Nuôi ong mật chất lượng cao trong nông hộ
22/11/2018

Tại Sơn La vừa diễn ra hội thảo dự án “Xây dựng mô hình ong mật chất lượng cao trong nông hộ tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung, Tây Nguyên” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Sơn La tổ chức.


Theo số liệu thống kê của Hội Nuôi ong Việt Nam, nước ta có hơn 1,5 triệu đàn ong, gồm các giống ong Ý và ong nội, trong đó ong nội là 350.000 đàn (chiếm 23,33%), ong ngoại 1,15 triệu đàn (chiếm 76,67%). Số người nuôi ong khoảng 34.000 người, trong đó có 6.350 người (chiếm 18,67%) người nuôi ong chuyên.

Nhiều vùng ở nước ta như miền núi phía Bắc và miền Trung, Tây Nguyên có nguồn mật, phấn hoa nuôi ong đa dạng, đủ điều kiện để nuôi giữ các đàn ong giống cũng như phát triển ngành hàng mật ong. Tuy nhiên, thực trạng chăn nuôi ong còn nhiều bất cập…

Bên cạnh đó, đẩy mạnh áp dụng VietGAHP trong chăn nuôi ong an toàn, GMP trong chế biến, đóng gói mật ong xuất khẩu và việc mở rộng liên kết SX giữa các đối tác trong ngành ong.Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Hoàng Văn Định, Chủ nhiệm dự án cho biết, để nâng cao hiệu quả và giá trị mật ong xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước, yêu cầu đối với ngành chăn nuôi ong Việt Nam là phải kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng và an toàn thực phẩm, đặc biệt là tồn dư thuốc kháng sinh và thuốc bảo vệ thực vật trong mật ong.

Ngoài ra, tại vùng SX cần xây dựng tổ hợp tác, HTX, CLB nuôi ong, liên kết giữa các khâu nuôi, thu mua, chế biến, xuất khẩu, tiêu dùng thành chuỗi hàng hoá, cần đầu tư cho nghiên cứu công nghệ, khuyến nông để phát triển bền vững nghề ong theo hướng xuất khẩu, hình thành hệ sinh thái bền vững.

Theo ông Định, trong 3 năm (2016 - 2018), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã chủ trì và phối hợp thực hiện dự án tại 10 tỉnh. Mỗi tỉnh thực hiện 1 - 2 điểm trình diễn/năm; hỗ trợ các hộ tham gia với 4.000 đàn ong (ong nội và ong ngoại), hỗ trợ 50% thức ăn (đường) theo yêu cầu 2kg/đàn ong theo định mức ban hành.

Kết quả triển khai cho thấy, các đơn vị đã lựa chọn tổng số 39 xã để xây dựng mô hình với 100% các xã đang xây dựng NTM. Các xã triển khai đều đáp ứng theo yêu cầu đề ra, phù hợp với vùng miền triển khai và quy hoạch phát triển chăn nuôi của mỗi địa phương, số đàn ong tại các xã giao động bình quân từ 500 - 1.500 đàn, diện tích đất nông, lâm nghiệp từ 5.500 - 10.000ha phù hợp cho điều kiện nuôi và phát triển các đàn ong cũng như để nhân rộng mô hình.

Tại Sơn La, có khoảng 46.400 đàn ong, sản lượng mật ong đạt từ 1.500 - 2.000 tấn/năm và được nuôi ở trên địa bàn toàn tỉnh. Với lợi thế nguồn mật phấn hoa rất phong phú, đa dạng… nghề chăn nuôi ong ở tỉnh này có thể nuôi quanh năm.

Là một trong những hộ chăn nuôi ong được dự án hỗ trợ, ông Nguyễn Hữu Sinh (xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu) cho biết, được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nên đàn ong của nhà ông đã được cải thiện, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình. Hiện ông đang nuôi 210 đàn ong, mỗi năm cho thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Mật ong Sơn La đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu, là cơ sở để các loại sản phẩm như mật ong chất lượng cao, sữa ong chúa, phấn hoa, ấu trùng ong đực, nọc ong, keo ong… được bảo hộ về chất lượng, đảm bảo uy tín để đứng vững trên thị trường và xuất khẩu nước ngoài.

Theo bà Hoàng Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sơn La, năm 2018, được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đơn vị đã thực hiện dự án tại 2 xã Chiềng Sơn và thị trấn nông trường Mộc Châu với 10 hộ được hưởng lợi trực tiếp. Theo đó, mỗi hộ được hỗ trợ 20 đàn ong ngoại, thức ăn.

Sau 6 tháng triển khai, đã tăng lên 262 đàn, với sản lượng mật đạt 11,6 tấn. Từ đó, tăng thêm cho các hộ gia đình tham gia mô hình khoảng 10 triệu đồng/tháng, góp phần cải thiện đời sống cho các hộ nuôi ong, xóa đói giảm nghèo và tiến tới làm giàu, giữ vững an ninh trật tự xã hội trên địa bàn.

Bà Hiền khẳng định: Dự án đã tạo cơ hội cho người nuôi ong được tiếp cận với kỹ thuật mới về nghề nuôi ong mật chất lượng cao, từ đó thay đổi được các tập quán lạc hậu trong nuôi ong bằng giống nội, không di chuyển đàn. Kiểm soát được dịch bệnh trên đàn ong, giúp cộng đồng chấp hành và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn theo hướng VietGAHP…

Ngoài tỉnh Sơn La, dự án còn thực hiện ở 9 tỉnh khác, trong đó có Lào Cai. Tại tỉnh này, mô hình hỗ trợ và xây dựng 10 cơ sở nuôi ong mật chất lượng cao tại 2 xã Xuân Quang và Phong Niên (huyện Bảo Thắng). Đây là 2 xã trọng điểm thuộc vùng quy hoạch về phát triển nuôi ong của địa phương, có diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng và cây ăn quả lớn nhất của tỉnh.

Năng suất mật trung bình đạt 18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế của hộ tham gia mô hình tăng 15% so với ngoài mô hình. Hiện 2 tổ nhóm thực hiện mô hình ở 2 xã đang triển khai xây dựng tem nhãn thương hiệu, thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng và gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm mật ong trong năm 2019 để nâng cao hiệu quả SX bền vững.

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, chăn nuôi ong mật chất lượng cao đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững cho người nông dân cũng như các doanh nghiệp. Việc phát triển ngành ong đang là hướng đi đúng đắn, bởi sản phẩm mật ong là một trong những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, tiềm năng phát triển lớn…

Sau khi Bộ NN-PTNT giao cho Trung tâm Khuyến nông quốc gia chủ trì dự án về phát triển nuôi ong, đơn vị đã phối hợp với 10 tỉnh, gồm Tuyên Quang, Lào Cai, Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Đăk Lăk triển khai dự án nuôi ong chất lượng cao trong nông hộ tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung, Tây Nguyên.

Bước đầu, dự án đã giúp người chăn nuôi ong được tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật mới, cách bảo quản, chế biến mật ong, đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, giúp các hộ nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo…

Tại buổi hội thảo, bà Hạnh mong muốn các địa phương trong dự án nhân rộng mô hình để nhiều hộ khác được tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật, cách bảo quản mật ong, hướng tới xuất khẩu.

 


Số lượt đọc: 947 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác