Một số quy định mới của TW có hiệu lực từ tháng 4 năm 2020
06/04/2020
Quy định mới về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ; Tung tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội bị phạt đến 20 triệu đồng; Vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động bị phạt đến 150 triệu đồng; Ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP; Cấm khai thác cát, sỏi tại khu vực bờ sông có nguy cơ sạt, lở;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2020.

Quy định mới về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

Có hiệu lực từ ngày 01/04/2020, Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và việc cấp, thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu, biển hiệu; quy định về công bố bến xe.

Về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, Nghị định nêu rõ: Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi phải được dán cố định cụm từ “XE TAXI” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe. Bên cạnh đó, được quyền lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe. Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn trên nóc xe thì không phải dán cố định cụm từ “XE TAXI” trên kính phía trước và kính phía sau xe.

Xe taxi sử dụng đồng hồ tính tiền trên xe phải gắn đồng hồ tính tiền được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì; lái xe phải in hóa đơn hoặc phiếu thu tiền và trả cho hành khách khi kết thúc hành trình.

Đối với xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, huỷ chuyến, tính cước chuyến đi (sau đây gọi là phần mềm tính tiền), trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, huỷ chuyến; tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số. Kết thúc chuyến đi, doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng phần mềm tính tiền phải gửi (qua phần mềm) hóa đơn điện tử của chuyến đi cho hành khách, đồng thời gửi về cơ quan Thuế các thông tin của hóa đơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Nghị định cũng quy định rõ điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô. Theo đó, trước ngày 01/7/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.

Bỏ quy định xử phạt một số hành vi tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP

Có hiệu lực từ 01/04/2020, Nghị định 21/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.

Trong đó, bãi bỏ quy định phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với hành vi lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực tham gia hoạt động lập dự án đầu tư xây dựng; thẩm tra dự án đầu tư xây dựng; bãi bỏ quy định phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với tổ chức hoạt động xây dựng có một trong các hành vi: không có hợp đồng lao động đối với những cá nhân đảm nhận những chức danh chủ chốt theo quy định; những chức danh chủ chốt không có chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực đặc thù của dự án theo quy định....

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ phạt đến 100 triệu đồng

Nghị định số 18/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ có hiệu lực từ ngày 01/04/2020.

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

Theo Nghị định, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền. Trong đó, mức phạt tiền tối đa là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.

Thí điểm quản lý lao động, tiền lương, thưởng 3 Tập đoàn, TCty

Nghị định số 20/2020/NĐ-CP của Chính phủ thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có hiệu lực từ ngày 01/04/2020.

Nghị định này quy định việc thực hiện thí điểm về quản lý lao động, xây dựng thang lương, bảng lương; tiền lương, tiền thưởng của người lao động và Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng; tiền lương, thù lao, tiền thưởng của Thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên năm 2020 tại 3 tập đoàn, tổng công ty gồm: Công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines); Công ty mẹ - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM).

Cấm khai thác cát, sỏi tại khu vực bờ sông có nguy cơ sạt, lở

Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông có hiệu lực từ ngày 10/04/2020.

Theo Nghị định, việc khoanh định khu vực cấm hoạt động khai thác, khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông được thực hiện theo quy định tại Điều 28 của Luật Khoáng sản; các quy định của pháp luật về thủy lợi, đê điều, giao thông thủy nội địa, quy định của pháp luật khác liên quan.

Căn cứ đặc điểm địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông và thực trạng, diễn biến tình hình xói, lở, bờ, bãi sông, các khu vực sau được khoanh định là khu vực cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông: a - Khu vực đang bị sạt, lở; b - Khu vực đã bị sạt, lở và có nguy cơ tiếp tục bị sạt, lở; c - Khu vực bờ sông không ổn định, có nguy cơ sạt, lở; d - Khu vực khác có tầm quan trọng trong việc bảo đảm sự ổn định, an toàn của bờ sông; khu vực có công trình quốc phòng an ninh, khu đô thị, khu dân cư, khu vực có công trình đê điều, thủy lợi, giao thông, cấp thoát nước, quan trắc, giám sát và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác mà việc khai thác cát, sỏi lòng sông có thể làm gia tăng nguy cơ mất ổn định bờ sông do UBND cấp tỉnh quyết định.

Tung tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội bị phạt đến 20 triệu đồng

Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có hiệu lực từ ngày 15/04/2020.

Theo Nghị định này, cá nhân có hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân khác sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

Đồng thời, mức phạt này cũng được áp dụng đối với các hành vi:

- Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

- Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc…

Sửa quy định thu hút, trọng dụng nhà khoa học xuất sắc

Có hiệu lực từ ngày 15/04/2020, Nghị định số 27/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP về đặc cách bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc năm công tác.

Theo đó, người đang giữ hạng chức danh khoa học, hạng chức danh công nghệ tại đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động KHCN, đáp ứng tiêu chuẩn của hạng chức danh cao hơn được xét đặc cách bổ nhiệm vào hạng chức danh khoa học, hạng chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác nếu trong thời gian giữ hạng chức danh tại thời điểm xét đặc cách thăng hạng đạt một trong các điều kiện sau:

a- Đạt giải thưởng quốc tế, giải thưởng uy tín trong nước về KHCN theo quy định của Bộ KHCN.

b- Chủ trì hoặc thực hiện chính nhiệm vụ KHCN đặc biệt hoặc nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng được nghiệm thu ở mức đạt trở lên hoặc chủ trì nhiệm vụ KHCN cấp bộ, cấp tỉnh trở lên được ứng dụng mang lại hiệu quả cao về kinh tế-xã hội.

c- Được cấp bằng tiến sĩ và có thành tích vượt trội trong hoạt động KHCN.

d- Được cấp bằng tiến sĩ khoa học hoặc được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư.

đ- Được bổ nhiệm chức danh giáo sư.

Vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động bị phạt đến 150 triệu đồng

Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2020,  thay thế Nghị định 95/2013/NĐ-CP và Nghị định 88/2015/NĐ-CP trước đó.

Theo đó, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không báo cho người lao động trước 03 ngày làm việc hoặc không thông báo rõ thời hạn làm tạm thời hoặc bố trí công việc không phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động. Phạt tiền từ 50-75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các mức phạt tiền nêu trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Nghị định 28 cũng quy định, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Không trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật để người lao động tự lo bảo hiểm. Mức phạt tiền từ 10-15 triệu đồng cũng áp dụng đối với NSDLĐ có hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người giúp việc gia đình.

Cũng theo Nghị định 28, người sử dụng lao động trả lương không đúng hạn cho người lao động có thể bị phạt đến 50 triệu đồng (nếu là cá nhân) và 100 triệu đồng (nếu là tổ chức).

Ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP

Nghị định 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư có hiệu lực từ ngày 20/04/2020 và thay thế Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án bao gồm: Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) theo quy định của pháp luật về đầu tư PPP; dự án đầu tư có sử dụng đất để xây dựng nhà ở thương mại; công trình thương mại, dịch vụ; công trình đa năng, tổ hợp đa năng cho mục đích kinh doanh; dự án không thuộc quy định nêu trên nhưng phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa. Nghị định cũng quy định ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP.

Từ 01/4/2020, người đủ 15 tuổi được sử dụng thẻ tín dụng phụ

Nội dung này được đề cập tại Thông tư 28/2019/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 25/12/2019 về hoạt động thẻ ngân hàng và có hiệu lực từ ngày 01/4/2020 tới đây.

Ngoài những đối tượng đang được sử dụng thẻ ngân hàng hiện nay, Thông tư còn bổ sung một số đối tượng mới như:

- Người từ đủ 15 - 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự: Được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước (thẻ phụ);

- Tổ chức đủ điều kiện mở tài khoản thanh toán: Được sử dụng thẻ ghi nợ (thẻ chính);

- Tổ chức là pháp nhân: Được sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ trả trước (thẻ chính).

Từ 20/4/2020, không được nhận xét vào sơ yếu lý lịch

Đây là yêu cầu mới được quy định tại Thông tư 01 năm 2020 do Bộ Tư pháp ban hành ngày 03/3/2020 và có hiệu lực từ ngày 20/4/2020.

Cụ thể, Điều 15 Thông tư này quy định, người thực hiện chứng thực chữ ký trong tờ khai lý lịch cá nhân không được ghi bất cứ nhận xét nào vào tờ khai lý lịch cá nhân, mà chỉ được ghi lời chứng chứng thực theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định 23 năm 2015 của Chính phủ (Trước đây, tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 20/2015/TT-BTP của Bộ Tư pháp không đề cập đến yêu cầu này).

Khi chứng thực chữ ký trên lý lịch cá nhân, người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân của mình. Đối với những mục không có nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân thì phải gạch chéo trước khi yêu cầu chứng thực.

Tiêu chí kinh tế trang trại

Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT về việc quy định tiêu chí kinh tế trang trại có hiệu lực từ ngày 14/4/2020. Theo đó, trang trại bao gồm 2 loại là trang trại chuyên ngành và trang trại tổng hợp.

Trang trại chuyên ngành được xác định theo lĩnh vực sản xuất như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, diêm nghiệp và tỷ trọng giá trị sản xuất của lĩnh vực chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản xuất của trang trại trong năm. Trang trại chuyên ngành được phân loại như sau: Trang trại trồng trọt; trang trại chăn nuôi; trang trại lâm nghiệp; trang trại nuôi trồng thủy sản; trang trại sản xuất muối.

Tiêu chí kinh tế trang trại chuyên ngành được quy định cụ thể như sau: Trang trại trồng trọt, giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 1,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên; trang trại nuôi trồng thủy sản, giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên; trang trại chăn nuôi, giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên và đạt quy mô chăn nuôi trang trại theo quy định tại Điều 52 Luật Chăn nuôi và văn bản hướng dẫn; trang trại lâm nghiệp, giá trị sản xuất bình quân đạt từ 1,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 10,0 ha trở lên; trang trại sản xuất muối, giá trị sản xuất bình quân đạt 0,35 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên.

Trang trại tổng hợp là trang trại trong đó không có lĩnh vực sản xuất nào có tỷ trọng giá trị sản xuất chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản xuất của trang trại trong năm. Theo Thông tư, giá trị sản xuất bình quân của trang trại tổng hợp phải đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên.

Điều kiện cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền viên

Thông tư 03/2020/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, đào tạo, huấn luyện thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ 15/4/2020. Trong đó nêu rõ điều kiện cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền viên. 

Giảm phí thẩm định quảng cáo hoá chất, chế phẩm diệt khuẩn y tế

Thông tư 11/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 278/2016/TT-BTC  quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 06/4/2020.

Theo đó, phí thẩm định xác nhận nội dung quảng cáo hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế được điều chỉnh giảm từ 1 triệu đồng/hồ sơ xuống còn 600.000 đồng/hồ sơ.

Quy định mới về quyết toán dự án sử dụng vốn nhà nước

Từ ngày 10/4/2020, việc quyết toán dự án hoàn thành sử dụng nguồn vốn nhà nước được thực hiện theo quy định tại Thông tư 10/2020/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành.

Thông tư này thay thế Thông tư số 09/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước và Thông tư số 64/2018/TT-BTC ngày 30/7/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước.


Số lượt đọc: 464 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác