Mô hình trồng nấm bào ngư Nhật cho thu nhập ổn định
01/12/2016
Đầu năm 2006 anh Mai Thanh Nhân ở ấp 2 xã Tam Phước huyện Châu Thành trồng thử 1.000 bịch nấm bào ngư Nhật đã thu lời gần 4 triệu đồng. Hiện anh đang trồng 10.000 bịch phôi nấm bào ngư Nhật và nhận thấy một số điểm đáng chú ý là dễ trồng, phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu tại địa phương, trồng trong nhà nên chủ động được độ ẩm, nhiệt độ môi trường, đặc biệt là không vất vả như trồng nấm rơm.

Nấm bào ngư có thể trồng trên chất nền là rơm rạ và hiệu suất thu hồi nấm bào ngư cao hơn nấm rơm. Nghĩa là với 1kg rơm khô tạo ra tối đa 0,15 kg nấm rơm nhưng lại cho thu hoạch từ 0,5 – 1kg nấm bào ngư tuyết. Về nguyên liệu trồng thì anh Nhân trồng trên nguyên liệu là mạt cưa, rơm và cũng đang thử nghiệm trên nguyên liệu là lác vụn (lác vụn là phụ phế phẩm của lác dệt chiếu). Nói về thu nhập thì anh Nhân cho biết lúc trồng thử 1.000 bịch phôi thì chi phí làm trại, mua giống, công lao động tổng cộng là 2,5 triệu. Sau 5 tháng thu được hơn 6 triệu đồng. Thời điểm hiện nay anh đang trồng 10.000 bịch trong diện tích trại 120m2 với tổng chi phí là 25 triệu đồng. Anh Nhân ước tính sẽ thu được 3,5 tấn nấm bào ngư, với giá bán 10.000đ/kg thì anh sẽ thu được 35 triệu đồng, trừ chi phí anh còn lãi 10 triệu.

Dịp Tết Nguyên Đán vừa qua, anh Nhân đã cung ứng được 1,5 tấn nấm sau khi trồng 1 tháng rưỡi. Xin mô tả về hai loại nấm bào ngư mà anh Nhân đang trồng: nấm bào ngư còn có tên gọi khác là nấm sò, nấm dai. Nấm bào ngư Nhật khi nhỏ có màu đen xám giống như nấm rơm, nhưng lúc lớn có màu trắng đục và mũ hơi lệch nghiêng không thẳng góc như nấm rơm. Nấm bào ngư Nhật khi nấu chín không mềm nhũng mà giòn, ngọt và hương giống như hương bắp rau, chế biến món ăn giống như nấm rơm. Nấm bào ngư tuyết dạng hình giống như nấm dai mà ta thường thấy mọc trong vườn. Nấm bào ngư tuyết có thể chế biến món ăn từ bình dân đến cao cấp vì dạng hình đặc biệt của nó.

Đánh giá về nhu cầu và thị trường thì anh Nhân cho biết mặt hàng này đang bắt đầu phát triển nên cầu lớn mà cung còn thấp, anh Nhân cho biết đã gắn kết gần 20 trại nấm trong tỉnh để cung ứng cho siêu thị Co-op Mart và thị trường tự do và nhu cầu tiêu thụ mỗi ngày khoảng 2 tấn nấm. (tổng lượng nấm sản xuất ra trong tỉnh hiện nay chưa tới 500kg/ ngày).

Một câu hỏi được đặt ra - Muốn trồng nấm thì mua giống ở đâu, bán cho ai, ai mua và giá cả như thế nào?

Trả lời vấn đề này anh Nhân cho biết những hộ dân muốn trồng nấm thì Anh sẽ là người cung ứng phôi, chịu trách nhiệm về chất lượng của bịch phôi, hướng dẫn cách làm trại, chăm sóc và thu hái nấm; thu mua toàn bộ sản phẩm với giá bảo hiểm là 8.000đ/kg.

Xin nhấn mạnh thêm về vấn đề này: những người liên kết với anh Nhân sẽ được đảm bảo chắc chắn một điều là sản xuất không bị lỗ. Lý do là khi hợp tác anh Nhân sẽ chịu các khâu:

-Kỹ thuật: người trồng nấm sẽ được hướng dẫn qui trình trồng, chăm sóc và thu hoạch nấm một cách chi tiết và anh Nhân sẽ trực tiếp giám sát.

-Chất lượng bịch phôi (bịch giá thể đã cấy meo nấm): người trồng sẽ an tâm về các bịch phôi, nếu bịch phôi chất lượng kém không đạt yêu cầu sẽ được loại ngay từ đầu và được bù lỗ.

-Giá: người trồng nấm sẽ được bao tiêu toàn bộ sản phẩm làm ra và bảo hiểm giá là 8.000đ/kg (nếu thị trường  dưới giá 8.000đ/kg thì người mua vẫn được trả giá 8.000đ/kg, nếu giá thị trường tăng thì giá thu mua sẽ tăng).

Tóm lại với điều kiện sản xuất hiện nay thì nguồn rơm vụ Hè Thu (thời điểm này mưa nhiều không phơi rơm dự trữ được nhiều), lác vụn, mụn dừa sẽ là nguyên liệu để trồng nấm kết quả an toàn bền vững, vệ sinh, hiệu quả theo hướng có lợi cho người dân và môi trường. Tin chắc rằng ngành chức năng sẽ quan tâm và hỗ trợ để phát triển nghề trồng nấm bào ngư giúp người dân được nâng cao đời sống và thu nhập.


Số lượt đọc: 2821 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác