Các nhà khoa học thuộc Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã nghiên cứu và chế tạo thành công hệ thống tách ẩm từ không khí để sản xuất nước uống.
Hệ thống bao gồm dàn lạnh, dàn nóng, thiết bị lọc nước và pin mặt trời để cung cấp năng lượng cho toàn hệ thống.
GS Phan Đình Tuấn, Hiệu trưởng Đại học Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết, các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu thiết bị từ năm 2016, dựa trên nguyên lý trong không khí luôn có độ ẩm. Nếu hạ nhiệt độ xuống đến điểm sương (khoảng 15° - 20°C) thành phần hơi nước trong khối không khí ngưng đọng thành nước lỏng. Tiếp tục hạ nhiệt độ xuống thấp hơn, độ ẩm trong không khí sẽ tạo thành giọt để thu hồi.
Để hạ nhiệt độ, nhóm nghiên cứu đã chế tạo thiết bị làm lạnh bằng cách sử dụng môi chất lạnh chạy tuần hoàn trong hệ thống máy nén giống như trong thiết bị làm lạnh thông thường. Trong quá trình trao đổi nhiệt, các khối không khí đi qua được làm lạnh xuống dưới nhiệt độ điểm sương sẽ thu được nước.
Theo tiêu chuẩn của nước uống, nước tách ra phải được làm sạch bụi, vi khuẩn. Để đảm bảo tiêu chuẩn này, nước thu hồi được chạy qua hệ thống lọc, khoáng hóa tạo vi chất nên có thể uống trực tiếp.
GS Tuấn cho biết, do hệ thống có công suất lớn (5kW) nên điện lưới bình thường ở nhiều nơi không đáp ứng được. Để khắc phục, nhóm nghiên cứu đã thiết kế thêm hệ thống năng lượng mặt trời và dùng bộ biến đổi năng lượng một chiều thành hệ thống điện xoay chiều ba pha dùng cho hệ thống làm lạnh.
Mô hình ban đầu được nhóm thiết kế có thể thu được 10 lít nước một ngày, sau đó nâng công suất lên 200 lít/ngày. Theo tính toán, với độ ẩm 45%, thiết bị sản xuất được 1,5 lít nước trong khoảng thời gian một giờ, tiêu tốn hết 1,8 kW điện.
Hệ thống được lắp đặt chạy thử nghiệm tại Đại học Tài nguyên và Môi trường và Tiểu học Văn Lâm (Thuận Nam, Ninh Thuận). Ở trường Tiểu học Văn Lâm, hệ thống cung cấp nước sạch cho hơn 3.000 học sinh, thầy cô giáo trong trường. Ngoài ra, sản phẩm phụ là hơi từ hệ thống được sử dụng làm lạnh cho các phòng học của trường.
Thiết bị có thể sử dụng cả hai nguồn điện (từ lưới điện quốc gia hoặc nguồn từ pin năng lượng mặt trời) nên có thể giải quyết nhu cầu nước sạch cho những vùng quanh năm thiếu nước, không có điện trên cả nước.
- Cảm biến phát hiện mức độ căng thẳng của cơ thể (06/01/2021)
- Ưu điểm của chiếu sáng LED trong chăn nuôi gia cầm (28/12/2020)
- Phytogenics: Chất thay thế kháng sinh trong chăn nuôi (28/12/2020)
- Đường ruột khỏe mạnh giúp gia cầm đạt hiệu suất tối ưu (28/12/2020)
- Pa-pua Niu Ghi-nê: Người chăn nuôi lợn tận dụng công nghệ blockchain (28/12/2020)
- Người Việt tạo hệ thống hút ẩm từ không khí thành nước uống (21/12/2020)
- Công nghệ cho phép con người thở dưới nước (21/12/2020)
- Sử dụng công cụ kỹ thuật số cho trang trại hữu cơ (14/12/2020)
- Thiết bị lọc mặn làm tăng năng suất cây trồng (27/11/2020)
- Công ty Moderna cho biết dữ liệu ban đầu cho thấy vắc xin coronavirus của họ có hiệu quả 94,5% (21/11/2020)