Nuôi trùn quế
16/11/2016
Khi tiến hành nuôi trùn có những vấn đề cần quan tâm sau:




1. Thức ăn nuôi trùn:

Tuy nhìn bề ngoài thì rất nhỏ và mỏng manh, nhưng thực ra trùn quế là "nguồn máy" tiêu thụ thức ăn. Mỗi ngày trùn tiêu thụ một lượng thức ăn tương đương với trọng lượng cơ thể chúng, nên chúng ta phải chắc rằng đủ lượng thức ăn cần thiết để nuôi trùn. Thức ăn trùn gồm: Phân bò, trâu, dê, heo, gà, vịt, rơm, rạ ... trong đó phân bò tươi và phân trâu tươi là món khoái khẩu nhất của trùn, còn lại phân gà, phân heo, phân vịt cần phải ủ cho hoai trước khi cho trùn ăn.

2. Định hướng chăn nuôi:

Nếu chúng ta nghĩ nuôi trùn dùng để cải tạo khẩu phần ăn cho đàn gia súc, gia cầm thì quá dễ. Chỉ cần mua vài kg trùn giống ở các trại chăn nuôi sau đó bỏ vào chậu hoặc có thể bỏ vào bao cám để nuôi...Nhưng nếu nuôi theo mô hình quy mô, thì chúng ta cần đến các cơ sở chăn nuôi hoặc xem kỹ phần Kỹ thuật nuôi trùn quế phía dưới.

3. Giống: Nên liên hệ các trại chăn nuôi để có được nguồn giống khoẻ, sinh khối là giống tốt nhất để nhân luống

Kỹ Thuật nuôi trùn quế:

I. Chuồng trại: Tùy theo khả năng và quy mô kinh doanh mà chúng ta làm chuồng trại. Nếu chúng ta nuôi vào mục đích lấy trùn nhằm tăng thành phần dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của gia súc, gia cầm, thủy hải sản thì việc làm chuồng cũng hết sức đơn giản như nuôi trong chum, chậu, những bể nước không còn sử dụng, và nếu quy mô lớn hơn ta có thể làm chuồng bằng tấm bạt nilon.

Đây là mô hình xây chuồng theo quy mô lớn nhằm kinh doanh. Tùy theo diện tích đất ta có thể xây chuồng dài rộng tùy ý. Thông thường chuồng xây ngang 1m50, cao 0,50m, dài 2m trở lên. Chuồng được che phủ bởi lá dừa là tốt nhất vì tạo được bóng mát và giữ được độ ẩm cao. Tuy nhiên chuồng trại phải bảo đảm sự thông thoáng, không khí phải ra vào lưu thông.

II. Nuôi & Chăm sóc:

1. Chất nền: Là yếu tố quan trọng cho trùn trong thời gian đầu sinh sống, là nơi trú ẩn khi trùn tiếp xúc với môi trường mới và phải đạt các yếu tố sau: tơi xốp, sạch, giàu dinh dưỡng...

2. Nhiệt độ: Nhiệt độ thích hợp nhất cho trùn phát triển là từ 20o - 28oC. đối với bà co một số khu vực ở khu vực phía Bắc cần chú ý: vào mùa đông nhiệt độ xuống thấp, lúc này chúng ta cần che chắn kỹ, thắp đèn điện vào ban đêm sao cho luôn giữ nhiệt độ ở mức thích hợp, tránh trường hợp trùn bị ngủ đông.

3. Độ ẩm: Nước là thành phần quan trọng nhất của cơ thể trùn, chúng chiếm khoảng 65 - 80% trọng lượng cơ thể trùn nên chúng ta phải thường xuyên tưới nước cho trùn (ít nhất 2 lần/ ngày). Để nhận biết độ ẩm thích hợp bằng cách: Lấy tay nắm phần sinh khối trong chuồng sau đó thả ra, nếu thấy phần sinh khối còn giữ nguyên và tay ta chỉ ướt là đủ, nhưng nếu thấy nước chảy ra hoặc phần sinh khối bị vỡ và rơi xuống như vậy là quá ướt hoặc quá khô.

4. Ánh sáng: Trùn rất sợ ánh nắng nên ta cần phải che chắn chuồng thật kỹ vào ban ngày để tránh tia tử ngoại lọt vào chuồng. Tuy nhiên cần phải giữ cho chuồng thoáng mát.

5. Không khí: Khí Co2, H2S, SO3, NH4 là kẻ thù của trùn nên ta phải chắc chắn rằng thức ăn của trùn phải sạch và không có các thành phần hóa học gây bất lợi cho trùn, chuồng trại.

6. Cho ăn: Thường thì sau khi bỏ giống được 2 ngày thì chúng ta nên cho trùn ăn, lượng thức ăn mỗi lần khoảng 8cm trên mặt luống. Sau đó chúng ta sẽ tiếp tục cho trùn ăn khi thấy trên bề mặt luống đã xốp và không còn thức ăn cũ. Chú ý rằng không nên cho trùn ăn khi lượng thức ăn cũ còn quá nhiều, vì lượng thức ăn  bị tồn đọng phía dưới luống  làm cho trùn chỉ lo tập trung ăn và sống phía dưới luống mà không sống trên bề mặt. Điều này làm cho trùn giảm khả năng sinh sản.

7. Nhân luống: Thời gian đầu luống chưa có kén và trùn chưa thích nghi được môi trường mới, nên sau 2 tháng đầu thì số giống chúng ta đã được nhân đôi (thay vì 1 tháng). Lúc này chúng ta có thể tách trùn để nhân luống hoặc cho gia súc, gia cầm ăn. Trước khi nhân luống 03 ngày, ta cho trùn ăn. Lúc này trùn tập trung trên bề mặt luống, ta lấy phần trên của luống khoảng 20cm bỏ vào luống mới và tiếp tục cho luống cũ ăn cho đến khi đầy luống.

8. Thu hoạch: Có nhiều phương pháp thu hoạch nhưng nhử mồi là phương pháp hữu hiệu nhất. Sau khi cho trùn ăn được 3 ngày, lấy khoảng 20cm bề mặt trên luống. Trải tấm nilon ngoài sân trống có ánh nắng càng tốt. Đổ phần hỗn hợp này lên tấm nilon, sau đó gạt bỏ phần phân trùn bên trên lần lượt vì khi trùn ra ngoài sợ ánh nắng nên trốn xuống phía dưới cho đến khi chỉ còn trùn. Chú ý rằng lớp phân trùn bên trên này không được bỏ làm phân mà cho trở lại luống để tiếp tục nuôi như là chất nền, và trùn sẽ được nhân luống rất mau vì trong phân này chứa rất nhiều kén  trùn. Lấy phần phân còn lại ta có được phân trùn.

Trong trường hợp luống đã đầy phân mà chúng ta không có chuồng mới (chuồng trống) để nhân giống hoặc vì trời mưa nhiều quá chúng ta không thể tách được trùn và phơi phân chúng ta có thể làm như sau: Xúc toàn bộ sinh khối trong chuồng đổ cao lên qua một bên chuồng, sau đó dùng phên tre (là loại bồ được đan bằng tre) để chắn giữ lại, dùng cọc tre để giữ phên. Bỏ thức ăn mới vào phần bên chuồng trống, trùn sẽ nghe được mùi thức ăn mới và sẽ chui qua phần bên này để sống. Khi có điều kiện thích hợp ta sẽ bắt trùn hoặc trời nắng sẽ phơi phân trùn dễ dàng hơn.

9. Cách sử dụng:

Trùn Quế: Ta có thể sấy khô, nghiền nát làm thức ăn cho cá cảnh chế biến thực phẩm cho gia súc, gia cầm hay dùng cho ăn sống. Ngoài ra Trùn Quế còn được các nhà khoa học xem như là nhà máy xử lý chất thải.

Phân Trùn: Sau khi thu hoạch ra khỏi chuồng ta đem phơi khô cho vào bao hoặc đem ra sử dụng ngay cũng được. Bà con nuôi tôm, cá có thể dùng phân trùn làm xử lý nước cho ao tôm, cá rất hữu hiệu.

Tuy nhiên trên thực tế việc nuôi trùn tùy thuộc vào môi trường rất nhiều: thời tiết, độ ẩm và khu vực nuôi mà chúng ta làm trại cho thích hợp. Chúng tôi sẳn sàng hướng dẫn kỹ thuật để việc nuôi trùn của bà con đạt được hiệu quả cao nhất.


Số lượt đọc: 1534 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác