Vị linh mục của người nghèo
03/12/2018
Hình ảnh về linh mục Phạm Bá Lãm rong ruổi khắp các con hẻm, ngõ xóm trong Giáo xứ Hòa Hưng được người dân thường thấy, bất kể trời nắng hay mưa. Dù đã ở tuổi thất thập, nhưng ở vị linh mục ấy, tinh thần dấn thân, phục vụ người nghèo vẫn căng tràn như ngày nào ở tuổi thanh xuân. 

“Giờ tôi phải đi có việc, lúc khác gặp nhé”. Vừa gặp chúng tôi trước cửa phòng Hội đồng Mục vụ, linh mục Phạm Bá Lãm, Chánh xứ nhà thờ Hòa Hưng (phường 15, quận 10) - Hạt trưởng Hạt Phú Thọ, đã vội nói như vậy và bước nhanh ra cổng, tất tả dẫn chiếc xe cub 81 cũ kỹ, chở theo phía sau nào mì, gạo, quần áo cũ… “Cha đi thăm người nghèo dưới khu phố đến chiều mới về”, chị Hoa - giáo dân xóm đạo Bắc Hải đứng đợi cùng chúng tôi từ nãy giờ - nói, tần ngần nhìn theo dáng vị linh mục già, tóc bạc phơ khuất dần trong một con hẻm nhỏ trên đường Tô Hiến Thành…  

Mở cửa hàng kinh doanh lấy tiền lời giúp người nghèo 

Hình ảnh về linh mục Phạm Bá Lãm rong ruổi khắp các con hẻm, ngõ xóm trong Giáo xứ Hòa Hưng được người dân thường thấy, bất kể trời nắng hay mưa. Dù đã ở tuổi thất thập, nhưng ở vị linh mục ấy, tinh thần dấn thân, phục vụ người nghèo vẫn căng tràn như ngày nào ở tuổi thanh xuân. Bà con giáo dân không quên cách mà ông từ hàng chục năm nay, bằng nhiều hoạt động, công việc, để có thu nhập hàng tháng lo từng bữa ăn, từng tấm áo, chỗ ở cho người nghèo khó, tàn tật, cơ nhỡ, chăm chút quyển sách mới cho các em sinh viên xa nhà, khó khăn. 

Theo lời giới thiệu của chị Hoa, chúng tôi tìm đến cửa hàng gạo Nhân Ái nằm trong con hẻm nhỏ 102 Tô Hiến Thành. Chị Nguyễn Thị Liệu, phụ trách cửa hàng, nói: “Đấy, anh xem, nói là cửa hàng gạo chứ bán đủ thứ, nào mì, nước mắm, nước tương, bột ngọt, xà bông, dầu gội… Cửa hàng có 5 năm nay rồi, của cha Lãm mở ra đấy. Lúc đầu, cha góp 50 triệu đồng, sau rồi vốn liếng cứ đẻ ra, giờ lên đến hàng trăm triệu đồng. Mỗi tháng chả biết lời được bao nhiêu, chỉ thấy cha cứ 2 tháng gom lại một lần rồi mua gạo, mì, nhu yếu phẩm gói ghém thành 150 phần (260.000 đồng/phần) tặng người nghèo, tàn tật của 2 phường 13 và 15 quận 10. Một năm 6 lần phát như thế. Tiền lời của cửa hàng không đủ để lo, nhưng thấy việc làm của cha Lãm giúp được cho nhiều người nghèo, ai nấy trong giáo xứ cùng chung tay góp tiền, góp gạo, mì… Lúc đầu có vài người, nay đã có hơn 30 người đều đặn hàng tháng, người năm ba trăm ngàn, người 1 triệu đồng, hoặc bao gạo, thùng mì tiếp sức cho cửa hàng lo cho dân nghèo”.

Cửa hàng gạo Nhân Ái

Ngoài cửa hàng gạo Nhân Ái, linh mục Lãm còn mở “vựa ve chai” ngay trong khuôn viên nhà thờ, để hàng ngày ai có bao giấy vụn, thùng carton, thau, chậu nhựa cũ, sắt vụn, phế liệu… mang đến cân ký, tính ra thành tiền góp vào quỹ từ thiện chăm lo cho người nghèo. Mỗi tháng, “vựa ve chai” thu về được từ 4 đến 5 triệu đồng, tích góp cả năm đủ lo được bao nhiêu việc giúp người nghèo khó. “Có năm, cha Lãm dành đủ tiền xây được nhà giúp dân nghèo. Việc làm của cha quý lắm, thiết thực lắm. Với cách làm này, cha còn chỉ dạy giáo dân chúng tôi biết quý đồng tiền, biết dùng đồng tiền vào việc có ích giúp đời. Việc gì thấy có lợi là cha làm và hướng dẫn mọi người cùng làm theo”, chị Liệu vui vẻ nói với chúng tôi.

Mở ký túc xá trong nhà thờ 

Nằm khuất phía sau nhà thờ Hòa Hưng có một khu lưu xá nức tiếng là nơi kỷ luật nghiêm ngặt, nề nếp chỉn chu của những nữ sinh viên xa nhà chăm ngoan. Tuy nhiên, ít ai biết đến người đã âm thầm gầy dựng và phát triển nó như hiện nay không ai khác là linh mục Phạm Bá Lãm. Trước năm 2002, thấy nhiều sinh viên đến thuê những căn phòng chật chội, đắt đỏ để trọ học, đặc biệt là những nữ sinh viên với rủi ro về cuộc sống chung đụng, linh mục Lãm đã khởi xướng cùng giáo xứ mua lại căn nhà cạnh nhà thờ, dốc sức xây dựng thành một lưu xá cho các sinh viên nữ lưu trú. Đối tượng tiếp nhận là những em có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh xa. Lại lo để các em tự quản thì không ổn, cha Lãm mời các nữ tu dòng Saledieng về đồng hành, dìu dắt, hướng dẫn việc học, việc làm và phòng tránh những rủi ro, cám dỗ nơi phố thị đông người. Linh mục Lãm nói: “Lưu xá hiện có hơn 160 sinh viên trọ học, đa phần hoàn cảnh khó khăn. Lưu xá và nhà thờ như mái nhà của các sinh viên, người đi trước giúp đỡ người đi sau, hỗ trợ, động viên nhau lúc gặp khó khăn. Ai khó khăn quá thì được lưu xá hỗ trợ một phần tiền ăn, tiền học phí để yên tâm học hành”.

Rảo qua một vòng lưu xá, chúng tôi thấy cuộc sống, sinh hoạt của các nữ sinh viên tại đây rất quy củ, ngăn nắp, sạch sẽ. Khu vực học tập được trang bị bàn ghế, máy vi tính, đèn chiếu sáng, tủ sách ngăn nắp, tạo thuận tiện cho các em học bài. Khu nhà ăn với những dãy bàn dài, được kê dọn chén đũa, lồng bàn che đậy, tô, bát đựng thức ăn sạch sẽ. Sinh viên Nguyễn Thị Thu vui vẻ nói: “Ở đây, mọi người xem nhau như ruột thịt trong gia đình, thường xuyên bảo ban, giúp đỡ nhau không nề hà việc gì. Hàng ngày cha Lãm thường đi kiểm tra lịch trực khu lưu xá và kịp thời bảo ban, hướng dẫn các thành viên trong lưu xá từ chuyện học hành, sinh hoạt, đến tìm hiểu xem ai có khó khăn gì để động viên, giúp đỡ”.

 

Linh mục Phạm Bá Lãm được Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM tặng bằng khen trong lễ biểu dương các cá nhân thực hiện tốt học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh năm 2017-2018. Linh mục Phạm Bá Lãm còn là cá nhân điển hình khối dân vận, mặt trận TPHCM nhiều năm liền, vì những đóng góp cho hoạt động cộng đồng và chăm lo người nghèo.
           (Nguồn: Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM)

 


Số lượt đọc: 1016 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác