Bệnh chổi rồng hại nhãn và cách phòng trị
01/12/2018
Bệnh “chổi rồng” còn gọi là bệnh “chùn ngọn”, “xù ngọn”, “đầu lân”… xuất hiện từ năm 2003), gây hại rải rác ở Đông Nam bộ

Tuy nhiên thời gian gần đây ở ĐBSCL, bệnh lây lan trên diện rộng nhất là Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh. Bệnh gây hại nặng đến năng suất, chưa có thuốc đặc trị và phòng ngừa là chính.

Triệu chứng bệnh “chổi rồng” dễ nhận diện: Chồi non bị bệnh mọc thành chùm với nhiều nhánh nhỏ, ngắn, biến dạng, cong quẹo, vặn xoắn, nhánh bệnh co cụm trông như bó chổi, do đó bà con gọi là “chổi rồng”.Triệu chứng: Bệnh chổi rồng gây hại trên chồi non và chùm hoa làm các bộ phận này không phát triển, giảm khả năng đậu hoa, đậu trái, trái kém chất lượng, năng suất thất thu.

Chùm hoa bị bệnh cũng có triệu chứng tương tự, chùm hoa kém phát triển, phác hoa ngắn, cánh hoa không bung ra mà nhỏ lại, màu sáng, tỷ lệ đậu trái rất thấp, trái nếu có đậu cũng không phát triển, khô dần rồi chết.

Bệnh chổi rồng có thể xuất hiện bất cứ vị trí nào trên cây nhãn, nhanh chóng lây lan khắp vườn, cây bị bệnh tuy phát triển bình thường nhưng chồi bệnh không phát triển mà thoái hóa dần. Bệnh gây hại quanh năm, tuy nhiên nặng nhất vào mùa nắng, bệnh phổ biến trên vườn trồng dầy, tán rậm rạp, bón phân không cân đối, bón nhiều đạm, vườn thiếu nước vào mùa nắng, vệ sinh và chăm sóc vườn kém.

Tác nhân: Cho đến nay tác nhân gây bệnh “chổi rồng” chưa thống nhất, có người cho là do Phycoplasma, có tác giả lại cho rằng do virus, mới đây một số nhà nghiên cứu lại cho rằng nguyên nhân là do vi khuẩn, tuy nhiên bệnh có quan hệ mật thiết đến nhện và côn trùng chích hút.

Theo nghiên cứu của nhiều tác giả trong và ngoài nước, bệnh có liên hệ mật thiết đến nhện lông nhung (Eriophyes Litchii) và đây chính là môi giới truyền bệnh chổi rồng. Nhện lông nhung rất khó nhận diện do kích thước của chúng rất nhỏ, thân màu vàng trắng, phần ngực có 2 đôi chân, đuôi có lông. Vòng đời 8 – 15 ngày, một năm có 13 – 15 lứa, nhện xuất hiện và gây hại trong mùa nắng. Nhện chích hút chủ yếu trên các bộ phận non như chồi, lộc non, chùm hoa mới nở, tuy nhiên khi không có đọt, nhện chích hút các bộ phận già.

Cách phòng trị: Trồng giống kháng, nếu vùng bị áp lực bệnh cao nên ghép mắt ghép là xuồng cơm vàng vào gốc ghép là tiêu da bò (sức sống mạnh, tuy nhiên nhiễm bệnh năng) hay nhãn long, xuồng cơm trắng…

Sử dụng cây sạch bệnh để làm vật liệu nhân giống. Tránh vận chuyển vật liệu trồng từ vùng nhiễm bệnh sang vùng khác.

Tưới nước đầy đủ, bón phân hơp lý, tránh bón nhiều đạm làm bộ lá phát triển và ra lá không tập trung tạo điều kiện cho bệnh phát triển.

Tỉa cành tạo tán để tạo điều kiện ra hoa tập trung, đồng loạt, thuận lợi cho việc quản lý bệnh.

Cắt tỉa cành sau thu hoạch. Nên cắt tỉa sâu (cắt tỉa dưới vị trí bị bệnh trên 50cm để loại bỏ cành bệnh, nhện hại… nên cắt bỏ cành sát mặt đất).

Thăm vườn thường xuyên, khi phát hiện bệnh, nên cắt bỏ và tiêu hủy ngay. Cần chú ý vệ sinh dụng cụ cắt tỉa để tránh lây lan bệnh.

Kết hợp cắt tỉa cành để xử lý ra hoa nhãn với phòng trừ nhện lông nhung bằng cách phun thuốc khi cây mới ra đọt non, ra hoa như: Sulox 80WP, Saromite 57EC, dầu khoáng SK 99EC. Chú ý phun nhiều nước, phun tập trung vào các bộ phận non của cây, định kỳ 7 – 10 ngày phun một lần, ngoài ra do nhện hại kháng thuốc nhanh, do đó nên luân phiên thuốc.


Số lượt đọc: 961 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác