Đăk Nông: Thu nhập cao và bền vững nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ
18/11/2019
Anh Hồ bên trang trại sản xuất cây ăn trái theo hướng hữu cơ của gia đình
Trong những năm gần đây, người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến chất lượng nông sản và bắt đầu quen dần với các sản phẩm nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, vì vậy đòi hỏi mỗi người nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã phải dần thay đổi để bắt kịp xu hướng canh tác bền vững, an toàn.

Thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đăk Nông) có thế mạnh phát triển các loại cây ăn quả phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Tây Nguyên như: sầu riêng, bơ, ổi, mít, cam, quýt… Đa số mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn thị xã canh tác theo hướng hữu cơ an toàn, điển hình như Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ An Tâm, thuộc tổ dân phố 5, phường Nghĩa Đức. Cơ sở sản xuất này nằm cách trung tâm thị xã 2 km về hướng Đông Bắc, với diện tích canh tác hơn 5 ha, thuộc sở hữu của anh Lê Đình Hồ, sinh năm 1972, quê ở Đồng Tháp.

Anh Hồ lên Tây Nguyên lập nghiệp từ năm 2015. Bước đầu, anh chỉ thuê đất trồng chanh dây, sau đó, nhận thấy điều kiện khí hậu, đất đai nơi đây phù hợp với các loại cây ăn quả, anh đã tìm địa điểm và bắt tay vào thực hiện. Ngay từ đầu anh đã định hướng trang trại của mình sẽ sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ với mục tiêu đảm bảo hệ sinh thái cây trồng. Trước tiên, anh vừa cải tạo đất vừa trồng các cây ngắn ngày như: cây họ đậu, cây ớt sừng, chanh dây… Sau đó, anh thiết kế trồng nhiều loại cây ăn quả, cây này hỗ trợ cây kia để tận dụng được quỹ đất, không gian, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, duy trì và nâng cao độ màu mỡ của đất. Đó là phương pháp sản xuất hữu cơ chú trọng đến cân bằng hệ sinh thái tự nhiên. Bên cạnh đó, anh cũng áp dụng kỹ thuật để xử lý cho các loại cây ăn quả ra hoa, quả quanh năm.

Cây đầu tiên anh trồng là ổi. Các giống ổi được anh tuyển chọn đưa về trồng như: giống ổi lê Đài loan, lê ruột hồng, nữ hoàng, ổi tím, đỏ Đài Loan với số lượng 3.000 cây, thu quanh năm với trung bình 20 kg/cây; tổng sản lượng 60 tấn, giá bán tại vườn 13.000 đồng/kg. Quýt đường anh trồng 1.600 cây, tổng sản lượng đạt 40 tấn/năm, giá bán 30.000 đồng/kg. Anh cũng trồng 600 cây cam xoàn và cam không hạt, mỗi năm thu hoạch khoảng 18 tấn quả, với giá bán 45.000 đồng/kg. Ngoài ra, anh trồng 500 cây mít Thái ven bờ và vành đai ranh giới vườn. Mít Thái đã cho thu hoạch 2 năm nay, với sản lượng 25 tấn/vụ. Bên cạnh đó, anh còn trồng thêm một số cây ăn quả khác như bưởi da xanh, nhãn Mỹ, nhãn Thái, xoài cát Hòa Lộc, mận… Từ mô hình sản xuất cây ăn quả theo hướng hữu cơ, mỗi năm anh thu lãi hơn 1 tỷ đồng và tạo điều kiện cho 5 lao động thường xuyên có việc và thu nhập ổn định. Năm 2018, anh Hồ thành lập hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ An Tâm.

Anh Hồ chia sẻ: Nhờ tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của nông nghiệp hữu cơ là tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều hòa sinh trưởng cây trồng, tận dụng tối đa các phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch làm phân bón, kiểm soát cỏ dại, côn trùng và các loại sâu bệnh khác, không để xảy ra dịch bệnh, nên khi vào vườn cây ăn quả của anh sẽ nhận thấy cỏ xanh dưới gốc cây ăn quả. Bởi vì anh không diệt cỏ mà quản lý và để chúng cùng sống cộng sinh.

Trong một vài năm đầu thực hiện, nông nghiệp hữu cơ chưa cho năng suất và lợi nhuận mong muốn, sản phẩm chưa được chứng nhận chất lượng sản phẩm hữu cơ cấp nhà nước. Từ đó chưa có được sự tin tưởng từ phía người tiêu dùng, dẫn đến người trồng sẽ bị thiệt thòi về giá. Vì vậy, anh rất mong muốn có một cơ quan đủ tư cách pháp nhân, đủ năng lực để chứng nhận được chất lượng sản phẩm hữu cơ nhanh chóng, chính xác cho nông dân. Bên cạnh đó, anh vẫn nhiệt tình hướng dẫn, động viên bà con nông dân làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ, để cho ra những sản phẩm cây ăn quả an toàn. Đồng thời anh còn mở thêm dịch vụ tham quan, thưởng thức trái cây tại vườn, chế biến sâu một số trái cây, nuôi thêm một số loại vật nuôi như ếch, heo rừng, gà đồi, rắn mối, dế… để tận dụng không gian, phục vụ du khách tham quan, tăng thu nhập, bổ trợ sự phong phú đa dạng cho mô hình của mình.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ là hướng đi không mới nhưng để thành công, cho ra sản phẩm có giá trị trên thị trường, khẳng định vị thế của sản phẩm đòi hỏi người nông dân phải học hỏi, quyết tâm và tâm huyết, phải đánh đổi để có kinh nghiệm, phải làm mới biết mình đang vướng mắc ở đâu để tháo gỡ… và đất sẽ sinh quả ngọt như mong muốn. Bà con nông dân muốn học hỏi kinh nghiệm, tư vấn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm trái cây hữu cơ có thể liên hệ anh Lê Đình Hồ, số điện thoại: 0947377948.

Phạm Thị Ngọc Bích - TT Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thị xã Gia Nghĩa- Đăk Nông

 


Số lượt đọc: 604 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác