Khấm khá nhờ trồng đậu phụng
02/11/2015

Trước đây, người dân ở ấp Mỹ Hòa (xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ) sinh sống chủ yếu nhờ cây khoai mì và cây bắp. Tuy nhiên, những cây trồng này chỉ cho thu hoạch mỗi năm một vụ, năng suất kém, chi phí đầu tư cao. Khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều hộ chuyển sang trồng cây đậu phụng, mỗi năm cho thu nhập từ 120-150 triệu đồng/ha, cao gấp 3 lần so với trồng các loại hoa màu khác.

Thời điểm này, trên các cánh đồng ở ấp Mỹ Hòa (xã Long Mỹ), bà con nông dân đang tất bật xuống giống đậu phụng chuẩn bị cho vụ Đông Xuân sắp tới. Người xới đất, làm hàng, người bón phân, tỉa hạt…nhộn nhịp. Một số hộ khẩn trương thu hoạch số đậu phụng còn lại để xuống giống cho kịp thời vụ.

 

Gia đình ông Nguyễn Văn Tư là một trong những hộ có diện tích đất trồng đậu phụng lớn nhất ở ấp Mỹ Hòa với khoảng 1ha. Trước đây, vợ chồng ông Tư và người con trai lớn đều làm thợ hồ, công việc vất vả nhưng không mấy khấm khá. Tháng 6 vừa qua, được người quen cho mượn 1ha đất, ông Tư quyết định thử sức với nghề nông. Ông Tư học hỏi cách trồng đậu phụng từ bạn bè và mua 130kg đậu phụng giống về trồng. Sau hơn 2 tháng, đến nay, 1ha đậu phụng của gia đình ông Tư đã cho thu hoạch với những trái chắc, mẩy, đều hạt. Ông Tư cho biết, đậu phụng là loại cây tương đối dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, từ 6-7 triệu/ha, có thể trồng luân canh với bắp và một số loại rau ăn lá. Ông Tư dự tính, vụ mùa này, với 1ha đậu phụng, ông có thể thu về khoảng 3 tấn hạt tươi.

 

Ông Lê Văn Dũng (tổ 6, ấp Mỹ Hòa), một trong những người có kinh nghiệm trồng đậu phụng lâu nhất ở đây cho biết, cách đây 5 năm, vợ chồng ông cải tạo 3 sào đất vườn, mua 30kg đậu phụng giống về trồng. Hạt giống mua về được ông Dũng lựa cẩn thận, loại bỏ những hạt sâu, hạt lép, đem phơi khô từ 3-4 ngày. Trước khi xuống giống, ông Dũng bón phân lót để tạo độ tơi xốp cho đất. Sau 75 ngày, trái đậu chắc, mẩy, có thể cho thu hoạch. Ông Dũng bật mí: “Khi lá cây chuyển sang màu hơi vàng, nên nhổ thử một vài bụi để quan sát. Nếu thấy 2/3 số trái đã già thì nên thu hoạch, tránh để lâu, hạt dễ bị sâu bệnh. Trái đậu phụng già khi lắc có tiếng kêu bên trong. Bóc vỏ ra, thấy màng nhện phía trong có màu hơi nâu, hột to tròn, nặng”. Theo ông Dũng, không nên trồng đậu phụng liên tiếp qua nhiều mùa trên cùng 1 mảnh đất sẽ làm giảm năng suất, vì các nấm bệnh lưu tồn trong đất qua nhiều vụ sẽ gây thiệt hại lớn. Hiện tại, gia đình ông Dũng đang trồng 7 sào đậu phụng luân canh với bắp. Vụ mùa năm nay, ông Dũng thu về 2 tấn đậu phụng, sau khi trừ chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, ông thu lãi 19 triệu đồng/vụ, gấp đôi so với trồng bắp.

 

Xuống giống từ cuối tháng 6 âm lịch, đến nay, 8 sào đậu phụng của bà Nguyễn Thị Chinh (ấp Mỹ Hòa) cho thu hoạch trung bình 5 tạ/sào. Đậu phụng sau khi thu hoạch được bán cho thương lái ngay tại ruộng với giá 12.000 đồng/kg, trừ chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, bà Chinh thu lãi khoảng 40 triệu đồng. Theo bà Chinh, từ 8 sào đậu phụng trồng trong 3 vụ, bà thu về khoảng 120 triệu đồng, cao hơn gấp 3 lần so với trồng khoai mì trên cùng một diện tích, vốn đầu tư cũng ít hơn từ 3-4 triệu đồng.

 

Ông Lê Văn Vinh, phụ trách nông nghiệp xã Long Mỹ cho biết, trên địa bàn xã có hơn 134ha đất trồng cây hoa màu, trong đó có 40 hộ trồng cây đậu phụng với diện tích 25ha. Theo ông Vinh, cây đậu phụng là một trong những cây trồng giúp nâng cao thu nhập cho người dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đây là cây hoa màu ngắn ngày, phù hợp với loại đất cát pha đất thịt, cho thu hoạch 3 vụ/năm. Giống đậu phụng được người dân xã Long Mỹ trồng phổ biến là giống đậu phụng giấy, có vỏ mỏng, hạt chắc, trái sai, hàm lượng dầu cao, năng suất trung bình đạt 3-4 tấn/ha. “Vụ Đông Xuân sắp tới, chính quyền địa phương tiếp tục khuyến khích bà con trồng luân canh đậu phụng với một số cây trồng như bắp, rau ăn lá… để tăng độ dinh dưỡng cho đất, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Vinh cho biết thêm.


Số lượt đọc: 722 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác