Một số lưu ý nuôi ghép cua đồng và cá chạch đồng
05/12/2016
Phòng Kinh tế và Hạ tầng phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre xây dựng mô hình nuôi cua đồng và cá chạch đồng trong ruộng lúa tại xã Tân Phú Tây với diện tích 0,3ha, trong đó diện tích ao nuôi là 0,1ha, ruộng nuôi 0,2ha. Kết quả bước đầu đã giúp người dân tăng thu nhập, thoát nghèo.

Chuẩn bị ruộng nuôi

Cua đồng và cá chạch đồng có đặc điểm chung là hoạt động về đêm, không thích ánh sáng mạnh nên ban ngày chỉ ở trong hang hoặc rúc dưới bùn, ít ra ngoài, chỉ khi trời tối mới ra ngoài kiếm ăn. Thức ăn chủ yếu của hai loài này là tôm, tép, ốc… Nhiệt độ nước có thể sinh trưởng và phát triển từ 20 - 300C, tốt nhất là từ 25 - 270C, độ pH từ 6,5 - 8. Cá chạch đồng và cua đồng sinh trưởng, phát triển mạnh và sinh sản nhiều từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm. Để cá chạch đồng và cua đồng sinh trưởng và phát triển tốt, không bị hao hụt thì phải chuẩn bị ruộng nuôi thật tốt trước khi thả giống.

Bờ ruộng cần chắc chắn, bằng phẳng, giữ nước tốt, cấp thoát nước thuận lợi và xung quanh ruộng nuôi cần được che chắn bằng nylon hoặc lưới cước chôn sâu xuống khoảng 30 - 40cm và cao lên 40 - 50cm tính từ mặt bờ ruộng, bốn góc lượn hình cung để phòng tránh cua và cá chạch đi ra ngoài khi trời mưa làm ngập bờ. Đào mương bao quanh chạy xung quanh ruộng nuôi với kích thước sâu 0,7 - 1m, rộng 0,8 - 1m. Trồng các loại cỏ như: bèo, rau muống, lục bình… khoảng 1/3 diện tích mặt nước để cua và cá chạch trú ẩn khi trời nóng hoặc lạnh. Mặt ruộng cần hơi dốc để thuận tiện cho việc thoát nước và thu hoạch.

Trước khi thả nuôi 1 - 2 tuần, tiến hành tát cạn nước trong ruộng và bón từ 7 - 10kg vôi/100m2, phơi nắng từ 3 - 5 ngày, sau đó thì cho nước vào ao nhưng không tràn lên ruộng, tiến hành gây màu nước bằng cách bón phân chuồng hoặc phân hóa học để tạo nguồn động vật phù du làm thức ăn cho con giống mới thả.

Con giống và thức ăn

Do nguồn giống cua và chạch đồng chủ yếu phụ thuộc vào giống tự nhiên là chính nên khi thả cần lựa chọn kích cỡ giống để tránh chúng ăn thịt lẫn nhau. Chạch đồng: khỏe mạnh, cỡ đồng đều 150 - 200 con/kg, sáng bóng, không mất nhớt, không bị trầy xước, bơi lội hoạt bát. Cua đồng: khỏe mạnh, cỡ đồng đều 150 - 160 con/kg, không gãy càng, mai sáng bóng, không bị đóng rong. Mùa thả giống thích hợp là từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm. Thả vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Mật độ thả ghép cua đồng và cá chạch đồng từ 10 - 15 con/m2 (trong đó cua 10 con/m2, chạch 5 con/m2). Thức ăn của cua và cá chạch có thể là thức ăn công nghiệp dạng viên, ngoài ra có thể bổ sung thêm nguồn thức ăn cám gạo, bột bắp trộn với cá tạp, ốc bươu vàng băm nhỏ… Mỗi ngày cho ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều tối. Cần lưu ý, sau khi thả giống 2 - 3 ngày thì mới bắt đầu cho ăn.

Quản lý ruộng nuôi

Cua, chạch đều là loài sống chui rúc nên nhu cầu hàm lượng oxy không cần cao. Mực nước trong ruộng nuôi nên duy trì từ 0,1 - 0,2m, tại mương nuôi từ 0,6 - 0,8m. Một tuần đến nửa tháng nên tháo cạn và phơi ruộng cho se mặt khoảng 2 - 3 ngày sau đó mới cấp nước mới vào. Mục đích giúp cua lột vỏ và phòng bệnh cho cá chạch không bị các mầm bệnh tấn công. Định kỳ 10 - 15 ngày dùng vôi với liều lượng 10 - 20kg/1.000m2 hòa với nước ao để xử lý sát trùng nước, ổn định độ pH ao nuôi và ngăn ngừa các loại bệnh ký sinh làm ảnh hưởng đến sức khỏe cua, chạch. Vào đầu mùa mưa hoặc những ngày mưa bão liên tục dùng vôi với liều lượng 10 - 20kg/1.000m2 rải đều khắp bờ ao. Thường xuyên kiểm tra hệ thống ao nuôi như kiểm tra cống thoát nước, lưới rào quanh bờ... đặc biệt là vào những tháng mưa gió và bão lũ kết hợp với việc vệ sinh bờ ao.

Sau 5 - 6 tháng nuôi, khi cá chạch đạt 50 - 55 con/kg, cua đạt 45 - 50 con/kg có thể tiến hành thu hoach. Nếu thu tỉa, đặt rọ có chứa mồi vào vị trí cho ăn vào thời điểm chiều tối hôm trước, sáng hôm sau vớt rọ thu những con đạt, những con nhỏ thả xuống tiếp tục nuôi. Nếu thu toàn bộ cá chạch đồng, trước khi thu hoạch ngừng cho ăn 1 - 2 ngày, rút nước từ từ để cá chạch đồng bơi theo dòng nước, ở chỗ cống thoát nước đặt lưới hoặc rọ để thu hoạch. Khi thu hoạch cần chọn những con to, khỏe hoặc đang mang trứng nuôi tiếp để cho chúng sinh sản lấy giống cho vụ nuôi tiếp theo.


Số lượt đọc: 2258 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác