Cá
Chép là một đối tượng nuôi nước ngọt phổ biến và truyền thống của Việt Nam do
chúng có đặc điểm chất lượng thịt thơm ngon, ngoại hình đẹp và có sức chống
chịu bệnh tật tốt hơn các đối tượng nuôi khác. Song trong tình hình nuôi hiện
nay cá Chép cũng thường mắc một số bệnh do vi khuẩn, virus gây nhiều thiệt hại
cho người nuôi. Về bệnh do vi khuẩn trên cá chép phải kể đến bệnh nhiễm khuẩn
do vi khuẩn Aeromonas
spp. còn bệnh do virus hiện nay đã xuất hiện bệnh KHV (Koi Herpesvirus) đó là 2 bệnh
nguy hiểm nhất hiện nay đối với cá Chép nuôi.
1. Cá Chép bị nhiễm khuẩn Aeromonas spp.
Vi khuẩn Aeromonas spp. thường gây bệnh cho động vật thủy sản trong nước ngọt, đặc biệt là gây viêm, xuất huyết và hoại tử trên cá Chép. Vi khuẩn gây bệnh gồm 3 chủng A. hydrophila, A. sobria và A. caviae có dạng trực khuẩn ngắn, hai đầu tròn, bắt màu gram âm, có khả năng di động và chúng thường có mặt trong môi trường nuôi cá (trong nước, trong bùn), song ở những thủy vực nhiều mùn bã hữu cơ, nguồn nước bị ô nhiễm thì số lượng và độc lực của vi khuẩn tăng lên. Vi khuẩn gây bệnh thuộc dạng tác nhân gây bệnh cơ hội, chúng chỉ gây bệnh cá Chép khi có các yếu tố khác gây stress cho cá như đánh bắt sây sát, thả cá với mật độ dầy, môi trường nuôi bị ô nhiễm.
Biểu hiện của cá Chép khi bị nhiễm khuẩn: trên cơ thể xuất hiện một đám lớn màu đỏ, cá thường bị hoại tử vây, đuôi. Các vết loét thường nông, bề mặt trở nên có màu nâu khi nó bị hoại tử hoặc thối rữa. Cá bị tuột vảy, tổn thương phần miệng, mắt bị mờ hoặc lồi, bụng trướng to, xung huyết và tắc nghẽn các nội quan, xuất huyết ở gốc vây, xương nắp mang, xung quanh hậu môn. Bệnh thường gặp vào cuối xuân, đầu hè.
Phòng và xử lý bệnh: Bệnh xảy ra do tác nhân cơ hội do vậy công tác phòng bệnh cần tập trung vào việc phòng bệnh tổng hợp cho cá nuôi: vệ sinh, khử trùng ao đầm trước khi thả cá, đối với cá giống phải đảm bảo khoẻ mạnh, tránh làm sây sát cá. Khi đánh bắt, vận chuyển cá giống cần làm vào thời điểm mát trong ngày, cần luyện cho cá trước khi đánh bắt, vận chuyển, cần cung cấp đủ nước sạch và ô xy trong quá trình vận chuyển, tránh tích đọng mùn bã hữu cơ trong các ao nuôi thông qua việc sử dụng thức ăn phù hợp tránh dư thừa thức ăn, tránh các nguồn chất thải đổ vào ao nuôi và thường xuyên sử dụng chế phẩm sinh học làm sạch môi trường nuôi.
Vì là bệnh nhiễm khuẩn nên khi bệnh xảy ra cần khử trùng nước ao nuôi sau tiến hành trộn kháng sinh cho cá ăn trong vòng 5 ngày liên tục. Cần lưu ý sử dụng một trong các kháng sinh diệt khuẩn gram âm đủ liều, kháng sinh cần bao bọc cẩn thận vào thức ăn tránh tan mất kháng sinh trước khi cá sử dụng, không sử dụng kháng sinh bị cấm (Theo quy định Bộ NN&PTNT), liều lượng kháng sinh từ 50-70 mg/kg cá/ngày. Sau khi dừng sử dụng kháng sinh 3-5 ngày cần bổ sung chế phẩm sinh học nhằm gây lại vi sinh có lợi để cân bằng môi trường nuôi.
2. Virus gây bệnh nguy hiểm cho cá Chép
Đối với cá Chép nuôi ở Việt Nam trong những năm qua đã xuất hiện bệnh KHV, bệnh gây ra do một loại virus có tên là Herpesvirus.
Herpesvirus được phân loại thuộc dạng virus có nhân là chuỗi xoẵn kép ADN thuộc họ virus Herpesviridae. Virus chỉ gây bệnh cho cá Chép, cá Chép cảnh mà không gây bệnh trên cá Trắm cỏ.
Cá Chép bị bệnh thường ở nhiệt độ nước từ 18-29oC với biểu hiện mang nhợt nhạt, cá thường biểu hiện nổi đầu trên bề mặt do thiếu khí. Khi bệnh xảy ra tỷ lệ chết cao 80-100%, trong vòng 24-48 giờ do virus tấn công chủ yếu mang nên các bệnh tích trên mang thể hiện rõ các đốm hoại tử và chết nhanh. Ngoài ra virus gây viêm thận và làm tăng tiết dịch nhầy (mucous) trên bề mặt cơ thể nên sờ vào cá bệnh cảm giác thấy nhiều nhớt. Do gây viêm, hoại tử và tăng tiết dịch nhầy nên rất dễ bội nhiễm nấm, vi khuẩn và ký sinh trùng. Bệnh thường xảy ra ở cá Chép giống hơn cá trưởng thành.
Phòng bệnh thông qua quản lý tốt môi trường nuôi, lưu ý khi nhập giống mới cần nuôi cách ly tối thiểu 2 tuần mới cho nhập đàn.
Đối với bệnh này khi xảy ra bệnh chưa có thuốc xử lý mà chủ yếu là quản lý môi trường tốt tránh gây stress làm tăng tỷ lệ chết và bổ sung Vitamin C vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng tự nhiên. Riêng đối với cá Chép cảnh có thể áp dụng biện pháp nâng hoặc hạ nhiệt độ nước cũng có thể làm giảm tỷ lệ chết, nhưng không diệt được virus trong cá bệnh. Khử trùng nước thải bằng Chlorin 200 mg/L hoặc dùng BKC nhằm tránh lây lan sang các thủy vực khác.
- Kinh nghiệm chống nắng nóng và phòng bệnh cho gia cầm vào mùa hè (11/12/2018)
- Kỹ thuật nuôi cá rô phi thương phẩm (11/12/2018)
- Kỹ thuật chăm sóc dê cái trước và sau khi sinh (11/12/2018)
- Kỹ thuật chăn nuôi bò hiệu quả cao (11/12/2018)
- Phương pháp thả cá giống đạt tỷ lệ sống cao (03/12/2018)
- Phương pháp nuôi lợn bằng thức ăn lên men lỏng (03/12/2018)
- Hà Nội: Hiệu quả từ mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi (20/11/2018)
- Quảng Trị: “Khởi nghiệp” từ mô hình nuôi ếch (20/11/2018)
- TẬP HUẤN KỸ THUẬT CHĂN NUÔI GÀ LẤY TRỨNG (16/11/2018)
- Một số lưu ý nuôi ghép cua đồng và cá chạch đồng (05/12/2016)