Những Kinh Nghiệm Mới Trong Kỹ Thuật Trồng Nấm Rơm Bằng Cách Không Đậy
01/12/2016
Qua những năm gần đây, người dân ở huyện Lai Vung tỉnh Đồng Tháp đã trồng nấm rơm không cần che đậy đã thành công, vẫn cho năng suất khá tốt, ít công chăm sóc, tăng số mét mô vì không cần đậy rơm nên lượng rơm đó làm số mét tăng lên.

Việc xuất khẩu nấm rơm muối hàng năm của Vĩnh Long đã đạt mức doanh thu khá cao góp phần cho kinh tế tỉnh nhà ngày một phát triển. Nhưng để đảm bảo sản lượng như vậy nên công ty xuất khẩu phải mua nấm tươi từ các tỉnh lân cận mới đủ số lượng nên nhập thêm 90%, còn tại tỉnh nhà chỉ đáp ứng 10% mà thôi. Trong khi đó Vĩnh Long có diện tích canh tác lúa khá rộng hơn 75.000 ha, lại sản xuất 2-3 vụ lúa/năm thì số lượng rơm rạ thải ra một lượng lớn, nhưng lại bỏ phí chỉ đốt đồng hoặc thải bỏ xuống kinh mương làm ô nhiễm môi trường nước và không khí, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Sau vụ giáp hạt thì sức lao động ở nông thôn dư ra rất nhàn rổi làm xảy ra nhiều tệ nạn xã hội khác.

Để giải quyết các vấn đề nêu trên, đồng thời còn làm tăng thu nhập thêm cho nông hộ về kinh tế nói riêng còn góp phần cung cấp thêm nguồn phân hữu cơ cho vườn cây ăn trái phát triển tốt, cũng tăng thêm nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu. Vì vậy đầu năm 2002 Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành dự án phát triển trồng nấm rơm xuất khẩu, để giải quyết công lao động nhàn rổi ở nông thôn, tăng thu nhập kinh tế gia đình, đáp ứng phần nào cho xuất khẩu.

Trong vụ hè thu 2002 bước đầu đã triển khai kỹ thuật trồng nấm rơm bằng cách không đậy đã thành công ở nhiều địa phương trong tỉnh như xã Trà Côn (Trà Ôn), xã Bình Ninh (Tam Bình), xã Long An (Long Hồ), xã Trung Hiệp, xã Trung Ngãi (Vũng Liêm). Ở ấp 2, xã Trung Ngãi cho năng xuất khá được UBND tỉnh đánh giá khá cao có thể nhân rộng mô hình này trong toàn tỉnh trong vụ thu đông sắp tới.

Những ưu điểm của kỹ thuật trồng nấm rơm không đậy:

- Thực hiện đơn giản, tốn ít công lao động trong khâu chăm sóc và chất mô nấm.

- Làm với qui mô lớn vì tận dụng tất cả được các diện tích dưới tán cây ăn trái, vì vậy có thể trồng với diện tích đại trà phục vụ cho xuất khẩu.

- Sau thu hoạch phụ phẩm đó là lượng phân hữu cơ phục vụ cho cây trồng rất tốt.

- Không cần đậy rơm từ đó làm tăng thêm chiều dài mô lên.

- Nấm rơm phát triển ít bị dợp hơn là trồng nấm rơm có đậy.

Kỹ thuật trồng

1. Chọn địa điểm:

Trồng nấm không đậy chỉ cần ánh sáng rất ít meo nấm vẫn phát triển tốt, nên chọn nơi đất thoáng mát, thoát nước tốt khi mưa lớn, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp sẽ làm ảnh hưởng đến tơ nấm. Không nên chọn đất chất mô nấm trước đó trước sáu tháng tránh mầm bệnh lây lan, 100 công rơm chỉ cần 1.500 m2 đất là đủ.

2. Ủ rơm - chọn rơm:

Không nên chọn loại rơm quá mục nát, ruộng lúa bị cháy rầy... còn lại tất cả đều dùng được.

Ủ rơm: đây là khâu quan trọng để nấm cho năng suất cao, mục đích làm rơm chín, phân hủy một số độc có trong rơm khi ta canh tác có sử dụng 1 số nông dược.

Kích thước mô ủ: chiều ngang 2 m,chiều cao 1,5 m, chiều dài tùy thuộc vào lượng rơm ủ. Ta tiến hành chất thành từng lớp cao 2-3 tất tưới nước dậm dẻ, sau đó chất tiếp tục đến khi có chiều cao 1,5 m là được. Sau đó khoảng 7 ngày sau tiến hành đảo rơm ủ cho rơm chín đều có thể rải vôi bột trong lúc ủ rơm xử lý đất và cho rơm mau chín.

Chú ý: Khi chất rơm ủ, nên dậm xung quanh đống rơm, còn ở giữa đống rơm nên dậm sơ và tưới nước mà thôi chủ yếu làm tăng nhiệt độ giữa đống rơm ủ.

3. Chọn meo giống:

Hiện nay trên thị trường có nhiều loại meo nấm được bán do nhiều cơ sở sản xuất khác nhau. Khi chọn meo cần chú ý các đặc điểm sau:

- Quan sát thấy tơ mọc thẳng, nhánh tơ phân phối đều khắp bịt có màu trắng, có hình lông chim.

- Mật độ đóng tơ dày.

- Ngửi có mùi nấm rơm.

Không nên chọn bịt meo có đặc điểm sau:

- Bịt meo nhiễm mốc xanh, đen, mốc vàng cam...

- Đáy bịt meo ướt nhảo.

- Ngửi có mùi chua.

Một bịt meo có thể chất từ 3-4 mét mô. Nếu thấy 2 bịt meo tốt như nhau, ta bóp thấy bịt meo nào cứng thì có thể rải dài hơn, còn bịt mềm nên rải khoảng 2 mét mô mà thôi.

Chú ý: Nên bẻ meo nhẹ nhàng, không nên vò mạnh làm tơ bị dập ảnh hưởng đến sự phát triển của meo.

4. Chất mô nấm:

Sau khi rơm ủ đã chín, thì tiến hành chất mô. Loại bỏ lớp rơm ngoài xung quanh đống rơm. Rơm ủ lấy ra cuộn tròn, tém gọn 2 đầu như cái gối, đường kính cuộn rơm 2-3 tất, chất thành giồng nối tiếp nhau sau đó ém rơm xung quanh gọn gàng tưới nước và rải meo, rồi đậy lại 1 lớp rơm mỏng 0,5 phân phủ lớp meo lại, nên rải meo ở giữa giồng. Nếu trong mùa mưa ta nên dựng đứng lọn rơm để nước thoát dễ cân đối nước trong giồng nấm.

Chú ý: Khi tiến hành chất mô nên xem hướng gió, ta sẽ chất mô dọc theo chiều gió để khi gặp mưa dầm gió làm cân đối được lượng nước trong giồng mô.

5. Chăm sóc:

a) Tưới nước ngày 1 lần có thể tưới bằng máy bơm, moter, hoặc bằng thùng có gắn búp sen.

- Nếu tưới thừa nước giồng sẽ bốc hơi tự điều chỉnh.

- Nếu tưới ít nước nấm sẽ mọc sâu trong giồng.

b) Sử dụng thuốc dưỡng nấm:

- Sử dụng HVP (dùng cho nấm), liều dùng: 3 lít/1.000 mét mô tưới vào 3 giai đoạn:

+ Tưới trước khi rải meo.

+ 5 ngày sau khi rải meo.

+ chuẩn bị có nấm: 9-10 ngày.

- Phun thuốc kích thích: HQ 201, Atonik lên nấm lúc nấm trứng cá để nấm lớn nhanh (liều dùng như hướng dẫn ở bao bì).

- Có thể sử dụng thuốc trừ mạc, nên sử dụng thuốc mau phân hủy để tránh độc hại, nên dùng thuốc Sumithion để phun trước khi rải meo.

6. Thu hoạch:

- Thu hoạch ngày 2 lần lúc sáng và chiều mát.

- Sau khi chất mô từ 10-13 ngày là thu hoạch, thu hoạch nấm không đậy khó hơn có đậy, nấm có màu đen nên thu hoạch dễ để sót.

- Năng suất bình quân từ 1,8-2 kg/m mô, còn tùy thuộc vào kỹ thuật và tùy loại rơm ủ. Nếu rơm ủ chín đều, đúng kỹ thuật thì năng suất sẽ cao hơn./.


Số lượt đọc: 2711 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác