Mô hình mới hiệu quả cao
02/09/2019

Là người đầu tiên trồng nấm bào ngư tại huyện Long Điền, dù quy mô sản xuất nhỏ nhưng nhờ biết áp dụng kiến thức kỹ thuật vào sản xuất cộng với chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm hiện nay ông Huỳnh Thư Phương (ấp Phước Lăng, xã Tam Phước) đang làm ăn khấm khá nhờ mô hình mới này. 

Trước đây gia đình ông Phương nuôi gà nhưng do dịch bệnh nên chăn nuôi không hiệu quả. Qua tìm hiểu thông tin trên các phương tiện truyền thông ông Phương biết được mô hình trồng nấm bào ngư khá đơn giản, ít dịch bệnh và hiệu quả cao. Bắt tay vào làm do kiến thức kỹ thuật còn hạn chế nên ông Phương không tự sản phôi giống mà liên hệ với một số trại nấm lớn trên địa bàn tỉnh mua phôi giống sẵn về trồng. Ban đầu ông Phương chỉ trồng thử 5.000 bịch phôi giống diện tích 60m2. Sau khi trồng thấy hiệu quả, ông Phương chủ động liên hệ các chủ vựa nấm tại các chợ trên địa bàn tỉnh và TP Hồ Chí Minh để bỏ mối nấm tươi. Tìm được đầu ra, ông Phương yên tâm duy trì phát triển mô hình trồng nấm bào ngư của gia đình mình, tham quan các mô hình trồng nấm bào ngư có quy mô lớn ở huyện Tân Thành. Bên cạnh đó, ông được hỗ trợ vay vốn ưu đãi 30 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân huyện. Có thêm vốn ông Phương mạnh dạn mở rộng quy mô trại nấm của mình. Hiện nay, ông Phương đang trồng 7.000 bịch phôi giống và đang xây thêm một trại nấm diện tích khoảng 60m2, dự kiến trồng thêm 20.000 bịch phôi giống. Theo ông Phương, vốn đầu tư ban đầu cho mô hình khá cao khoảng 40 triệu đồng cho 60m2, nhưng bù lại nấm bào ngư cho thu hoạch thời gian dài từ 4 đến 6 tháng. Từ khi trồng đến thu hoạch  khoảng 45 ngày, cứ 15 ngày nấm cho thu hoạch một lần, nhưng điều đặc biệt là nông dân có thể điều chỉnh được sự sinh trưởng của nấm theo ý mình. Mỗi bịch phôi giống cho thu hoạch 1 lần khoảng 40 đến 70 gam nấm, trung bình mỗi túi phôi có thể cho năng suất từ 160 đến 250 gam nấm tươi. Với giá bán mỗi ký nấm tươi từ 30 đến 33 ngàn đồng. Sau khi khấu trừ chi phí, trung bình mỗi tháng ông Phương thu lãi từ 4 đến 5 triệu đồng. Qua kinh nghiêm thực tế sản xuất, ông Phương nhận thấy trồng nấm bào ngư có ưu điểm là không sử dụng thuốc, phân bón, không bị dịch bệnh, thời gian chăm sóc ít nên nông dân có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để làm. Điều quan trọng là phải xây dựng trại nấm  đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo thông thoáng. Trong quá trình chăm sóc nấm cần tưới nước vừa đủ, đảm bảo độ ẩm cho nấm sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện nay cùng với việc trồng nấm bào ngư ông Phương còn cung cấp phôi giống những hộ có nhu cầu trồng và thu mua nấm tươi của bà con trong vùng để bỏ mối các chợ trên địa bàn tỉnh. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình mình, ông Phương còn tận tình hướng dẫn kỹ thuật cho những nông dân trong vùng có nhu cầu trồng nấm bào ngư.

Trao đổi về hướng nhân rộng mô hình trồng nấm bào ngư trên địa bàn huyện Long Điền ông Ngô Tấn Lập- Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: " mô hình trồng nấm bào ngư của gia đình ông Phương hiệu quả cao vì ông Phương chịu khó học hỏi, nắm vững kiến thức kỹ thuật về trồng nấm. Bên cạnh đó, ông Phương đã chủ động tìm được đầu ra ổn định nên lợi nhuận cao. Hiện nay, Hội Nông dân huyện đang khuyến khích nông dân nhân rộng những mô hình chuyển đổi sản xuất phù hợp như mô hình trồng nấm bào ngư. Tuy nhiên hiện nay vấn đề giá cả đầu ra vẫn do thương lái quyết định, vì vậy các cấp Hội Nông dân huyện khuyến khích, động viên nông dân chủ động liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm, đảm bảo xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả bền vững".

 

 


Số lượt đọc: 1064 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác