xây dựng và hình thành nếp sống văn hóa Nông thôn mới trên địa bàn xã Tam Phước
29/10/2016

Xây dựng Nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước được mọi tầng lớp Nhân dân đồng tình hưởng ứng. Có nhiều yếu tố tác động đến sự thành công xây dựng Nông thôn mới, trong đó xây dựng và phát triển văn hóa nông thôn là một nhân tố quan trọng. Văn hóa vừa là mục tiêu, động lực phát triển bền vững, vừa là nhiệm vụ cấp bách trong sự nghiệp cách mạng hiện nay, bởi văn hóa là “nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu Dân giàu, Nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nhằm phát triển văn hóa nông thôn, những năm qua xã Tam Phước lấy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) làm nòng cốt, gắn kết đan xen với phong trào xây dựng Nông thôn mới, nhờ vậy đã đưa cuộc vận động xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, có đời sống kinh tế ổn định phát triển, có tinh thần tương thân tương ái, tính tự quản, dân chủ được phát huy, xuất hiện nhiều gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình hạnh phúc mẫu mực. Đến nay toàn xã có trên 94% số hộ gia đình văn hóa, 6/6 ấp đạt chuẩn ấp văn hóa, được UBND huyện Long Điền Quyết định công nhận “xã đạt chuẩn văn hóa Nông thôn mới” giai đoạn 2013 – 2015 tại Quyết định số 154/QĐ-UBND ngày 25/01/2016. Việc xây dựng duy trì và phát huy hiệu quả Ấp văn hóa, Xã văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng, ý thức chấp hành kỷ cương, pháp luật, quy ước khu dân cư của người dân được nâng cao. Thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, quyền và nghĩa vụ công dân, tích cực đóng góp vào các công trình phúc lợi công cộng của địa phương. Xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu, sản phẩm văn hóa độc hại được loại dần khỏi đời sống cộng đồng nông thôn. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, kịp thời hòa giải những bất hòa trong cộng đồng, làm tốt công tác phòng chống tội phạm, giữ gìn cuộc sống bình yên hạnh phúc cho Nhân dân. Đến nay có 100% ấp đạt chuẩn văn hóa, 100% cơ quan, đơn vị trường học văn hóa, 32,5% số người và 25% số hộ gia đình luyện tập thể thao thường xuyên.

Hàng năm, Trung tâm Văn hóa, Thể thao – Học tập cộng đồng xã (TTVHTT-HTCĐ) tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao, các đợt liên hoan văn nghệ quần chúng, ca khúc hồng, hội thi kể chuyện sách hè … Tổ chức tốt các lễ hội như Giỗ Bà Rịa (ngày 20/2 ÂL), ngày TBLS 27/7. Tuyên truyền bằng xe thông tin lưu động, cổ động trực quan (pano, băng ron, cờ các loại). Sáng tác, dàn dựng nhiều kịch bản, tiểu phẩm sân khấu về đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn biểu diễn phục vụ cổ vũ toàn dân chung sức chung lòng xây dựng Nông thôn mới. Toàn xã có 04 dịch vụ internet, 07 đội văn nghệ, 01 câu lạc bộ đờn ca tài tử, các cơ sở dịch vụ văn hóa này đã góp phần làm cho đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân ngày thêm phong phú.

Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở bước đầu được hình thành, hiện có 01 sân bóng đá mini, 03 sân bóng chuyền, 01 sân vận động (bóng đá 11 người), 01 Trung tâm Văn hóa, thể thao - Học tập cộng đồng, 01 điểm Bưu điện văn hóa xã, … Việc thực hiện tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa - thể thao trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, Tam Phước đã xây dựng hội trường Trung tâm với 208 ghế, 01 sân khấu ngoài trời, 6/6 trụ sở ấp kiêm nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

2. Những khó khăn trong quá trình triển khai văn hóa Nông thôn mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được vừa nêu trên thì trong quá trình triển khai thực hiện phát triển văn hóa nông thôn vẫn còn một số khó khăn, bất cập như: vẫn còn một ít Nhân dân chưa nhận thức, quan tâm đầy đủ đến vai trò của văn hóa trong phát triển văn hóa nông thôn, xây dựng Nông thôn mới. Việc hoàn thiện hệ thống thiết chế và hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao ở nông thôn, góp phần nâng cao dân trí, mức hưởng thụ về văn hóa cho nông dân đạt được còn thấp. Việc thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa và tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động văn hóa thể thao còn nhiều bất cập nên việc huy động các nguồn lực thực hiện công tác này còn hạn chế. Đời sống Nhân dân nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn; sự chênh lệch về mức sống, giàu nghèo của người dân nông thôn và thành thị còn xa. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chưa đa dạng về hình thức, nội dung nên chưa thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia.

3. Các biện pháp tăng cường hiệu quả trong xây dựng nếp sống văn hóa Nông thôn mới. 

Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả bước đầu đạt được, khắc phục những mặt còn hạn chế trong thời gian qua, tiếp tục xây dựng nếp sống văn hóa Nông thôn mới trên địa bàn xã Tam Phước trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa nông thôn, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về phát triển văn hóa nông thôn giữa các ngành, đoàn thể từ xã đến ấp.

Hai là, tiếp tục tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về văn hóa và phát triển văn hóa nông thôn; ý thức chấp hành pháp luật và các quy định về văn hóa, thể thao của người dân ở nông thôn.

Ba là, tăng cường nguồn lực phát triển văn hóa nông thôn, tranh thủ sự đầu tư từ ngân sách Nhà nước, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa văn hóa, trong đó quan trọng nhất là xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; nâng cao chất lượng tổ chức, hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thông tin và thể thao ở nông thôn; tạo điều kiện để người dân ở nông thôn nâng cao mức hưởng thụ, tham gia hoạt động và sáng tạo văn hóa.

Bốn là, xây dựng con người, gia đình, cộng đồng nông thôn và môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, phong phú, tạo chuyển biến về xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng môi trường xã hội, bảo vệ di sản văn hóa và môi trường sinh thái nông thôn.

 Năm là, đẩy mạnh phong trào "Toàn đân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" một cách đồng bộ, thực chất, góp phần có hiệu quả vào việc ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ở nông thôn. 


Số lượt đọc: 1033 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác