Kiểm tra 1.500 cơ sở, phát hiện 400 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm: Phần nổi của "tảng băng trôi"
15/05/2017

Trong Tháng hành động vì ATTP (từ ngày 15-4 đến 15-5), các đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện 400 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm về VSATTP. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.

PHỔ BIẾN THỰC PHẨM KHÔNG RÕ NGUỒN GỐC

Kiểm tra điểm kinh doanh thịt gia súc, gia cầm tại chợ…, Đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP của huyện Châu Đức phát hiện 100 kg thịt heo ôi thiu, đang trong quá trình phân hủy tại sạp hàng của bà Nguyễn Thị Lài. Đây là số thịt ế được bà Lài mua lại từ các sạp bán thịt heo trong chợ về chế biến để bán cho người tiêu dùng. Ông Vũ Hùng Cường, Trưởng phòng Y tế huyện cho biết, khi Đoàn kiểm tra đến bà Lài không có mặt tại sạp hàng, tuy nhiên Đoàn cũng đã lập biên bản tịch thu và tiêu hủy tại chỗ toàn bộ số thịt thối này.

Tại huyện Long Điền, qua kiểm tra VSATTP tại các cơ giết mổ, các điểm kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện nhận định: 20-30% thịt heo bán tại các chợ không rõ nguồn gốc, không có dấu kiểm dịch, được mua về từ các lò giết mổ chui. Ngoài ra, thịt không truy xuất được nguồn gốc cũng xuất hiện tại các lò giết mổ tập trung được cấp phép.

Tương tự, tại huyện Xuyên Mộc, Đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP tỉnh đã kiểm tra đột xuất tại cơ sở giết mổ do ông Nguyễn Trọng Hùng ở ấp Nhân Hòa (xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) làm chủ. Cơ sở này được cấp phép hoạt động giết mổ tập trung, mỗi ngày giết mổ 25-30 con heo, cung cấp khoảng 2,7 tấn thịt cho các chợ trên địa bàn huyện. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hồ sơ ghi chép nguồn gốc xuất xứ của heo. Bản thân chủ cơ sở giết mổ chưa nhận thức đầy đủ về quy định truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Ông Hùng phân trần với Đoàn kiểm tra: “Heo giết mổ tại cơ sở được thu mua từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong xã nên hoàn toàn yên tâm về chất lượng”…

TIẾP TỤC PHÁT HIỆN HÀN THE, FORMOL TRONG THỰC PHẨM

Bên cạnh nỗi lo về thực phẩm không rõ nguồn gốc, kết quả kiểm tra tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn sử dụng chất cấm trong bảo quản thực phẩm.

Tại huyện Tân Thành, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản kiểm nghiệm mẫu cá khoai và cá thèn tại chợ Ngọc Hà và chợ Mỹ Xuân. Kết quả, phát hiện cá khoai bán tại chợ Ngọc Hà có chứa formol (hàm lượng 31,1mg/kg) và cá thèn khô bán tại chợ Mỹ Xuân có chứa trichflorfon - một dạng thuốc trừ sâu – với hàm lượng 251mg/kg. Đây đều là những chất cấm sử dụng trong chế biến, bảo quản thực phẩm, nhưng vẫn được dùng để ướp cá tươi nhằm tăng độ dai của cá hoặc tẩm vào cá khô để... chống ruồi!.

Tương tự, ở huyện Đất Đỏ, Đoàn kiểm tra liên ngành về VSATTP lấy mẫu 166 thực phẩm để kiểm tra, kết quả phát hiện 2 mẫu cà pháo muối, củ kiệu nhiễm formol, 2 mẫu tàu hũ ky và mì tươi nhiễm hàn the. Tại TP.Vũng Tàu, cơ quan chức năng kiểm tra 9 mẫu thực phẩm bán tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kết quả có 1 mẫu mực sữa dương tính với formol. Ở huyện Xuyên Mộc, cơ quan chức năng cũng phát hiện 6/71 mẫu chả lụa có chứa hàn the tại xã Bàu Lâm và thị trấn Phước Bửu.

PHẦN NỔI CỦA “TẢNG BĂNG TRÔI”

Các vi phạm nói trên thực tế chỉ là phần nổi của “tảng băng trôi”, bởi việc kiểm tra mới chỉ được tiến hành trên một số loại thực phẩm phổ biến và dễ kiểm định. Những thực phẩm tươi sống khác, dù tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ nhưng cơ quan chức năng ở địa phương chưa thể kiểm soát, một phần do năng lực kiểm định ở cơ sở còn yếu kém.

Ông Vũ Hùng Cường, Trưởng Phòng Y tế huyện Châu Đức nêu thực trạng: Hiện nay, ở cấp huyện chưa có phương tiện để kiểm nghiệm thực phẩm tươi sống. Muốn test mẫu, phải gửi lên tuyến tỉnh hoặc trung ương. Trong khi đó, các loại thực phẩm tươi sống rất khó lưu giữ để chờ kết quả kiểm tra. “Chúng tôi không đủ điều kiện để lưu giữ hàng trăm ký rau, thịt trong một vài tuần để chờ kết quả xét nghiệm”, ông Hùng trăn trở.

Khó kiểm soát nhất - theo phản ánh từ các địa phương - là sản phẩm rau. Bởi đa số rau bán trên thị trường đều không truy xuất được nguồn gốc. Việc kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trên rau phải mất cả tháng mới có kết quả. Khi có kết quả, nếu có vi phạm, muốn xử phạt cũng khó vì rau đã được người bán tiêu thụ hết.

Ông Lâm Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Điền cho rằng, muốn kiểm soát ATTP đối với rau, cần mở rộng quy mô sản xuất rau an toàn, giảm nguồn cung rau trồng tự phát. Thời gian qua, huyện Long Điền đã tích cực vận động người dân tham gia sản xuất rau an toàn nhưng do mạng lưới tiêu thụ phát triển chậm, nên chưa tạo được động lực để nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất. “Tháo gỡ được khó khăn về thị trường tiêu thụ, sẽ giúp người trồng rau mạnh dạn đầu tư sản xuất rau an toàn, tiến tới giảm thiểu rau “bẩn” trên thị trường”, ông Hồng nói.

Nói riêng về công tác quản lý ATTP, ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND TP. Bà Rịa đề cập đến hàng loạt khó khăn như: thiếu phương tiện, trang thiết bị kiểm nghiệm mẫu thực phẩm; nguồn nhân lực phụ trách công tác VSATTP thiếu và đa số đều phải kiêm nhiệm. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm còn thiếu quyết liệt nên chưa đủ sức răn đe.

Theo ông Nguyễn Văn Tài, muốn quản lý tốt về VSATTP, thì không chỉ riêng ở TP. Bà Rịa, mà các địa phương đều phải xử lý nghiêm khi phát hiện vi phạm. Chế tài xử phạt chính là cán cân có sức mạnh để ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực VSATTP. Đi đôi với việc áp dụng chế tài, là tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát và đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh.


Số lượt đọc: 741 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác