Đặc điểm sinh học của cá lóc
28/11/2016

1. Là loài cá dữ, phàm ăn, tính ăn rộng: Cá nhỏ ăn : giáp xác, chân chèo, ấu trùng bọ gậy, ấu trùng côn trùng, tôm con, nòng nọc, các loại cá nhỏ khác. Cá trưởng thành ăn tạp: cá, ếch, nhái, tôm...

Chúng ăn mạnh vào mùa hè, khi nhiệt độ giảm xuống dưới 12 o C cá ngừng kiếm ăn. Cá béo vào trước mùa đẻ, cá ở vùng nước lợ béo hơn ở vùng nước ngọt.

2. Sinh sản: Cá 1 - 2 tuổi bắt đầu đẻ trứng, có thể đẻ 5 lần/năm. Sau khi đẻ, cá mẹ bảo vệ cá con khoảng một tháng rồi tiếp tục đẻ lần khác. Mùa đẻ ở miền Bắc vào tháng 5 - 8, tập trung vào tháng 4 - 5.

Cá đẻ ở nơi yên tĩnh, có nhiều cây cỏ thực vật thủy sinh, đẻ vào sáng sớm, sau mỗi trận mưa rào 1 - 2 ngày. Trước lúc đẻ, cá làm tổ hình tròn, đường kính tổ khoảng 40 - 50 cm. Ở nhiệt độ 20 - 35oC sau ba ngày nở thành con. Trong môi trường tự nhiên, sau 3 ngày cá con tiêu hết noãn hoàng, lớn dài 4 - 5 cm bắt đầu tách khỏi đàn sống độc lập.

3. Sinh trưởng: Cá lớn nhanh vào mùa xuân hè. Cá lóc 1 tuổi dài 19 - 39 cm, nặng 100 - 750 g. Cá hai tuổi thân dài 38 - 45 cm, nặng 600 - 1400 g. Cá ba tuổi dài 45 - 59 cm, nặng 1.200 - 2.000 g. Cá có thể sống trên 10 năm dài 67 - 85 cm, nặng 7000 - 8000 g.

Cá thích ở nơi có rong đuôi chó, cỏ dừa, tóc tiên, vì nơi này chúng dễ ẩn mình để rình mồi. Mùa hè thường sống ở trên tầng mặt, mùa đông khi nhiệt độ dưới 8 o C cá thường xuống sâu hơn, ở nhiệt độ 6 o C cá ít hoạt động.

4. Phân biệt cá đực, cá cái:

- Cá đực: thân dài, thon, đầu to, bụng nhỏ rắn chắc, lỗ sinh dục và lỗ hậu môn riêng biệt.

- Cá cái: thân ngắn, đầu nhỏ, bụng to, mềm sệ xuống, lỗ sinh dục to, lồi gần sát lỗ hậu môn.


Số lượt đọc: 1622 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác