Khởi nghiệp từ mô hình nuôi bồ câu nhốt chuồng
27/11/2018

Anh Nguyễn Gia Nguyện, thôn An Quỳnh, xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang - một thanh niên đi đầu trong phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế - xã hội với mô hình nuôi nhốt trên 300 cặp chim bồ câu, nhiều năm liền là tấm gương về lao động, sản xuất giỏi tại địa phương để mọi người học tập

Nghề nuôi chim bồ câu được anh Nguyện ấp ủ trong thời gian đi làm thuê tại Hà Nội và Bắc Giang. Trong thời gian đó, anh tìm hiểu nhiều mô hình chăn nuôi và đặc biệt ấn tượng với mô hình nuôi chim bồ câu. Từ đó, anh đã tự tìm tòi kiến thức, kỹ thuật nuôi  bồ câu trên sách, báo và học tập những mô hình thành công ở các tỉnh mà anh đến.

Năm 2014, anh Nguyện trở về quê, cùng với số vốn tích lũy được trong thời gian đi làm thuê, anh mạnh dạn vay vốn của anh em họ hàng để “làm ăn”. Được sự ủng hộ, động viên của bạn bè và gia đình, anh chủ động về Bắc Giang để mua chim bồ câu giống và bắt tay vào thực hiện mô hình nuôi chim bồ câu thương phẩm với quy mô nuôi 300 đôi chim sinh sản, trên diện tích 2.000m2 đất của gia đình.

Anh Nguyện chia sẻ: Chim bồ câu rất dễ nuôi, chỉ cần làm chuồng trại thoáng mát, còn nguồn thức ăn chủ yếu là lúa, gạo. Bồ câu là loài sinh trưởng nhanh, nuôi 6 tháng là chúng bắt đầu sinh sản, mỗi cặp bồ câu có thể đẻ 7 - 8 lứa/năm. Chim bồ câu tự ấp trứng và nuôi con, mỗi cặp sinh sản được bố trí nuôi trong lồng riêng, lấy lá khô hay rơm rạ để làm ổ cho chim non trú ngụ. Về nguồn thức ăn thì đơn giản, chủ yếu là thóc, ngô, đậu xanh trộn với cám hỗn hợp của gà, vịt thịt hoặc vịt đẻ, theo tỷ lệ nhất định tùy vào hình thức nuôi chim sinh sản hay nuôi thịt.

Hiện tại, trung bình mỗi tháng anh xuất bán 130 - 140 đôi chim thịt với giá bán 120.000 đồng/đôi, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 7.000.000 đồng. Thu nhập hàng năm từ nuôi chim bồ câu đạt trên 80.000.000 đồng.

Anh cho biết: Cũng giống như nuôi các vật nuôi khác, nơi ở phải rộng thì chim bồ câu mới có đủ không gian sống, hoạt động và phát triển khỏe mạnh. Cho dù là nuôi thả tự do hay nuôi nhốt thì cũng cần phải có chuồng để bồ câu ra vào trú ngụ và đẻ trứng.

Dự kiến thời gian tới, anh mở rộng quy mô chuồng trại thêm 200 m2, đầu tư nâng quy mô đàn lên 500 đôi chim bố mẹ, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường về con giống và chim thịt thương phẩm...

Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh còn nhiệt tình hướng dẫn các hộ gia đình trong thôn và các địa phương lân cận có cùng sở thích phát triển kinh tế. Với những thành tích đạt được, tháng 3 năm 2018, anh Nguyện đã được Tỉnh đoàn Tuyên Quang tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương./.


Số lượt đọc: 835 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác