Cách làm khác người của ông chủ trang trại đầu tư hàng trăm tỷ đồng
10/11/2017
Cách làm của ông rất khác người nhưng vô cùng hiệu quả. Bởi vậy, khi trại cá đẻ của ông mở ra các trại của nhà nước quanh vùng gần như tê liệt hoặc đóng cửa hết bởi không thể địch lại về năng suất, chất lượng cũng như giá bán. 

Có diện tích đất bằng cả 1 làng

Tối hôm đó khi ở lại trang trại rộng mênh mông tới 76 ha của ông Bùi Minh Họa (huyện An Lão, TP Hải Phòng) tôi được ăn những miếng thịt lợn không chỉ đắt nhất Việt Nam mà có lẽ là cả thế giới. Miếng thịt của con lợn giống cụ kị trị giá đến 200 triệu đồng mà đích thân ông Họa đi Mỹ mua về, chẳng may trong quá trình vận chuyển nó bị gẫy chân đành phải giết thịt. Lời tôi vô tình khen ngon, khen giòn, khen ngọt đã như những hạt muối xát vào lòng ông…

Sau vụ kiện đòi đất lịch sử với 37 phiên tòa, kéo dài 3.000 ngày như đã kể, ông Họa đầu tư một tuyến đường dài 2 km, một con mương dẫn nước dẫn vào đồng cho những hộ còn lại chưa chịu chuyển nhượng vẫn có thể sản xuất một cách dễ dàng. Riêng số tiền bỏ ngoài cổng như vậy đã là 20 tỉ còn ở bên trong trang trại phải tính đến hàng trăm tỉ.

Đất rộng tương đương với diện tích canh tác của cả một làng giúp cho ông thỏa ước mơ làm nông dân thời trai trẻ. Cái đầm với chiều dài khoảng 5 km, rộng 100 m, sâu 7-8 m được bố trí thả các loại cá thương phẩm truyền thống như trắm, trôi, mè chép còn trên bờ thì trồng cây ăn quả, lập trại chăn nuôi.

Nào là trại của 300 lợn cụ kị giống Mỹ mỗi con trị giá trung bình trên dưới 200 triệu, nào là trại lợn thịt mỗi năm xuất bán 8.000 con, trại gà đẻ, trại gà hậu bị mỗi ngày cho thu hoạch 4 vạn quả trứng. Riêng về thủy sản, số lượng cá thịt ông cấp ra thị trường mỗi năm 700-800 tấn chưa kể đến hàng trăm triệu con cá giống.

Cách làm của ông rất khác người nhưng vô cùng hiệu quả. Bởi vậy, khi trại cá đẻ của ông mở ra các trại của nhà nước quanh vùng gần như tê liệt hoặc đóng cửa hết bởi không thể địch lại về năng suất, chất lượng cũng như giá bán. Một bể của nhà nước chỉ ấp được 4-5 triệu cá bột là tối đa nhưng 1 bể của ông có thể ấp được 18-20 triệu cá bột.

Lúc vào vụ, trại cá của ông tựa như một đại công trường, đèn đuốc sáng rực. Mỗi đêm đàn cá giống có thể đẻ được tới 150 chậu đầy trứng. Thường thì các trại phải vất vả vớt trứng lên rồi lại bê trứng vào bể ấp nhưng ở đây ông đã thiết kế một ống truyền trứng, vừa tiện lợi lại vừa đỡ bị dập.

Thường thì cá đẻ xong các trại phải bắt lên trả về ao, không những mất công cho người mà còn gây mệt mỏi cho vật nhưng ở trại ông Họa sau khi “lâm bồn” có một dây truyền ăm ắp nước để cá mẹ có thể thong thả, lựa sóng mà bơi ngược về ao. Thường thì việc vệ sinh mạng tràng (tấm lọc) ở các trại cá đều phải dùng giẻ, rất mệt lại dễ gây vỡ trứng nhưng ở trại ông Họa lại dùng ống hơi để thổi, vừa nhàn hạ lại đỡ ảnh hưởng đến trứng.

Mọi thứ gần như là tự động và khép kín. Bởi vậy mà thay vì cứ 3 bể ấp lại mất 1 người trực, trại của ông 12 bể ấp mà chỉ cần 1 nhân công. Một ngày đêm hệ thống ấy có thể cung cấp cho thị trường miền Bắc khoảng 15-20 triệu con cá giống.  

Nuôi tôm biển trong nước ngọt

Cách nuôi tôm của ông còn lạ hơn là cách nuôi cá đẻ. Loài tôm thẻ chân trắng vốn chỉ quen sống ở vùng biển mặn mòi nhưng ông đã huấn luyện cho chúng quen với nước ngọt đến nỗi có thể thả nuôi dễ dàng trong ao. Để làm được việc đi ngược lại quy luật tự nhiên này ông đã phải bỏ ra mấy năm trời ăn ngủ cùng con tôm để mà làm thí nghiệm.

Vẫn là giống tôm thẻ thông thường nhưng ngay từ lúc sơ sinh chúng đã được thuần hóa từ từ bằng cách rút dần độ mặn ở trong bể đồng thời bổ sung thực phẩm chức năng để có thêm sức chống chịu. Suốt ngày người ta thấy ông ở chỗ nuôi tôm, khi thì thay nước, lúc xem thức ăn thừa, bận lại bắt lên xem gan, ngó cật.

Khi tôi đến, 2 cái ao, rộng 7.200m2 và 11.300m2 với đàn tôm 82 ngày tuổi, to bằng ngón tay cái, búng nước loạn xạ. Với giá thành nuôi 70.000đ/kg, giá bán 150-200.00 đ/kg, sản lượng ước tính 5-7 tấn sẽ đem lại cho ông Họa 300-500 triệu lãi sau hơn 3 tháng chăm.

“Thành công đã ở mức 80% khi đạt cả về năng suất lẫn tốc độ tăng trưởng chỉ hiềm nỗi tôi chưa thí nghiệm nuôi được nhiều vụ nên chưa thể chuyển giao cho bà con”. Vừa khó nhọc giữ mấy con tôm đang nhảy lao xao ở trong tay ông vừa mỉm cười sung sướng nói với tôi như vậy.

Trước khi chạm tay vào thành công với con tôm thẻ chân trắng ông từng gặp nhiều thất bại với việc đưa con tôm rảo, tôm sú vào nuôi trong ao nước ngọt… Chuyện nuôi tôm biển trong ao nước ngọt lạ kỳ đến mức có vị chuyên gia người Trung Quốc sang tham quan trang trại đã vục tay vốc nước lên mồm thử uống để thử xem sao. Khi thấy không phải là nước mặn thì mới lắc đầu, lè lưỡi mà bảo rằng: “Chúng tôi chịu thua ông rồi”…

Khi tôi còn đang cuộn tròn lười nhác trong chăn bởi cái se lạnh đầu mùa ông đã đánh thức dậy, rủ làm một cuộc dạo chơi bằng xuồng máy. Một khúc sông buổi ban mai, sương mờ và khói tỏa. Bóng những con giang, con cò trắng, cò bợ, cò lửa đi về giữa những lùm cây ven đôi bờ đều đặn như dệt lụa, tiếng kêu váng cả một góc trời. Ở phía đằng xa dãy núi Kiến An vẫn còn tim tím trong mây biếc.

Chính vì những đàn chim trời này mà nhiều lần kẻ săn trộm đã liều lĩnh ôm phao băng qua sông khiến ông Họa phải ra sức ngăn cản. Từ hệ sinh thái phong phú này ông đã nảy ra ý định làm du lịch nông nghiệp. Ở đó ngoài thăm chim trời, cá nước, cây trái, trại gà, trại lợn du khách còn có thể ngược thời gian trở về với tổ tiên để tự tay mình xay thóc, giã gạo, sống trải nghiệm trong các nhà địa chủ, nhà trung nông, nhà bần cố nông.

Khi tôi dạo xong một lượt trang trại cũng là buổi hội ý giữa ông Họa với mấy đội thủy sản, đội chăn gà, đội nuôi lợn, đội xây dựng bắt đầu. Ngót 100 người làm nhưng không phải ai cũng cần phải hội ý vào buổi sáng với ông mà chỉ khi nào có việc phát sinh mới tìm đến gặp.

Vì quá rộng lớn nên những công nhân ở phân trại xa sẽ được xe tải chở đến chỗ làm cho tiện. Họ được ăn ba bữa tại trại, được hưởng lương bình quân 3-4 triệu/tháng với lao động chân tay, 10-15 triệu/người với lao động kỹ thuật.

Tôi gọi ông là người đi trước bình minh nên quá trình tích tụ ruộng đất mới phải chịu khổ đau hầu kiện tới 3.000 ngày. Và sau đó, vì chính sách trước đây mỗi cá nhân chỉ được đứng tên tối đa 3 ha đất nên để có được 76 ha ông phải nhờ rất nhiều người rồi khi gộp lại phải mất thêm lần 1 nộp thuế.

Để giờ đây quyền sử dụng mặt nước, mặt đất đều là của ông. Trong ánh mặt trời đang dần loang, lấp loáng trên mặt nước đầm Bầu, ông rủ rỉ: “Phải tích tụ ruộng đất thì nông nghiệp Việt Nam mới khá được. Năng suất lao động giờ đây của trại chúng tôi đã gấp 10, gấp 100 lần ngày xưa nhờ có 6 máy gặt đập liên hợp, 6 máy cày, 10 máy cấy, 2 máy gieo mạ, 5 xe tải, 2 xe xúc giúp sức. Công cuộc cơ giới hóa đồng bộ của tôi đã không còn bó hẹp ở phạm vi trang trại mà lan ra làm dịch vụ cho nhiều“cánh đồng mẫu lớn” của những bà con quanh vùng…


Số lượt đọc: 752 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác