Kỳ lạ giống 'lúa biển' chịu mặn có thể cứu sống 80 triệu dân Trung Quốc
19/11/2018
Giống "lúa biển" mới được các nhà khoa học nghiên cứu thành công có thể cứu 80 triệu dân Trung Quốc thoát khỏi nạn đói trong trường hợp thiên tai xảy ra.

Theo hãng tin RT (Nga), các nhà khoa học Trung Quốc mới đây đã thu hoạch giống “lúa biển” kháng kiềm được trồng tại tỉnh Sơn Đông. Đây là được cho là một thành công có ý nghĩa rất lớn trong kế hoạch thúc đẩy năng lực sản xuất gạo của nước này nhằm hướng tới việc cung cấp lương thực thêm cho 80 triệu dân.

Các nhà khoa học cho hay, giống “lúa biển” đã được thu hoạch ở Thanh Đảo (một thành phố giáp biển) và đây là giống lúa có khả năng sinh trưởng ở bãi triều hoặc đất mặn.

Nói về ý nghĩa sâu xa của việc sản xuất ra giống lúa nói trên, ông Guodong Zhang, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển lúa biển Thanh Đảo cho biết, trong trường hợp xảy ra thiên tai, Trung Quốc sẽ khó có thể trông chờ vào việc nhập khẩu lương thực từ nước ngoài. Và nếu người dân nước này lâm vào cảnh thiếu đói do thiên tai, thế giới có thể sẽ mất ổn định.

“Lúa gạo và lúa mì là thức ăn chính của người Trung Quốc và hiện có tới 60% người dân phụ thuộc vào gạo. Vì vậy, việc tạo ra giống lúa mới có khả năng biến các vùng đất xấu thành các ruộng đất màu mỡ sẽ giúp Trung Quốc tự nuôi sống toàn bộ dân số, qua đó đem lại hòa bình và ổn định”, ông Guodong Zhang khẳng định.

Giống lúa biển được cho là cứu cánh cho 80 triệu dân Trung Quốc . Ảnh:Global Look Press 

Cũng theo ông Guodong Zhang, với thành công trong việc cho ra giống lúa biển (cũng có thể gọi là “lúa nước mặn”), hơn 65.000km vuông đất ngập mặn sẽ được biến đổi thành đất trồng lúa được.

“Việc này sẽ giúp tăng sản lượng gạo lên rất nhiều. Nếu cứ tính 667m vuông được ít nhất 300kg gạo thì toàn bộ số đất ngập mặn sẽ đem lại 30 tỷ kg gạo. Số gạo này có thể nuôi miệng ăn của 80 triệu người nữa tại Trung Quốc”, ông Guodong Zhang nói thêm.

RT dẫn lời các nhà khoa học cho biết, để thử nghiệm trồng “lúa biển”, các nhà nghiên cứu đã lấy nước từ Biển Hoàng Hải pha loãng rồi dẫn vào các ruộng gạo phục vụ nghiên cứu.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Viện Nông nghiệp Sinh học Vân Na Zhongyuan, “lúa biển” chưa thực sự có thể trồng được tại vùng nước biển thuần túy. Hiện tại, công nghệ lai tạo, gây giống lúa mới chỉ có thể cho phép trồng “lúa biển” tại các vùng nước ngọt pha nước mặn bởi hàm lượng mặn mà “lúa biển” chịu được thường chỉ hơn 1%. Sẽ phải mất nhiều năm để các nhà khoa học có thể thực sự tạo ra giống lúa gạo trồng được ở nước biển 100%.


Số lượt đọc: 818 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác