Chăm sóc, khai thác măng tre điền trúc
01/12/2016
Lâu nay, người dân trồng tre lấy măng chưa chú trọng lắm đến các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc, khai thác, điều tiết cây mẹ... nhằm sử dụng búi tre khai thác măng lâu dài, mà chỉ trồng và tận dụng khai thác một cách tự do. Cho nên, tre sau khi trồng cho măng 1 đến 2 vụ thì bắt đầu có hiện tượng năng suất giảm, búi tre có hiện tượng bị nâng gốc và kéo dài thêm 1 đến 2 vụ nữa thì bắt buộc phải phá bỏ cả búi tre đó vì khả năng tận dụng không còn.

Muốn măng tre điền trúc đạt năng suất cao và lâu dài thì khâu chăm sóc quyết định rất lớn. Đến năm thứ 3 tre bắt đầu cho năng suất măng ổn định và khâu chăm sóc bón phân không tốt sẽ làm năng suất bị giảm vào các năm tiếp theo.

- Kỹ thuật điều tiết cây mẹ là một biện pháp kỹ thuật quan trọng: Trong điều tiết cây mẹ cần lưu ý mỗi cây mẹ chỉ nuôi được 1 - 2 cây trưởng thành. Vì vậy, không nên để lại quá 2 cây trưởng thành trên một gốc cây mẹ và cây mẹ có đường kính gốc to thì thế hệ măng năm sau sẽ có gốc măng to, nếu quá 2 cây sẽ tạo cho các thế hệ cây mẹ đời sau không đảm bảo khả năng sinh măng.

Trong kinh doanh tre lấy măng, ta cần nắm kinh nghiệm của Trung Quốc như sau: Trong một búi tre không được để lại 3 thế hệ, như kinh nghiệm sản xuất “Cha đi liền con, ông không nhìn thấy mặt cháu” có nghĩa là một búi tre kinh doanh măng chỉ tồn tại 2 thế hệ “cha” và “con”, sau mỗi năm các thế hệ bố mẹ đã cho thế hệ măng thì phải tiến hành chặt và đào gốc cây mẹ đó sau khi nó đã cho 1 - 2 cây trưởng thành để làm thế hệ thay thế kinh doanh măng năm sau.

Bởi vì, một cây mẹ sau một thời gian cho các thế hệ măng thì đã già cỗi và các mắt ngủ ở gốc đã không còn để có khả năng cho măng ở các năm kế tiếp, nếu còn chăng thì chỉ là các vòi măng, tức là các măng có kích thước nhỏ bé không đảm bảo tiêu chuẩn măng khai thác trong kinh doanh. Mỗi búi tre chỉ để lại 5 -7 cây mẹ cho thế hệ sau. Lưu ý chọn cây mẹ phải là các cây có thân ngầm sâu trong đất (tránh hiện tượng nâng cao gốc).

- Kỹ thuật bón phân: Liều lượng phân bón 20 - 30 kg phân chuồng hoai + 2 kg phân NPK cho mỗi búi tre kinh doanh măng và được chia ra các lần bón:

+ Lần thứ nhất: Vào cuối vụ măng (giữa cuối tháng 11), tiến hành công việc điều tiết cây mẹ kết hợp bón phân cho tre. Thời điểm này chủ yếu bón phân chuồng với liều lượng ở trên. Phương pháp bón là: bới đất ở gốc tre ra, trộn phân đều với đất sau đó lấp vào lại. Khi bón lưu ý không nên vun gốc quá cao mà chỉ vun vào cao hơn mặt đất 10 - 20 cm, nếu vun cao tre sẽ bị nâng búi vào vụ sau, ảnh hưởng đến kinh doanh măng lâu dài.

+ Lần thứ 2: Được tiến hành vào thời điểm trước vụ măng khoảng tháng 2 - tháng 3, bón phân với liều lượng 1 kg phân NPK cho 1 búi, phương pháp bón là đào rãnh xung quanh gốc tre bón phân lấp lại.

+ Lần thứ 3: Được tiến hành ở giữa vụ măng nhằm bồi bổ, tiếp sức cho tre sản xuất măng, phương pháp bón bằng tưới thấm hoặc moi các lỗ bón phân, liều lượng bón là 1 kg phân NPK còn lại.

Tuy nhiên, nếu tre sản xuất măng nhiều thì có thể bón thêm 1 - 2 lần vào giữa các đợt kinh doanh măng.

- Khai thác măng đúng kỹ thuật cũng là một biện pháp nhằm kinh doanh măng tre được lâu dài. Tre điền trúc là loài tre có thân mọc cụm, tức là ở gốc cây mẹ (thân ngầm) nhú các mầm măng và các mầm măng này vươn ra so với gốc cây mẹ 1 góc ≥ 900, sau đó phát triển vươn thẳng lên thành cây mới.

Vì vậy, các cây tre trong búi tre đứng gần nhau. Trong khai thác sử dụng măng người dân cần phải nắm nguyên tắc sau: Khi ta khai thác một cái măng thì sẽ tác động đến các mắt ngủ ở sát vết cắt, tại vị trí đó tiếp tục nhú các măng. Cho nên, khi khai thác măng cần phải đào sâu xuống đất, dùng dao cắt tại vị trí phình ra của eo măng theo chiều thẳng đứng từ trên xuống cách gốc cây mẹ khoảng 10 cm.

Khi ta khai thác theo đúng kỹ thuật này sẽ luôn duy trì gốc tre nằm sâu trong lòng đất. Nếu ta khai thác theo cách cắt ngang gốc măng trên mặt đất thì vô tình ta đã làm cho các thế hệ tiếp theo có gốc trồi lên trên mặt đất và dần dần đã tạo cho cả búi tre trồi lên mặt đất và dẫn đến búi tre đó không thể tiếp tục duy trì cho măng các năm tiếp theo.

Khi khai thác măng cần lưu ý các măng có thân ngầm trồi cao lên mặt đất thì phải khai thác ngay tại vị trí sát thân ngầm cây mẹ để tránh các thế hệ măng sau bị mọc trối.

Trên là một số biện pháp kỹ thuật và cũng là kinh nghiệm trong sản xuất cần phải tuân thủ khi trồng tre điền trúc lấy măng. Bà con nông dân cần lưu ý áp dụng nhằm kinh doanh tre lấy măng được lâu dài và mang đến hiệu quả kinh tế như mong đợi.


Số lượt đọc: 2607 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác