Ở
Vĩnh Long, nghề nuôi Thủy sản đang bắt đầu phát triển mạnh ở các địa phương với
các đối tượng có giá trị kinh tế cao như: cá tra, cá điêu hồng, cá chim trắng,
cá tai tượng, tôm càng xanh…. đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế rất đáng kể,
góp phần thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp của
tỉnh nhà. Song, với xu hướng thâm canh hóa trong nghề nuôi thì bệnh cá xảy ra
trong quá trình nuôi - nhất là vào giai đoạn chuyển mùa- là điều khó tránh khỏi
và nó cũng đã gây ra nhiều tổn thất cho người nuôi. Tuy nhiên, nếu người nuôi
tuân thủ theo một số yêu cầu kỹ thuật sau đây sẽ góp phần hạn chế tối đa thiệt
hại có thể xảy ra do cá bệnh.
I. Những nguyên nhân có thể dẫn đến bệnh cá:
I.1 Chất lượng nước bị thay đổi:
- Nhiệt độ nước thay đổi đột ngột vào tháng 12-2 (có thể xuống thấp đến 16-22oC) hoặc nhiệt độ tăng cao vào tháng 3-5 (lên đến 30-35oC) đều làm cho cá bỏ ăn, suy yếu tạo điều kiện cho sinh vật gây bệnh cá phát triển, làm cho cá dễ bệnh.
- Nguồn nước nuôi bị nhiễm bẩn bởi chất thải từ các nhà máy, dầu xả các ghe tàu, thuốc trừ sâu, và nước phèn đổ ra từ ruộng vào các tháng mùa khô cũng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cá nuôi.
- Khi nước đứng hoặc chảy yếu, cá nuôi trong điều kiện mật độ cao có thể thiếu oxy để thở, cá sẽ bơi lội hỗn loạn, nhảy nhào trong lồng và có thể chết. Lúc này cần phải kịp thời dùng máy bơm quạt nước để tăng cường trao đổi nước, cải thiện hàm lượng oxy trong môi trường nuôi.
- Khi nước chảy quá mạnh, cá phải bơi lội liên tục, tiêu tốn nhiều năng lượng, giảm sức, chậm lớn, từ đó tạo điều kiện cho mầm bệnh dễ dàng xâm nhập vào cá nuôi. Trường hợp này phải điều chỉnh khoảng cách giữa các thanh gỗ hay tre ở hai đầu bè cho thích hợp.
I.2 Chất lượng thức ăn kém:
Chất lượng thức ăn có vai trò rất quan trọng đối với nuôi cá thâm canh, đặc biệt là nuôi cá bè. Thức ăn chất lượng tốt sẽ phòng tránh các bệnh dinh dưỡng và cần cho việc phòng các bệnh liên quan tới nhiễm trùng và stress khác.
Nếu cá bị đói sau một thời gian dài hoặc thức ăn kém chất lượng sẽ dẫn đến cá bị suy yếu, chậm lớn và có thể tạo điều kiện cho tác nhân gây bệnh tấn công.
I.3 Thiếu cẩn thận khi chăm sóc cá:
- Các dụng cụ cho ăn không được vệ sinh thường xuyên là nơi ẩn chứa mầm bệnh.
Các dụng cụ vận chuyển, bắt cá như lưới vợt, thùng… có thể làm xây xát cá trong quá trình thao tác và vì thế mầm bệnh có điều kiện xâm nhập vào cá nuôi.Do đó phải dùng các dụng cụ nhẵn, lưới không gút để hạn chế trường hợp này.
I.4 Nguồn giống thả kém chất lượng:
Cá có thể đã bị mắc bệnh từ nguồn giống thả nuôi chưa được kiểm tra chất lượng, chưa được chọn lựa kỹ còn mang mầm bệnh hoặc giống chưa được xử lý diệt trùng, khi cá thả xuống nuôi một thời gian gặp thời tiết thay đổi sẽ thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. Cá yếu là cơ hội cho bệnh cá phát sinh và gây hại cho cá trong ao nuôi.
II. Phòng và trị một số bệnh cá thường gặp:
II. 1 Phòng bệnh:
Việc duy trì sức khỏe tốt cho cá rất quan trọng để việc nuôi cá có lợi nhuận. Tăng trưởng chậm, tiêu tốn thức ăn nhiều, năng suất thấp, tỉ lệ nhiễm bệnh và chết tăng, hậu quả dẫn đến lợi nhuận thấp do kết quả sức khỏe của cá kém.
Trong giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột dễ làm cho cá bị stress, tác nhân gây bênh có điều kiện phát triển và xâm nhập vào vật nuôi. Nên điều cơ bản để giữ sức khỏe và phòng bệnh cho đàn cá là việc tránh stress bằng cách duy trì chất lượng môi trường qua việc chăm sóc đúng.
II.1.1 Cải tạo môi trường:
a. Chuẩn bị ao, bè nuôi:
Sau khi thu hoạch, các ao, hầm, bè muốn sử dụng lại nhất thiết phải được cải tạo để tạo môi trường sống tốt cho thủy sản nuôi nhằm phòng bệnh và nâng cao năng suất cá nuôi.
- Tát cạn nước, sên vét bùn ra khỏi ao (không để lại bùn thối trong ao), phơi ao 5-7 ngày;
- Tu sửa lại bờ ao, cống bọng, làm vệ sinh mương cấp, thoát nước;
b. Tẩy độc cho ao, bè nuôi:
- Dùng vôi (CaO) để tẩy độc và trung hòa pH: sử dụng 10-15kg/100m2 rãi đều đáy ao, bờ ao; trường hợp ao có phèn (pH nhỏ hơn 5) thì dùng 15-20kg/100m2; đối với những ao không thể rút cạn nước, dùng vôi từ 0,5- 1kg/m3 để rãi trực tiếp xuống ao. Nên rãi vôi vào ngày nắng, chú ý những nơi có bùn đọng.
- Dùng rễ cây thuốc cá: 4g/m3 hay saponin để diệt tạp.
- Chà rửa sạch, phơi khô lồng bè, sau đó quét hoặc phun Clorua vôi Ca(OCl)2 với lượng 200-250g/m3 bè.
II.1.2 Tăng cường chăm sóc quản lý:
a. Tẩy trùng cho cá:
Khi nhận giống về nuôi, trước khi thả nên:
- Tắm cá: bằng cách dùng muối ăn 2-4g/l trong 15-20 phút hoặc dùng formalin 25-30 g/m3 để diệt trùng và nấm gây bệnh cho cá;
- Phun thuốc xuống ao: dùng Clorin 1g/m3 hoặc CuSO4 0,2-0,5g/m3 nước ao;
Trong quá trình nuôi, định kỳ bón vôi xuống ao từ 1,5-2kg/100m3 và treo túi thuốc trong lồng bè: có thể dùng Clorin 10-20g/m3 bè.
b. Tẩy trùng nơi cho ăn:
Vôi 2-4kg/túi treo quanh chỗ cho ăn, 5-7 ngày thay túi;
Clorin 200- 250g/m3 để tẩy trùng dụng cụ trong 12-24 giờ.
c. Chọn giống thả:
Không nên thả với mật độ quá dày, giống thả mới hoặc bổ sung nên yêu cầu được cung cấp giống đã được chứng nhận kiểm dịch và phải đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng:
Kích cỡ đồng đều, ngoại hình cân đối, không dị hình;
Khỏe mạnh, không bị nhiễm bệnh;
Không xây xát, nhiều nhớt, bơi lội nhanh nhẹn.
Lưu ý, trong quá trình nuôi nên:
* Định kỳ 2 lần/ tuần bổ sung Vitamin C cho cá ăn với liều trộn 40g/100kg thức ăn.
* Dùng thuốc tiêu Nabica 2 lần/ tuần với liều trộn 30 viên/100kg thức ăn.
* Có thể dùng Thyromin cho ăn 2lần/ tuần (theo hướng dẫn ghi trên bao bì)
Ngoài ra còn phải thường xuyên theo dõi hoạt động của cá để kịp thời phát hiện những vấn đề không bình thường; cho cá ăn thức ăn phải đảm bảo chất lượng và đủ số lượng; định kỳ bón phân; thường xuyên vệ sinh chung quanh khu vực nuôi, thức ăn dư thừa và diệt trừ địch hại.
II.2. Chẩn đoán và biện pháp xử lý một số bệnh thường gặp:
1. Bệnh đốm đỏ:
a. Nguyên nhân: do môi trường thay đổi, cá bị xây xát do vận chuyển, đánh bắt, vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh.
b. Triệu chứng: Có thể xuất hiện riêng lẻ hay đồng thời.
Bụng trương lên và có dịch màu xanh nhạt hay vàng nhạt trong khoang bụng;
Da đỏ, xuất hiện nhiều vùng lở loét;
Thận sưng lên;
Gan màu vàng nhạt hay nâu nhạt;
Tuột vẩy, mắt bị nổ;
Nhiều vết lở loét, nhiễm trùng bên trong thân.
c. Chẩn đoán: do vi khuẩn gây nên.
d. Xử lý: dùng thuốc kháng sinh như Erythromycine, Oxytetracyline, Oxolinic acid… trộn vào thức ăn cho cá ăn với liều 50mg/kg cá /ngày (khoảng 1,5- 1,7g thuốc/kg thức ăn, tùy vào cỡ cá) cho cá ăn liên tiếp trong 5 ngày; hoặc dùng Tetraxycline 20-25g/m3 nước tắm cho cá trong 1 giờ; hoặc dùng nước muối có nồng độ 4% tắm cho cá trong 10 phút có sục khí.
2. Hội chứng lở loét:
a. Tác nhân gây bệnh:
Do một loạt các yếu tố vô sinh và hữu sinh, nhưng nguyên nhân cơ bản chắc chắn là do tác nhân truyền nhiễm sinh học như: vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng… Trong đó, nguyên nhân gây bệnh đầu tiên do virus đã được coi là một khả năng, còn vi khuẩn lại là nguyên nhân cuối cùng gây chết những cá bị nhiễm bệnh nặng. Ngoài ra, nấm đã được coi là có vai trò quan trọng trong hội chứng dịch bệnh lở loét,có thể chúng cùng với ký sinh trùng làm cho cá bị thương, tạo điều kiện cho các tác nhân chính gây bệnh cho cá.
b. Triệu chứng:
- Hiện tượng: Cá bỏ ăn, bơi nhô đầu khỏi mặt nước, nổi lờ đờ và chết, khi chết thường chìm xuống đáy.
- Dấu hiệu bên ngoài: Xuất hiện các vết loét nhỏ màu xám hoặc đỏ. Mang, xung quanh mắt và da xuất huyết, toàn thân có màu tối (xám đen). Thương tổn lan rộng thành những vết loét lớn, rụng vẩy, viêm, phù nề. Khi cá bệnh nặng sẽ thấy máu chảy ra ở vùng hậu môn.
- Dấu hiệu bên trong: trong xoang bụng xuất huyết và chứa nhiều dịch nhờn, có dấu hiệu tích nước, bóng hơi xuất huyết và teo dần một ngăn, ngoài ra tim, gan thận đều có hiện tượng xuất huyết.
c. Phòng và Trị bệnh: hiện nay vẫn chưa tìm được phương pháp chữa trị hữu hiệu đối với những bệnh do virus gây ra và do chưa rõ nguyên nhân chính gây nên dịch bệnh nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Do đó phương pháp phòng bệnh đóng vai trò quyết định đến kết quả nuôi, trong đó tẩy dọn ao theo đúng quy trình kỹ thuật để diệt trùng, kiềm hóa môi trường, kiềm hãm sự phát triển của mầm bệnh; cho cá ăn đủ chất dinh dưỡng và duy trì chất lượng nguồn nước nuôi tốt là những biện pháp rất quan trọng phải được quan tâm hàng đầu.
Ngoài ra, có thể dùng một số hóa chất để xử lý môi trường và xử lý cá bệnh để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh như:
+ Dùng vôi (150 – 600kg/ha) bón cho ao 2 tuần/ lần để khử trùng và tăng độ kiềm cho nước ao, hoặc dùng muối với liều lượng 1% để làm giảm độ độc của NH3, NO2; cũng có thể dùng Clorua vôi (5-19 kg/ha) để khử trùng nước ao; thuốc tím (3-5kg/ha) có tác dụng ngăn chặn nhiễm bệnh tái phát.
+ Tắm cho cá trong nước muối 3-4% thời gian 5-10 phút để diệt ký sinh trùng, ngăn chặn vi khuẩn và nấm; hoặc dùng Malachite green 1 ppm (thuốc này đã bị cấm sử dụng theo QĐ 20/2003/QĐ-BTS) để tắm cho cá trong 30-60 phút để diệt ký sinh trùng và nấm.
3. Bệnh trùng bánh xe:
a. Nguyên nhân: do trùng bánh xe Trichodina ký sinh ở da và mang cá, bệnh thường phát triển vào những ngày trời không nắng, âm u hoặc mưa kéo dài.
b. Triệu chứng: màu sắc cá nhợt nhạt, thân cá có nhiều nhớt màu trắng đục; đuôi, vây bị xơ mòn, bơi lội không định hướng, thân cọ vào cây cỏ như bị ngứa.
c. Trị bệnh: có nhiều loại hóa chất có thể dùng để chữa trị bệnh này, ở đây xin giới thiệu hai phương pháp chữa trị an toàn mà hiệu quả lại khá tốt, đó là:
- Tắm cá: dùng muối ăn (NaCl) với nồng độ 2-3% tắm cho cá 5-10 phút hoặc dùng CuSO4 (phèn xanh) với nồng độ 3-5 ppm (3-5g/m3 nước) tắm cho cá 5-10 phút
- Phun thuốc trực tiếp xuống ao: dùng CuSO4 với nồng độ 0,5-0,7ppm (0,5-0,7g/m3 nước).
Người nuôi có thể áp dụng 1 trong 2 cách trên sau khoảng 2-3 ngày cá sẽ hết bệnh..
4. Bệnh sán lá đơn chủ:
a. Tác nhân gây bệnh: do sán lá đơn chủ 16 móc Dactylogyrus hoặc 18 móc (Gyrodactylogyrus) ký sinh vào da và mang cá.
b. Triệu chứng: Cá bệnh thường hô hấp kém do
mang và da tiết ra nhiều dịch nhờn; tổ chức da và mang bị sán ký sinh sẽ viêm loét, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm và một số vi sinh vật khác gây bệnh.
c. Trị bệnh: tắm cá trong nước muối 3% trong 3-5 phút hoặc dùng Dipterex phun xuống ao với nồng độ 0.2-0.3ppm (loại Dipterex tinh thể 90%). Nếu dùng loại Dipterex thương mại (2.5%) thì dùng 5-10g/m3 đều có tác dụng trị bệnh tốt.
Chú ý: khi tắm thuốc cho cá cần phải sục khí trong
khi tắm, nếu thấy cá có hiện tượng khác thường như: đớp khí ở mặt nước, cá quậy hỗn loạn hay nhảy lên khỏi dụng cụ chứa thì phải vớt cá ra ngay.
Lưu ý: Trong quá trình trị bệnh cho cá.
- Chỉ nên sử dụng kháng sinh khi thật cần thiết bởi vì kháng sinh không có tác dụng điều trị khi tôm cá bị bệnh do nấm, động vật nguyên sinh hay nhiễm virus mà chỉ có hiệu quả đối với vi khuẩn gây bệnh.
Tuyệt đối không dùng các loại kháng sinh bị cấm sử dụng theo Quyết định số 01/2002/QĐ-BTS ngày 22/01/2002 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản./.
- Khẩu phần ăn cho dê (08/09/2016)
- Kỹ thuật chăn nuôi dê (08/09/2016)