Lạ mà hay: Nuôi heo rừng, cho ăn thêm xoài rục, lãi 30 triệu/tháng
14/05/2019
Lê Văn Hạnh, 64 tuổi, ngụ ấp 4, xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng là người tiên phong ở địa phương nuôi heo rừng thả bán hoang dã. Từ mô hình nuôi heo rừng, bình quân mỗi tháng ông Hạnh có nguồn thu hơn 30 triệu đồng. Đàn heo rừng của ông Hạnh rất thích ăn những trái xoài hư, chín rụng...

“Nhà nghèo. Năm đứa con đều học đại học. Cứ làm ăn theo kiểu cũ thì thua ngay. Vậy là tui quyết tâm bỏ nghề làm lúa để chuyển sang chăn nuôi heo rừng, dễ nuôi, bán cũng dễ, miền Tây còn ít người nuôi..”, lão nông Lê Văn Hạnh khởi đầu câu chuyện nuôi heo rừng.
 

Ông Hạnh kể, sau khi đi tìm hiểu, học tập nhiều mô hình chăn nuôi từ các địa phương, năm 2016, ông quyết định chọn mô hình nuôi heo rừng bán hoang dã để thay đổi kinh tế gia đình.
 

Nói về mấy từ “bán hoang dã”, ông Hạnh giải thích: "Heo rừng vốn là loại động vật hoang dã, tánh nết chúng rất hung hăng nhưng mình biết cách gần nó thì chúng khá hiền. Tôi nuôi chúng trong các chuồng trại rất to, rộng, thoáng mát, có ao tắm, cây cỏ thiên nhiên nên chúng rất ưa thích, mô hình bán hoang dã là vậy...".
 

Ban đầu ông Hạnh mua heo giống từ các cơ sở chăn nuôi trong tỉnh nhưng không đạt yêu cầu, sau đó ông chọn mua từ các tỉnh miền Trung, Đông Nam bộ, Campuchia về phối giống theo cách riêng của mình.
 

Ông Hạnh chia sẻ một số kinh nghiệm nuôi heo rừng: "Thức ăn chính của heo rừng chủ lực là rau xanh, cỏ các loại. Đặc biệt là heo rừng rất ưa chuộng các loại trái xoài chín rục lên men chua. Chính vì vậy, ông Hạnh thường đi thu gom các trái xoài rục hư trong các vườn xoài trong vùng mang về cho đàn heo rừng ăn thêm. Người nuôi cần thường xuyên tiêm chủng đúng định kỳ; theo dõi sát sao khả năng phá triển và sinh sản; chế độ thức ăn phong phú để heo rừng chất lượng thơm ngon...".
 

Để đảm bảo an toàn chăn nuôi, ông Hạnh đã xây dựng hàng chục chuồng trại kiên cố để nuôi riêng từng loại heo rừng như 50 con heo rừng nái; 2 con heo rừng đực phủ nọc; từ 250 đến 300 heo rừng các lứa tuổi...
 

Ông Trần Văn Tám, thương lái đến từ TP Cao Lãnh ( tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “ Tôi rất thường xuyên đến đây mua heo rừng con để về làm đám tiệc cho khách hàng. Heo ở đây rất chắc thịt, nhiều nạc, thơm, ngon lại đảm bảo an toàn”.
 

Heo rừng con sau khi sinh từ 7 đến 10 ngày sẽ được tách khỏi heo mẹ và được nuôi riêng với chế độ ăn uống cũng khác biệt heo mẹ. Bình quân sau khi nuôi khoảng 40 ngày, heo rừng con sẽ có trọng lượng từ 13 đến 15 kg/con. Giá bán heo rừng hiện nay từ 120.000 đến 130.000 đồng/kg heo hơi. Mỗi heo con sau khi xuất bán trừ hết chi phí ông Hạnh có lãi khoảng 900.000 đến 1.100.000 đồng/con.
 

Hiện nay mỗi tháng ông Hạnh xuất bán khoảng 30 con heo rừng con mang về nguồn thu hơn 30 triệu đồng/tháng. Như vậy mỗi năm ông Hạnh có lãi trên 350 triệu đồng từ đàn heo rừng. 
 

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tháp Mười đánh giá: “Nếu trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất thì mỗi công đất nuôi heo rừng của ông Hạnh có lãi gần 120 triệu đồng/năm, cao hơn rất nhiều so với làm lúa. Ông Hạnh rất nhiệt tình hướng dẫn bà con nông dân muốn làm theo mô hình nuôi heo rừng...".
 

Khi đã có của ăn, của để, từ đầu năm 2018 đến nay ông đã trồng mới 1.000 gốc bưởi da xanh; 500 gốc nhãn Ido, 500 gốc mãng cầu Thái Lan dự kiến sẽ thu hoạch vào cuối năm 2020.
 

Trước khi chia tay, lão nông Lê Văn Hạnh còn hướng dẫn chúng tôi tham quan ao cá rất đặc biệt của mình bởi ông đang thả nuôi 12 con cá hải tượng, loại cá kiểng đang có giá rất sốc ở thương trường với giá bán từ 900.000 đến 1.000.000 đồng/kg.
 

Ông Hạnh kể: “Cá hải tượng của gia đình tôi con lớn nhất khoảng 100 kg/con; con nhỏ nhất cũng khoảng 80kg/con. Nếu chịu bán bây giờ chắc có được khoảng 800 triệu trong tay nhưng tôi đâu bán bởi đang nghiên cứu phương pháp cho chúng sinh sản...”.


Số lượt đọc: 1177 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác