Nuôi lươn đẻ
06/07/2009

Gần đây, ở thị xã Gò Công - Tiền Giang, ông Nguyễn Quốc Kiệt - một kỹ sư chăn nuôi, thủy sản - đã bước đầu thử nghiệm thành công mô hình nuôi lươn đẻ trong môi trường nhân tạo.

Để có được kết quả bước đầu này, ông Nguyễn Quốc Kiệt phải trải qua một thời gian dài nghiên cứu, thử nghiệm. Ông cho biết : Xưa tôi nuôi heo, rồi nuôi thử ếch, nhưng bán không được. Sau đó, tôi chuyển sang nuôi lươn. Tôi thấy lươn có thị trường rộng hơn, dễ bán, nhưng có cái khó là con giống. Nghĩ thế, tôi tìm đến bạn bè để hỏi thăm và sách vở để nghiên cứu xem sản xuất lươn giống có được không.

 

Thực hiện ý tưởng, ông Kiệt sang Đồng Tháp mua 40 kg lươn con về nuôi trong hồ theo kiểu dân gian. Hồ được đắp mô sình ở giữa, cho nước bao quanh, trên mô thả trùng quế để làm thức ăn cho lươn. Ngoài ra, ông còn cho lươn ăn thêm cua đồng và ốc bươu vàng. Tuy chăm sóc rất kỹ, nhưng tỷ lệ hao hụt của lươn cũng khá cao. Ông chia sẻ : Tôi thuần được 10 kg lươn với 400 con. Thông thường, lươn đẻ vào mùa mưa. Cuối tháng 3 năm rồi, vào buổi chiều, tôi thấy bọt giống bọt cá sặc, tôi vào báo cho bà xã là lươn đẻ rồi.

 

Sau khi phát hiện ổ trứng, ông áp dụng những kiến thức nuôi lươn đã tích lũy, tiến hành ấp trứng và dưỡng lươn con trong thời gian gần 3 tháng rồi mới đưa ra hồ nuôi thử nghiệm. Đặc biệt, trong hồ, ông Kiệt không bỏ sình và chuối cây như nhiều mô hình khác, mà chỉ sử dụng dây nilông đen ở một góc hồ. Thức ăn của lươn thường là trùng quế, cua đồng hoặc ốc bươu vàng sẵn có ở địa phương. Trong tâm trạng phấn khởi, ông nói : Tới đây, khi hoàn chỉnh mô hình, tôi sẽ hướng dẫn một số hộ cùng nuôi. Tôi thấy chỉ cần nuôi 20 lươn bố mẹ, mỗi năm cũng có mấy ngàn lươn con rồi. Trước tín hiệu khả quan từ mô hình trên, ông Trần Minh Hoàng - Phó Trưởng phòng Kinh tế Thị xã Gò Công - định hướng : Mô hình chỉ mới thành công bước đầu, chúng tôi còn đang tiếp tục theo dõi. Nếu hiệu quả, chúng tôi sẽ tổ chức nhân rộng nhằm mục đích cung cấp con giống cho bà con. Còn nếu bà con nào có điều kiện thực hiện như anh Kiệt thì chúng tôi sẽ chuyển giao kỹ thuật.

 

Lươn là thức ăn rất bổ dưỡng và luôn có giá khá cao.  Mô hình nuôi lươn đẻ theo hướng công nghiệp ở thị xã Gò Công nếu thành công sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp con giống để phát triển nghề nuôi lươn trong thời gian tới.


Số lượt đọc: 857 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác