháp trồng thông thường. Ông Hồ Hoàng Kha, Phó Giám đốc HTX Bưởi da xanh Sông Xoài cho biết, HTX hiện đang trồng 120ha bưởi da xanh, sản lượng bình quân từ 600-800 tấn/năm; trong đó bưởi sản xuất theo VietGAP đạt 290 tấn. Với giá bán từ 40.000-50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, các hộ trồng bưởi thu lãi từ 600-650 triệu đồng/ha. Dự kiến đến năm 2020, toàn huyện Tân Thành sẽ trồng mới và thâm canh 400ha bưởi theo quy trình VietGAP.

 

Dự án “Xây dựng mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ theo hướng VietGAP trên địa bàn xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc)” do Hội Nông dân tỉnh và Sở KH-CN phối hợp thực hiện với quy mô 2ha. Bà Nguyễn Mai, 1 trong 5 hộ trồng thanh long ruột đỏ của dự án cho biết, sau gần 3 năm, đến nay tổng sản lượng thu hoạch khoảng 30 tấn/2ha, giá bán 20.000 - 25.000 đồng/kg, doanh thu đạt khoảng 700 triệu đồng, tăng 20-30% so với trồng theo phương pháp thông thường. “Các hộ tham gia dự án được theo dõi thường xuyên tình hình sâu bệnh hại thanh long ruột đỏ; định kỳ kiểm tra, theo dõi khả năng áp dụng kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ theo chuẩn VietGAP, qua đó kịp thời giải quyết những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện dự án”, ông Phạm Tấn Phước (Hội Nông dân tỉnh), chủ nhiệm dự án cho biết.

 

Nhằm hướng tới sản xuất sạch, bền vững, Sở KH-CN phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ xây dựng mô hình sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại huyện Châu Đức. Tiêu chuẩn GlobalGAP yêu cầu các nhà sản xuất phải thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm xuyên suốt bắt đầu từ khâu sửa soạn nông trại canh tác đến khâu thu hoạch, chế biến và tồn trữ. Theo đó, từ tháng 1-2014, có 8 hộ dân tại ấp Tân Thành, xã Quảng Thành (huyện Châu Đức) với diện tích 8ha trồng tiêu từ 7-9 năm tuổi đã được chọn tham gia mô hình sản xuất hồ tiêu theo GlobalGAP. Nhờ áp dụng tiêu chuẩn này, tỷ lệ bệnh, sâu hại trên cây tiêu giảm hẳn, nên chi phí sản xuất giảm 20-30%, thuốc BVTV giảm 30-40%, năng suất tăng lên khoảng 20% so với phương pháp trồng thông thường (đạt 4,8-5 tấn/ha). Bà Lê Thị Chung, Trưởng bộ môn giống và công nghệ sinh vật (Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam Bộ), thư ký dự án cho biết, hiện toàn bộ sản phẩm của 8 hộ trong dự án được Công ty Olam (Ấn Độ), Công ty KSS (Nhật Bản), Công ty Foods (Đức), Công ty Ngô Gia (Việt Nam)… thu mua với giá cao hơn giá thị trường từ 6.000-15.000 đồng/kg (hiện nay là 196.000-200.000 đồng/kg). “Chúng tôi đang đề xuất với Sở KH-CN mở rộng thêm diện tích trồng tiêu theo tiêu chuẩn GlobalGAP lên 200-300ha tại huyện Xuyên Mộc và Châu Đức để đáp ứng nhu cầu của các công ty”, bà Chung nói.

 

3 sản phẩm nông sản gồm hồ tiêu, thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh kể trên đã được tỉnh BR-VT ưu tiên xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu giai đoạn 2014-2020 nhằm nâng cao nhận thức cho các cá nhân, tổ chức về sở hữu trí tuệ, tạo dựng quản lý và phát triển thương hiệu nông sản đặc sản của địa phương. Riêng hồ tiêu BR-VT đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Hồ tiêu BR-VT”. Đây là cơ hội nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng sản phẩm, giá trị kinh tế của sản phẩm hồ tiêu BR-VT trên thị trường. Ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh cho biết, việc đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc sản không chỉ đem lại nguồn lợi lớn về kinh tế cho người dân ở địa phương, mà còn bảo vệ danh tiếng của sản phẩm, tránh nguy cơ bị lạm dụng hoặc giả mạo tên tuổi sản phẩm, giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn đúng sản phẩm; từ đó khuyến khích sản xuất phát triển, doanh thu tăng lên, giải quyết việc làm, duy trì giá trị truyền thống của các làng nghề, đời sống người dân được ổn định, phát triển du lịch địa phương.


Số lượt đọc: 803 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác