Nuôi lợn thương phẩm lãi 350 triệu đồng/năm
13/10/2015
Phát triển chăn nuôi lợn thương phẩm là một hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cao, được người nông dân huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình và làm giàu chính đáng. Mô hình chăn nuôi gần 1.000 con lợn thương phẩm mỗi năm của gia đình chị Phạm Thị Ánh Tuyết ở khu 9 xã Phương Viên là một điển hình như thế.  

Năm 2004,  chị Tuyết bắt đầu chăn nuôi lợn với 15 – 20 con, thấy hiệu quả kinh tế cao, năm 2012 chị đã mạnh dạn xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi trên diện tích hơn 2.000 m2 với 35 ô nuôi, duy trì trong chuồng lúc nào cũng có từ 300 – 350 con lợn thịt. Cứ xuất bán đến đâu anh chị lại tiếp tục mua lợn giống về nuôi đến đó. Để có trang trại như ngày nay, chị đã mạnh dạn học tập các kiến thức chăn nuôi từ trên sách, báo, trên kênh VTV2, trên mạng internet của các trung tâm khuyến nông  và kinh nghiệm chăn nuôi của bản thân để phát hiện và tự điều trị bệnh cho lợn. Đồng thời anh chị còn hướng dẫn bà con chăn nuôi chữa bệnh cho lợn hiệu quả. Chị  Tuyết vui vẻ chia sẻ: “Tính bình quân 1 năm gia đình tôi xuất 50 - 60 tấn, với giá bán 40.000 đồng / một kg thu về hơn 2 tỷ đồng, trừ đi mọi chi phí còn lại khoảng gần 350 triệu đồng/ năm”.
 
 Trong chăn nuôi, chị sử dụng thức ăn hỗn hợp cao cấp VietRoyal của Công ty cổ phần sản xuất dịch vụ thương mại Hoàng Gia Việt. Mỗi năm nhập về 900 tấn cám. Riêng trang trại của gia đình anh tiêu thụ hết 150 tấn cám một năm trị giá hết hơn 1tỷ đồng. Số cám còn lại chị bán bằng giá gốc giúp đỡ được gần 60 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở địa phương và các xã lân cận như Cáo Điền, Gia Điền, Hương Xạ và xã Phúc Lai huyện Đoan Hùng. Cùng với chăn nuôi lợn, trang trại của gia đình chị Tuyết còn nuôi hàng trăm con gà, trồng chè, trồng keo lai, làm máy xát lúa, xát ngô phục vụ bà con nhân dân địa phương và các vùng lân cận. Cùng chung tôi thăm mô hình phát triển chăn nuôi lớn nhất xã, ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND xã Phương Viên hồ hởi nói: “ Gia đình chị Tuyết chăn nuôi lợn, kinh doanh cám, chăn nuôi gà và làm kinh tế đồi rừng kết hợp. Mô hình của anh chị đã làm lâu rồi nên có kinh nghiệm. Trong chăn nuôi anh chị tự biết cách phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Anh chị xác định chăn nuôi liên tục chứ không phải như một số hộ khi chăn nuôi giá cả xuống, làm ăn không được là bỏ luôn nên bị lỗ. Gia đình anh chị cũng có nhiều lần hòa và lỗ nhưng anh chị cứ chăn nuôi liên tục nên rút được kinh nghiệm rằng nếu cứ làm đều và tốc độ như nhau thì không bị thua lỗ”.
 
Sau hơn 10 năm phát triển kinh tế trang trại,  nhờ sự mạnh dạn, kiên trì, dám nghĩ dám làm, mô hình của gia đình anh chị ngày càng được mở rộng và phát triển cho hiệu quả kinh tế cao. Gia đình anh chị đã xây dựng hầm biogas ngay từ những ngày đầu làm kinh tế, hiện nay cung cấp gas cho 8 hộ gia đình xung quanh để đun nấu phục vụ cuộc sống. Chị Tuyết là một điển hình hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi  của huyện từ năm 2007 đến nay.
 
Năm 2015, chị  được đi dự hội nghị điển hình tiên tiến của huyện Hạ Hòa. Trong những năm tới, gia đình chị tiếp tục tìm tòi học hỏi và truyền đạt kinh nghiệm chăn nuôi cho bà con nhân dân để cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no và giúp đỡ bà con làm giàu.


Số lượt đọc: 638 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác