Giá heo rớt thê thảm, chỉ còn từ
20-22.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi lỗ nặng từ 1-1,2 triệu đồng/con. Nợ
chồng nợ, nhiều trang trại đã buộc phải “treo chuồng”. Thêm một lần nữa, Bộ
NN-PTNT, UBND tỉnh đã phải phát đi thông báo kêu gọi cộng đồng, DN “giải cứu”
người chăn nuôi heo.
MỖI CON HEO XUẤT CHUỒNG LỖ HƠN 1 TRIỆU ĐỒNG
Sau nhiều năm đầu tư chuồng trại nuôi heo, bà Lê Thị Yến, xã Suối Rao, huyện Châu Đức đã phải treo chuồng. Vốn nổi tiếng là người làm ăn giỏi, bỏ ra cả tỷ đồng đầu tư chuồng trại với trên 300 con heo, sau Tết Nguyên đán, bà Yến buộc phải bán hết số heo trong chuồng dù lỗ hơn 180 triệu đồng và quyết định “treo chuồng”. Giờ đây, mỗi ngày bà Yến ra nhìn chuồng trại trống rỗng mà tiếc nuối, đau lòng.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hoa, xã Suối Nghệ đã tích cóp vốn liếng, thế chấp tài sản vay vốn đầu tư chuồng trại chăn nuôi heo quy mô gần 300 con. Thời gian gần đây, cứ mỗi tuần xuất bán 10 con heo thì chị Hoa lỗ khoảng 10 triệu đồng.
Còn anh Võ Phú Cường, xã Bình Giã, huyện Châu Đức, cũng rơi vào cảnh đổ nợ vì giá heo. Trong chuồng có gần 100 heo thịt đến đợt xuất bán nhưng thương lái không đến mua. Vợ chồng anh Cường phải mổ thịt mỗi ngày một con bán lẻ tại chợ Bình Giã để đắp lại tiền cám.
Ông Lữ Thanh Đức, xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc cho biết, gần 30 năm nuôi heo chưa bao giờ ông chứng kiến giá heo rớt mạnh như hiện nay. Dù chăn nuôi quy mô nhỏ khoảng 30-40 con nhưng gia đình ông đã cầm chắc lỗ khoảng 100 triệu đồng. Các thương lái quen cũng ngưng mua.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Bút, ấp Thạnh Sơn 2B, xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc còn 18 con heo đã đến thời kỳ xuất chuồng. Ông Bút cho biết: “Cách đây mấy ngày, tôi kêu thương lái đến để bán 6 con heo thịt (80kg/con) với giá 8 triệu đồng. Thương lái đến xem nhưng không thấy quay lại”.
Theo tính toán của ông Mai Viết Hoàng, ấp Tân Trung, xã Phước Trung, huyện Xuyên Mộc, chi phí đầu tư nuôi một con heo từ giai đoạn con giống đến khi xuất chuồng khoảng 3,5 triệu đồng gồm tiền con giống, thức ăn, chi phí chăm sóc. Thế nhưng giá heo khi xuất chuồng hiện chỉ khoảng 2,4 triệu đồng/con, như vậy mỗi con heo đang chịu lỗ 1,1 triệu đồng. “Để đầu tư nuôi 100 con heo gia đình tôi phải vay vốn từ ngân hàng. Giờ lỗ nặng thế này, chưa biết lấy đâu tiền trả nợ. Heo quá lứa không có người mua. Sau đợt này tôi quyết định treo chuồng”, ông Hoàng nói.
Giá heo rớt mạnh, các trang trại lớn nuôi từ 200-3.000 con lại càng lao đao hơn bởi nuôi nhiều lỗ nhiều. Ông Nguyễn Thanh Đính, chủ trang trại chăn nuôi tại xã Láng Lớn, huyện Châu Đức nuôi hơn 3.000 con heo. Mỗi tháng xuất chuồng từ 300-400 con, trừ các chi phí như con giống, thức ăn, tiền thuốc, ông Đính đang phải chịu lỗ gần 400 triệu đồng/tháng.
ĐỔ NỢ, KÉO THEO NHIỀU HỆ LỤY
Những ngày này, dọc các tuyến đường đến các chợ xã Suối Nghệ, Bình Giã, Láng Lớn... đâu đâu cũng bày bán la liệt thịt heo. Chỉ cần một tấm ni lông trải dưới đất, ngoài lề chợ hoặc bên vệ đường là có thể bán thịt heo với giá rẻ từ 30.000-40.000 đồng/kg. Nhiều người nuôi heo không bán được cho thương lái đành tự giết mổ heo để bán lẻ. Chị Dương Thị Nhàn (thôn Phước An, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) đóng một cái sạp nhỏ để trước nhà, mỗi ngày chị mổ 1 con heo bán để vớt vát lại tiền cám. Chị cho biết, heo hiện đã quá lứa, mỗi con từ 80-100kg nhưng thương lái không mua. Trong khi đó nợ tiền cám ở đại lý, cộng với nợ vay vốn ngân hàng khiến cho gia đình chị không thể nào xoay sở kịp.
Ông Phạm Đình Trưởng, chủ trang trại nuôi heo ở xã Sông Xoài (huyện Tân Thành) cho biết, trước tình hình hiện nay thì người chăn nuôi không thể nào cầm cự nổi. “Với 200 con heo thịt, chi phí tiền thức ăn, vắc xin phòng bệnh, công chăm sóc lên tới 3-3,5 triệu đồng/con. Thế nhưng, bán chỉ được 2,2 đến 2,4 triệu đồng con mà cũng không có người mua. Vừa rồi tôi phải mang giấy tờ nhà cầm ngân hàng để trả 400 triệu đồng nợ thức ăn cho đại lý”, ông Trưởng cho biết.
Do heo rớt giá, không bán được kéo theo đó tiền mua cám cũng không có để trả, hiện không chỉ người chăn nuôi lao đao mà các đại lý cũng “khóc ròng” vì không thu hồi được tiền cám của các hộ chăn nuôi. Ông Trần Anh Kiệt (nhà phân phối cám Uni-President trên địa bàn tỉnh BR-VT) cho biết, không riêng gì người chăn nuôi, mà nhiều đại lý thức ăn gia súc cũng sống dở chết dở vì người chăn nuôi thua lỗ, hầu hết chủ trang trại đều mua thiếu thức ăn, đến khi bán heo mới trả. Chị Nguyễn Thị Diễm Kiều, chủ đại lý thức ăn gia súc Triều Cường (xã Suối Nghệ), hiện đang trong tình trạng khốn đốn khi phải gồng nợ cho người chăn nuôi gần 4 tỷ đồng. “Nếu kéo dài vài tháng nữa, tôi sẽ bị phá sản vì không có khả năng trả nợ ngân hàng”, chị Kiều nói.
Ông Nguyễn Văn Hào, Phó Giám đốc chi nhánh Agribank Châu Đức cho biết, hiện Ngân hàng NN-PTNT huyện đang cho 1.237 hộ vay vốn chăn nuôi heo với số tiền trên 188 tỷ đồng (chưa tính hộ chăn nuôi vay các ngân hàng khác). Nếu tình trạng heo rớt giá kéo dài thêm 1 tháng nữa, thì việc bán tài sản, nhà cửa thế chấp của người dân để trả nợ là điều khó tránh khỏi.
LẠI ĐIỆP KHÚC “CUNG VƯỢT CẦU”
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, giá heo xuống thấp thời gian qua là do cung vượt cầu. Ngoài tiêu thụ thị trường trong và ngoài tỉnh, heo còn được bán cho thương lái Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Hiện phía Trung Quốc ngưng mua, sức tiêu thụ thị trường trong nước kém đã khiến cho heo ứ đọng. Ông Đỗ Chí Khởi, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Châu Đức cho biết, chỉ tính riêng huyện Châu Đức, tổng đàn heo tăng 10% mỗi năm với trên 200 ngàn con. Thời gian qua, việc trông chờ vào thị trường Trung Quốc khiến cho ngành chăn nuôi chịu nhiều rủi ro. “Hiện nay giá heo hơi xuống thấp, người chăn nuôi thua lỗ. Huyện đang đề nghị ngân hàng NN-PTNT có chính sách hỗ trợ khoanh nợ, giãn nợ và hỗ trợ vốn cho người chăn nuôi”, ông Khởi nói.
Ông Văn Thanh Hùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Xuyên Mộc cho biết: Theo quy hoạch, trên địa bàn huyện Xuyên Mộc chỉ nuôi 120 ngàn con, nhưng hiện tổng đàn đã lên 132 ngàn con. Việc phát triển đàn ồ ạt, tự phát, theo phong trào là một trong những nguyên nhân khiến heo rớt giá mạnh. Trước mắt, huyện sẽ nghiên cứu, tìm hướng giúp bà con chăn nuôi tiêu thụ heo đã đến kỳ xuất chuồng. “Về lâu dài, người chăn nuôi nên tuân thủ quy hoạch, tăng cường liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ”, ông Hùng cho biết thêm.
Theo thống kê, tổng đàn heo trên toàn tỉnh hiện có 470.000 con, trong đó, số lượng heo đến giai đoạn tiêu thụ là 200.000 con (với 25.000 con trong tình trạng quá lứa hơn 115kg). Hiện trung bình mỗi ngày toàn tỉnh tiêu thụ từ 1.200-1.500 con heo, trong khi nhu cầu thu mua của thương lái thời gian qua rất ít, giá thu mua heo nái 12.000-13.000 đồng/kg. Trước tình trạng chăn nuôi heo thua lỗ, UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo Sở Công thương kêu gọi, liên kết phối hợp với các cơ sở giết mổ, chế biến trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ mua heo cho bà con nông dân; đồng thời vận động các bếp ăn tập thể, các căn tin trong công ty, DN, trường học, các đơn vị bộ đội hỗ trợ mua heo giúp người chăn nuôi trong tỉnh.
Ông Nguyễn Lương Trai, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, tuy giá heo tại chuồng hiện nay rất thấp, nhưng theo ghi nhận tại các chợ, siêu thị vẫn ở mức cao, không giảm. Hiện tại đơn vị cũng đang đề xuất với UBND tỉnh đề nghị Sở Công thương cần có ý kiến với Bộ Công thương về kiểm soát thị trường để người tiêu dùng có thể mua sản phẩm từ heo nhiều hơn hỗ trợ người chăn nuôi. Bên cạnh đó, Chi cục cũng tham mưu UBND tỉnh đề xuất với các ân hàng trên địa bàn tỉnh có chính sách giãn nợ, trả chậm để người chăn nuôi vượt qua khó khăn hiện nay.