Biển, đảo Việt Nam - Bảo vệ không gian sinh tồn của dân tộc
03/12/2018
- Ngoài vùng biển rộng, nước ta còn có khoảng 2.773 đảo ven bờ và hai quần đảo xa bờ (Hoàng Sa, Trường Sa), nhiều khu vực địa lý quan trọng ở ven biển. Lợi thế “mặt tiền” hướng biển, thuận lợi cho giao thương và hội nhập kinh tế quốc tế nhưng cũng xung yếu về mặt an ninh quốc phòng.

TỪ TIỀM NĂNG…

Biển Việt Nam là một bộ phận của biển Đông (khoảng 29% diện tích biển Đông), rộng gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền, bao gồm các vùng biển trong phạm vi 200 hải lý, thềm lục địa và 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Dáng hình phần đất liền của Việt Nam hẹp chiều ngang và trải dài theo hướng á kinh tuyến (không nơi nào cách biển >500 km). Cho nên, toàn bộ lãnh thổ đất liền của Việt Nam đều chịu ảnh hưởng của các “yếu tố biển”, bao gồm cả yếu tố tự nhiên và phát triển.

Biển là môi trường sống của các loài sinh vật thủy sinh, các loài chim nước, chim di cư, các loài động thực vật trên các đảo, thậm chí là môi trường sống lý tưởng của con người. Các vùng biển của Việt Nam có khoảng 12.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái (HST) điển hình, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau với hơn 2.000 loài cá, 230 loài tôm biển và trên 1.300 loài trên hải đảo. Biển Việt Nam được xem là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển trên thế giới.

Yếu tố biển rất quan trọng trong cơ cấu kinh tế lãnh thổ và kinh tế biển, chiếm vị trí trọng yếu trong chiến lược phát triển kinh tế quốc dân trong thời gian tới. Với khoảng 5,3 triệu tấn cá biển và khả năng khai thác bền vững là 2,3 triệu tấn/năm, kinh tế thủy sản đóng góp lớn cho thị phần xuất khẩu của nước ta.

Trong vùng biển Việt Nam chứa khoảng 35 loại hình khoáng sản với quy mô trữ lượng khai thác khác nhau từ nhỏ đến lớn, thuộc các nhóm: nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và bán quý, khoáng sản lỏng. Tiềm năng dầu khí phân bố trong 6 bồn trầm tích và hoạt động khai thác dầu khí được duy trì tại 11 mỏ ở thềm lục địa phía Nam. Dọc ven biển đã phát hiện được các sa khoáng khoáng vật nặng của các nguyên tố hiếm quý như titan, ziacon và xeri. Sản lượng khai thác inmênit (quặng titan) từ các sa khoáng ven biển cả nước là 220.000 tấn/năm và ziacôn 1.500 tấn/năm. Gần đây còn phát hiện được ở vùng bờ Nam Trung Bộ các sa khoáng nói trên với trữ lượng có thể đứng đầu thế giới. Đây là tiềm năng khai thác các nguyên tố hiếm - nguyên liệu rất quan trọng cho ngành công nghiệp quốc phòng và vũ trụ.Một sốmỏ cát vật liệu xây dựng dưới đáy biển ở Quảng Ninh và Hải Phòng với trữ lượng chừng trên 100 tỷ tấn.Cát thuỷ tinh nổi tiếng là mỏ Vân Hải (trữ lượng 7 tỷ tấn), Vĩnh Thực (20.000 tấn) và một dải cát thạch anh ngầm dưới đáy biển Quảng Ninh (gần 9 tỷ tấn).

Tiềm năng tài nguyên nước biển cũng rất lớn, bản thân nước biển là một hóa chất tổng hợp có thể chắt lọc ra phần lớn các nguyên tố có mặt trong Bảng tuần hoàn Mendeleev và còn được khai thác để sản xuất nước ngọt trong tương lai.Ở nước ta, nước biển thường được sử dụng cho các mục đích khác nhau; trước hết, để sảnxuất muối - một lĩnh vực kinh tế biển khá đặc thù.Hiện nay, làm muối ở Việt Nam không chỉ phục vụ cho nhu cầu sinhhoạt, mà còn cho các ngành công nghiệp và y học.Ngoài ra, nước biển để nuôi trồng thủy sản, để phát triển du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh. Thêm vào đó, các dạng năng lượng biển tiềm năng cần chú ý khai thác là: băng cháy đã phát hiện triển vọng, năng lượng thủy triều ở khu vực ven bờ Quảng Ninh - Hải Phòng, năng lượng sóng và dòng chảy ở miền Trung và năng lượng hạt nhân nước nặng (H2O2) từ nước biển.

Lợi thế về cảng biển luôn được Nhà nước ta đặc biệt quan tâm chú trọng phát triển. Bờ biển dài và khúc khuỷu, cứ 20 km bờ biển có một cửa sông lớn (114 cửa sông) và khoảng52 vịnh nước sâu ven bờ miền Trung (vũng vịnh, đầm phá chiếm 60% chiều dài đường bờ biển), hơn 100 vị trí có thể xây dựng các cảng biển lớn. Giao thông đường biển có lợi thế gần tuyến đường hàng hải quốc tế và khu vực.

Biển là tiền đề và là nền tảng cho việc phát triển lâu dài một số ngành kinh tế biển như: du lịch, thuỷ sản, hàng hải, khai khoáng và y dược,…Không gian du lịch biển tập trung chủ yếu ở vùng ven biển và các đảo ven bờ, nơi tập trung nhiều di sản cấp toàn cầu và quốc gia với văn hóa biển độc đáo

…ĐẾN THÁCH THỨC 

Bên cạnh vai trò to lớn mà biển đem lại, biển nước ta cũng đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết là chất lượng nước biển diễn biến theo chiều hướng xấu, ngày càng nhiều chất thải không qua xử lý từ đất liền đổ vào biển; rác thải biển, đảo trở thành vấn đề nan giải; ô nhiễm nhận chìm có xu hướng tăng mạnh. Ngoài ô nhiễm biển, suy thoái các hệ sinh thái, nước ta còn đối mặt với tác động hiện hữu của biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương, thiên tai và tai biến môi trường (sự cố tràn dầu, xói lở bờ biển, bồi tụ vùng cửa sông,…). Sự cố, thảm họa môi trường biển ngày càng gia tăng và biển bị đầu độc do khai thác theo cách hủy diệt của con người bằng mìn và hóa chất, thừa chất thải hữu cơ, khai thác cát biển, đổ thải bất hợp pháp,... Đặc biệt, gần đây Trung Quốc đã mở rộng, tôn tạo các bãi cạn rạn san hô ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thành đảo nhân tạo,… khiến cho môi trường rạn san hô ở đây bị phá hủy vĩnh viễn, làm tê liệt chức năng sinh thái vốn có của nó, nguồn lợi thủy sản suy thoái đến mức khó có thể phục hồi và nghề cá khu vực có nguy cơ “đổ vỡ”.

Biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương trở thành thách thức toàn cầu, lớn nhất trong thế kỷ XI. Theo Ngân hàng thế giới (WB), nước biển dâng lên 5m thì Việt Nam mất 16% diện tích đất đai, đe dọa 35% dân số và 35% tổng sản phẩm quốc nội; các vùng đất thấp ven biển, các đảo san hô và hàng loạt hệ sinh thái, cơ sở hạ tầng bị phá hủy vì ngập dưới nước biển. Ngoài ra, nước ta còn chịu nhiều rủi ro thiên tai trên biển và các hiện tượng thời tiết cực đoan và hậu quả từ biến đổi khí hậu, như: bão, tố, nước dâng trong bão,...

Đứng trước những thách thức lớn đó, việc phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường: không để biển trở thành “thiên đường” của các dự án gây ô nhiễm. Tất cả hoạt động khai thác, sử dụng biển đều cần không gian biển riêng, gây mâuthuẫn lợi ích và xung đột không gian trong cùng một vùng biển.Vì vậy, phải phân vùng sử dụng không gian biển hợp lý, quản lý tổng hợp biển dựa vào hệ sinh thái, tiến tới thống nhất quản lý nhà nước về biển, đảo.

Một thách thức lớn nữa mà chúng ta không thể không nhắc tới đó chính là thách thức về chủ quyền biển, đảo. Đặc biệt là phải đối mặt với việc Trung Quốc theo đuổi ý đồ “độc chiếm Biển Đông” cùng với yêu sách phi lý về “đường chín đoạn”, triển khai sáng kiến “Nhất đới, nhất lộ” với “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XI” và “Chuỗi ngọc trai” trên biển.

“Con đường tơ lụa” trên biển không chỉ là mối đe dọa về an ninh và chủ quyền lãnh thổ đối với các nước láng giềng, nhất là các nước đang có tranh chấp biển, đảo với Trung Quốc ở Biển Đông mà còn đối với tự do, an ninh, an toàn hàng hải trên biển một khi Trung Quốc thiết lập một “luật chơi” riêng.

BẢO VỆ KHÔNG GIAN SINH TỒN CỦA DÂN TỘC

Biển được xem là không gian sinh tồn của dân tộc ta, đó là không gian phát triển và an ninh. Để bảo vệ, đầu tiên chúng ta cần cải thiện “sức khỏe” của biển thông qua việc phát triển và phục hồi các thảm thực vật dưới biển (thực vật phù du, rong tảo, cỏ biển) và ven biển (rừng ngập mặn) để tăng khả năng thu-giữ CO2, giảm thiểu biến đổi khí hậu. Chú trọng phát triển kinh tế biển xanh, tăng trưởng xanh một cách bền vững.

Rà soát lại chiến lược và kế hoạch phát triển biển, đảo phù hợp với tinh thần của Chương trình Nghị sự 21 về định hướng phát triển bền vững quốc gia, của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, của Mục tiêu phát triển bền vững biển đến 2030 (Mục tiêu 14) với việc tính đến các kịch bản rủi ro thiên tai và nhân tai, tính đến yêu cầu hội nhập quốc tế.

Tăng cường tính liên ngành trong phát triển và quản lý kinh tế biển vì lợi ích chung và lâu dài qua các công cụ chính sách, quy hoạch lồng ghép. Phối hợp thành lập và quản lý các khu bảo tồn ven biển và biển, đảo để bảo toàn chức năng sinh thái của vùng biển và nguồn vốn tự nhiên biển cho phát triển biển bền vững. Tăng cường nâng cao nhận thức về kinh tế biển bền vững, giảm thiểu các hành vi gây hại đối với môi trường và tài nguyên biển, cũng như cách ứng xử, đối phó với thiên tai, kiểm soát tốt nguồn thải, làm sạch bãi biển. Phát triển du lịch sinh thái với quy mô lớn hơn, lợi ích nhiều hơn và bền vững hơn.

Để duy trì “nồi cơm Thạch Sanh” cho các cộng đồng địa phương, cần xúc tiến quản lý biển theo cách tiếp cận tổng hợp nhằm giảm thiểu tác động từ các hoạt động của các ngành kinh tế khác đến chất lượng sản phẩm; và từ chính hoạt động kinh tế đến môi trường và tài nguyên biển. Quản lý thống nhất về mặt nhà nước đối với biển, đảo.

Tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam và củng cố bằng chứng đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong giải quyết các vấn đề tranh chấp biển, cần kiên định, linh hoạt, không để xảy ra xung đột quân sự; đẩy mạnh phát triển kinh tế biển để bảo đảm thực thi chủ quyền dân sự trên các vùng biển của Tổ quốc; gắn kinh tế với quốc phòng và thực hiện dân sự hóa.

Thực hành tư tưởng Hồ Chí Minh: “biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ” và “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; trong đó, yếu tố bất biến là vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng biển và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vạn biến là để bảo vệ chủ quyền cần sử dùng nhiều biện pháp linh hoạt, “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”, góp phần xây dựng một Biển Đông hòa bình và thịnh vượng./.

Theo: PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi

 


Số lượt đọc: 951 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác