Kỹ thuật trồng nấm rơm trong nhà tại Nghệ An
18/11/2019
Xử lý rơm trước khi ủ
Năm 2018, Trạm Khuyến nông Thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) đã thực hiện mô hình trồng nấm rơm trong nhà. Trồng nấm rơm trong nhà có thể chủ động nhiệt độ, không bị ảnh hưởng bởi tác động của môi trường bên ngoài, năng suất nấm luôn ở mức cao và ổn định. Mô hình thành công đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Từ thực tế triển khai, xin chia sẻ kỹ thuật trồng nấm rơm trong nhà tại TP. Vinh, Nghệ An.

1. Xử lý nguyên liệu:

Rơm rạ phơi khô, không bị mốc, không còn mùi thuốc trừ sâu được ngâm trong nước vôi loãng (4 kg vôi tôi/1m3); ngâm rơm cho đủ ẩm, có màu vàng; sau đó vớt ra để rơm róc nước, rồi chất vào đống ủ.

Kích thước đống ủ: dài 1,5m, rộng 1,5m, cao 1,5m; mỗi đống ủ đảm bảo tối thiểu từ 300 kg rơm rạ trở lên. Chú ý đống ủ phải có kệ lót đáy, có cọc thông khí và che nilon xung quanh. Sau 3 - 4 ngày, đống ủ có nhiệt độ từ 65-70 0C thì tiến hành đảo rơm, chỉnh độ ẩm. Kiểm tra độ ẩm rơm bằng cách vắt rơm, nếu thấy có nước chảy thành giọt là vừa; nếu nước chảy thành dòng là rơm còn ướt phải rãi rộng cho bay bớt hơi nước; nếu vắt rơm không có nước là khô, phải dùng bình phun bổ sung nước. Ủ tiếp 3-4 ngày nữa rồi tiến hành đóng mô, cấy giống.

 2. Giống (meo nấm):

Chuẩn bị giống nấm trước khi ủ nguyên liệu, giống chuẩn từ  13-16 ngày tuổi.

Tiêu chuẩn giống tốt: Sợi tơ nấm màu trắng trong, mở nắp bịch có mùi tương tự như nấm rơm. Tơ nấm phát triển đều khắp mặt trong bịch meo.

Chú ý: Không sử dụng bịch meo giống có đốm màu đen, vàng cam vì đã bị nhiễm nấm dại; không chọn bịch meo phía dưới đáy bịch bị ướt, bị nhão và có mùi hơi chua.

3. Chăm sóc sau khi cấy giống

Sợi nấm rơm phát triển rất nhanh, từ khi cấy giống đến khi có mầm quả thể 13-14 ngày.

Từ ngày 1 đến ngày thứ 3 sau khi cấy giống, không cần tưới nước, phải phủ 1 lớp nilon và lưới phản quang trên mô nấm để giữ ẩm, giữ nhiệt và chống ánh sáng.

Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 8, cất ni lon và lưới phản quang; tưới ẩm nền, xung quanh mô nấm và phun sương mù trên cao. Ngoài ra kiểm tra nhiệt độ mô nấm bằng cách cắm nhiệt kế trên mô nấm, nếu thấy có nhiệt độ 35-38 0C là tốt.

Từ ngày thứ 8-9, khi thấy màng sợi từ màu trắng đục chuyển sang màu trắng trong, phải tưới đón nấm, tưới nhẹ trực tiếp vào các mặt mô nấm cho ẩm đều, đẫm hơn bình thường.

Từ ngày thứ 13– 14, trên mô nấm xuất hiện đinh ghim như hạt gạo, tưới giữ ẩm bình thường, tưới cao vòi, ngửa vòi để tránh bị đứt sợi nấm.

Chú ý: Trong nhà trồng nấm cần gắn bảng đo nhiệt độ và độ ẩm, đồng thời lắp hệ thống tưới phun sương.

4. Thu hoạch

Nấm rơm mọc từ ngày 15 đến ngày 25 và thu hoạch rộ từ ngày 19 - 30 sau khi cấy giống. Hằng ngày hái nấm 1 đến 2 lần, hái nấm trước khi tưới. Khi quả nấm từ dạng tròn chuyển sang hình trứng chúng ta hái, không để nấm nở hoặc nứt bao.

Cách thu hái: Một tay giữ cụm nấm, tay kia hái những quả nấm đã đến tuổi. Hái xong dùng dao cắt bỏ phần nấm có dính rơm rạ.

Nấm sau khi hái cho vào túi nilon từ 0,5 – 1,0 kg/túi, xếp trong hộp các-tông hoặc hộp xốp có lót vải hoặc lá, để tránh dập nát, rồi vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

Sau khi hái nấm xong, tưới nước ẩm đều cho nấm mọc tiếp. Lứa 1 từ ngày thứ 15 - 30. Hết lứa 1, tiếp tục chăm sóc thu hoạch lứa 2 và lứa 3.

Vũ Xuân Nam - Trạm Khuyến nông TP. Vinh – Nghệ An


Số lượt đọc: 774 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác