Đặc điểm thành thục sinh dục của cá sặc rằn
29/11/2016

Cá sặc rằn thành thục lần đầu sau 7 tháng tuổi. Khi thành thục, có thể phân biệt dễ dàng cá đực, cá cái bằng các biểu hiện bên ngoài của dấu hiệu sinh dục phụ. Khi thành thục, ở cá đực phần tia mềm vây lưng kéo dài tới hoặc vượt khỏi gốc vi đuôi, còn cá cái vi này rất ngắn và không bao giờ chạm tới gốc vi đuôi. Ngoài chỉ tiêu căn bản này, cũng có thể phân biệt cá đực với các sọc ngang đậm nét chạy từ lưng xuống bụng rõ hơn cá cái và miệng của nó cũng lớn hơn. 

Sự phát triển tuyến sinh dục của cá sặc rằn ở vùng ĐBSCL theo mùa rất rõ. Vào mùa khô (tháng 1 – 2), phần lớn cá ở giai đoạn II, sang tháng 3 giai đoạn III tăng dần và đã thấy xuất hiện những cá thể ở thời kỳ đầu của giai đoạn IV.

Vào khoảng thời điểm giao mùa (khô sang mưa) là sự chuyển biến rất nhanh của tuyến sinh dục. Thời kỳ này, đa số cá có tuyến sinh dục ở giai đoạn IV, chỉ một ít cá ở giai đoạn III. Khi mùa mưa tới, nhất là sau những trận mưa rào đầu mùa, cá tìm tới những nơi nước cạn ven bờ, nhiều cây cỏ thủy sinh để sinh sản. Cá sinh sản trong suốt mùa mưa, nên trong đàn luôn xuất hiện những cá thể có mức độ thành thục khác nhau.

Khi sinh sản cá sặc rằn bắt cặp và tìm đến vùng nước ven bờ, nơi có nhiều cây cỏ thủy sinh để đẻ. Hoạt động sinh sản bắt đầu với việc làm tổ bằng bọt của cá đực, sau đó cá cái đẻ trứng ra ngoài, trứng được thụ tinh và cũng chính cá đực dùng miệng gom trứng lại rồi đặt vào tổ bọt.

Kể từ khi trứng thụ tinh, trong điều kiện nhiệt độ nước 27 – 29oC cá nở sau 20 – 23 giờ. Trong suốt thời gian này kể từ khi trứng đẻ tới nở và dinh dưỡng bằng noãn hoàng, cá đực thường xuyên bơi lội quanh tổ để bảo vệ và dùng vây quạt nước cung cấp oxy cho trứng.

CHUẨN BỊ ĐÀN CÁ SINH SẢN

Đàn cá dùng cho sinh sản có thể được nuôi trong các ao, đìa từ trước hoặc cũng có thể sử dụng cá đã thành thục (có trứng tốt) ở tự nhiên (trong ruộng, rừng tràm). Tuy vậy, cá được nuôi thì chủ động và hiệu quả hơn cá thu từ tự nhiên.

1. Nuôi cá chuẩn bị cho sinh sản

a. Ao dùng nuôi cá

- Diện tích ao: tùy thuộc vào qui mô sản xuất, thông thường diện tích khoảng 100 m2 là thích hợp cho qui mô gia đình, ao có hình vuông hoặc chữ nhật.

- Độ sâu: thích hợp là 0,5 – 0,8 m.

- Đáy ao: có lớp bùn mỏng, khoảng 10 cm. Không nên có lớp bùn quá dày.

- Chất nước: nước ao không bị phèn, độ pH thích hợp khoảng 7, không nhiễm độc (thuốc sâu), nước sạch, có điều kiện thay nước cho ao.

- Ánh sáng: ao cần đầy đủ ánh sáng, không để cây cối quanh bờ che phủ ánh sáng chiếu vào ao. Mặt ao thoáng, không để cây cỏ, rong bèo phủ trên mặt ao.

- Trước khi thả cá nuôi, ao cần được tát cạn, bón vôi để diệt hết các loại cá tạp. Bón 10 kg vôi bột/100 m 2 .

b. Thời gian nuôi: Tiến hành thu gom cá và nuôi từ tháng 1 (tính theo dương lịch) không nên nuôi trễ hơn.

c. Mật độ thả nuôi: Tùy theo kích thước cá thả nuôi. Thông thường chọn những con có trọng lượng từ 12 – 15 con/kg là thích hợp. Thả vào ao mật độ 0,5 kg/m 2 . Khi tiến hành thả cá cần lưu ý tỷ lệ giữa cá đực và cá cái là 1:1.

d. Cho ăn

Cá sặc rằn là loài cá ăn tạp, nên thức ăn sử dụng để nuôi cá có thể gồm nhiều loại tùy theo khả năng tìm kiếm và cung cấp của gia đình.

Thức ăn tự chế: các loại thức ăn dùng để nuôi cá là : tấm cám, bột bắp, khoai lang, khoai mì, bánh dừa, bột cá… Tùy theo điều kiện từng gia đình mà sử dụng cho phù hợp. Nhưng trong các thành phần trên thì cố gắng có bột cá và cám. Những thứ khác thì tùy điều kiện mà cho thêm. Các loại thức ăn được trộn chung lại với ít nước để nắm từng nắm nhỏ cho ăn trong một cái sàn ăn. Cho ăn khoảng 3% trọng lượng cá nuôi, tức là cứ 100 kg cá thì cho ăn 3 kg thức ăn trong một ngày.

Thức ăn công nghiệp: ngoài thức ăn tự chế biến như trên, nếu có điều kiện mua được thức ăn chế biến sẵn của các công ty Con Cò, CP… thì càng tốt. Những loại thức ăn này được chế biến dưới dạng viên nổi trên mặt nước, khi cho ăn ít bị hao. Khi sử dụng thức ăn công nghiệp thì hiệu quả nuôi cao hơn thức ăn chế biến ở gia đình. Thức ăn công nghiệp cũng cho ăn 2 – 3% trọng lượng cá.

e. Quản lý chăm sóc

- Công việc chủ yếu là tránh thất thoát cá do tràn bờ, do rắn ăn cá, do mất trộm, do cá tự ra khỏi ao…

- Thực hiện thay nước cho ao để tránh bị dơ bẩn.

f. Kiểm tra cá

- Sau khi thả cá nuôi được 2 tháng thì kiểm tra lần đầu tiên. Mục đích của lần này là xem cá mập ốm, chế độ nuôi (nhất là cho ăn) đã thích hợp chưa. Nếu thấy cá mập thì giảm lượng thức ăn, nếu thấy cá ốm thì tăng lượng thức ăn.

- Tháng 3 : Kiểm tra 1 lần

- Tháng 4: kiểm tra 2 lần

Mục đích của những lần kiểm tra tháng 3, tháng 4 là xem xét sự thành thục của cá để lập kế hoạch cho cá đẻ.

Thông thường vào tháng 4 đã có thể cho một số cá sinh sản được và cá sẽ đẻ nhiều vào tháng 5, 6 (đầu mùa mưa).

2. Thu gom cá tự nhiên cho sinh sản

a. Thời gian thu gom cá: Tùy thuộc vào nguồn cá tự nhiên. Có thể tiến hành vào tháng 4, 5, 6.

b. Điều kiện cá được thu gom

- Phải khỏe mạnh, có khả năng sinh sản (thành thục)

CHO CÁ SINH SẢN

1. Lựa chọn cá cho sinh sản

- Cá cái: lựa chọn những con khỏe mạnh, bụng lớn, mềm, hậu môn hơi hồng.

- Cá đực: những con khỏe mạnh, vuốt nhẹ vào bụng gần hậu môn thấy có sẹ màu trắng (giống mủ đu đủ). Lưu ý là sẹ ra rất ít phải quan sát kỹ.

- Tỷ lệ đực cái là : 1:1

2. Dụng cụ cho đẻ: Có thể dùng thau, khạp, lu, bể xi măng, bể đắp đất lót bạt…

3. Chích thuốc cho cá đẻ

  • Thời gian chích: thường là chiều mát (khoảng 4 – 5 giờ chiều)
  • Loại thuốc: có thể dùng HCG, hoặc LRH + Motilium
  • Liều lượng thuốc dùng: 1 lọ HCG chích được cho 3,5 kg cá cái + 3,5 kg cá đực; 1 lọ LRH + 2 viên Motilium chích được cho 2 kg cá cái + 2 kg cá đực.

Sau khi chích thuốc thả cá vào dụng cụ cho đẻ, tỷ lệ 1 : 1. Cần đậy để cá khỏi nhảy ra ngoài.

Dùng lá môn hoặc lá sen úp lên mặt nước để cá làm tổ đẻ. Để ở nơi yên tĩnh, sau khi chích từ 8 – 10 giờ thì cá đẻ. 


Số lượt đọc: 2987 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác