Kết quả 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 trên địa bàn xã Tam Phước
12/07/2019

Kết quả 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 trên địa bàn xã Tam Phước.

Xác định Chương trình xây dựng Nông thôn mới là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”

Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Xã Tam Phước được huyện Long Điền triển khai thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2013-2015. 

Bằng sự đoàn kết và nỗ lực của tập thể Lãnh đạo, sự phấn đấu của Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận và các Đoàn thể xã và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn xã, địa phương đã được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mớivà xã Văn hóa nông thôn mới vào đầu năm 2016. Kể từ khi được công nhận xã nông thôn mới cho đến nay, Đảng bộ, Chính quyền, các ngành Đoàn thể và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn xã luôn ra sức thi đua giữ vững danh hiệu xã Nông thôn mới trong các năm tiếp theo.

 

 

Trong suốt quá trình thực hiện Chương trìnhnông thôn mới, để thực hiện có hiệu quả 19 tiêu chí phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương theo phương châm “Dễ làm trước, khó làm sau”. Đảng ủy, chính quyền xã Tam Phước đã xác định cộng đồng dân cư là chủ thể triển khai và trực tiếp thụ hưởng chương trình xây dựng nông thôn mới. Do đó, ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình, địa phương đã thực hiện công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân nhằm phát huy sức mạnh trong nhân dân. Một trong những mô hình hỗ trợ đắc lực, mạnh mẽ cho công tác tuyên truyền đó là triển khai mô hình “Dân vận khéo” mà Đảng, Nhà nước phát động thực hiện.

Thực tế đã khẳng định, dân vận khéo đã có tác động mạnh mẽ đến tiến trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Thông qua dân vận khéo đã làm cho mọi người dân hiểu rõ nội dung, mục đích, ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới, coi xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của mỗi người, mỗi gia đình. Hơn thế, dân vận khéo còn làm cho người dân tự giác đầu tư công sức, tiền của, cải tạo nơi ăn chốn ở, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư sản xuất thâm canh, nâng cao thu nhập, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

 

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền và mô hình điển hình “Dân vận khéo”, trong quá trình xây dựng nông thôn mới đã được triển khai toàn diện, đồng bộ từ xã đến ấp, được sự đồng tình, hưởng ứng của Nhân dân trên địa bàn. Kết quả cụ thể là:

Từ khi thực hiện chương trình đến nay, địa phương đã vận động người dân tham gia đóng góp cho chương trình xây dựng nông thôn mới xã với giá trị quy ra thành tiền là 4.809,308 triệu đồng, trong đó, riêng tổng diện tích hiến đất là 23.198.33m2.

Các cơ chế chính sách hỗ trợ nhân dân, nông dân đều được triển khai kịp thời, mở 36 lớp tập huấn, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp với 1.331 người tham dự; mở 05 lớp dạy nghề nông thôn với tổng số 104 học viên tốt nghiệp áp dụng vào thực tế sản xuất nông nghiệp. Triển khai các Đề án hộ trợ sản xuất chăn nuôi cho nông dân nông thôn với 15 đề án trồng trọt, chăn nuôi với 92 hộ nông dân tham gia, tổng kinh phí hỗ trợ là 862.92 triệu đồng. Thông qua phát triển các mô hình sản xuất, hỗ trợ người nông dân nông thôn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, đời sống người dân nông thôn ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm nhanhvới tỷ lệ 3,54% so với năm 2012 (năm trước khi thực hiệnnông thôn mới), giảm 0,7% so với  năm 2015 (khi địa phương được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới).

Hiệu quả từ chương trình đã cải thiện bộ mặt nông thôn, kinh tế - xã hội của xã đã có những bước phát triển toàn diện, nông thôn được quy hoạch phát triển theo hướng văn minh gắn với phát triển nông thôn bền vững; cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp ngày càng đồng bộ, phục vụ hiệu quả sản xuất, đời sống của nhân dân; sản xuất phát triển, an sinh xã hội được quan tâm, góp phần hiệu quả trong tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại; thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ ở nông thôn, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân nông thôn. Các giá trị văn hóa truyền thống bảo tồn phát huy, môi trường ngày càng được cải thiện, hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, dân chủ từ cơ sở ngày càng được nâng cao, nhận thức, ý thức trách nhiệm của Người dân được nâng lên. An ninh, trật tự xã hội được giữ vững ổn định, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Những kết quả thiết thực nêu trên đã một lần nữa khẳng định Chương trình xây dựng Nông thôn mới là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, là một quá trình tiến triển thường xuyên, liên tục và ngày càng nâng tầm cao mới.

Bên cạnh những thành tựu nổi bật, cũng còn nhiều khó khăn nhất là trong giai đoạn tiếp theo khi Tiêu chí Nông thôn mới yêu cầu ngày càng cao trong khi khả năng huy động nguồn lực còn hạn chế. Mặc dù vậy, với sự đồng lòng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã tiếp tục quyết tâm phấn đấu ngày càng cao hơn nâng tầm xã đạt chuẩn Nông thôn mới trong giai đoạn tới với mục tiêu chung xây dựng xã nhà ngày càng giàu đẹp và văn minh hơn.

 


Số lượt đọc: 573 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác