"Hôm đó trời rất đẹp", đại úy Lê Thị Hồng Vân nhớ về buổi sáng 19/11/2018. Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y đến Khoa sản, Bệnh viện Quân y 103 họp giao ban hàng tháng.
Nữ đại uý 31 tuổi đứng dậy trình diện khi ông tìm bác sĩ trẻ của khoa. "Thế tại sao em không đi bệnh viện dã chiến?", ông hỏi. Nghe chủ nhiệm khoa nói "nhưng chồng cô ấy cũng đi rồi", tướng Quyết tiếp lời "Hai vợ chồng đi cũng được chứ sao". Chị Vân sững người.
Lúc ấy, chồng chị là đại úy Lê Hồng Thanh - kỹ thuật viên gây mê đã nằm trong danh sách Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2, huấn luyện được một năm. Đơn vị này sẽ sang Nam Sudan tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thay cho Bệnh viện số 1. Vân cũng vừa từ chối học bổng đi Đức tu nghiệp để chồng tập trung huấn luyện. Con gái họ mới hơn 2 tuổi.
Vài ngày sau, chị được gọi lên làm công tác tư tưởng trước khi gia nhập lực lượng. Biết nhà chị neo người, lãnh đạo Bệnh viện 103 nói rằng sẽ tạo điều kiện nếu muốn chỉ một trong hai người đi. Nhưng chị trả lời, "cháu nghĩ mình không có lý do gì để từ chối khi tổ chức đã phân công. Khi nào có quyết định thì cháu sẽ lên đường".
"Thời bình, nhà neo người, sao cả hai đứa đều đi?". Mẹ chồng chị sốc khi nghe tin con trai và con dâu đi làm nhiệm vụ. Bà bắt anh Thanh lên gặp lãnh đạo bệnh viện xin cho một người đi, một người ở lại. Nhưng anh không chịu. Bà giận không nói chuyện khi nghĩ cả hai xung phong đi. "Con cũng muốn con gái tự hào về con như con đã từng tự hào về bố", anh nói với mẹ. Thời thơ bé, Thanh lớn lên trong tiếng quân nhạc của Học viện Quân y. Niềm tự hào nhất là thấy người cha giương cao quân kỳ trong lễ chào cờ mỗi sáng thứ Hai. Ông mất năm anh 9 tuổi. Những người đã cùng công tác sau này đều nhắc về ông với một thái độ kính trọng.
Vợ chồng chị giải thích rõ với mẹ rằng bệnh viện dã chiến nằm trong khu căn cứ của Phái bộ, chủ yếu khám chữa bệnh cho nhân viên Liên hợp quốc và được bảo vệ. Tất cả còn trong thời gian huấn luyện, sàng lọc và chờ chốt danh sách chính thức. Vân hiểu phản ứng của mẹ chồng, bởi có cha mẹ nào mà không tâm tư khi con cái đi xa. Chồng mất sớm để lại khoảng trống lớn, nên bà rất sợ có thêm mất mát. Nam Sudan lại là vùng đất còn nhiều xung đột, giao tranh. "Bản thân mình đi cũng vẫn lo cho con gái nhỏ. Thì làm sao mẹ không tâm tư khi cả con trai, con dâu đều lên đường". Cần thời gian để bà quen và chấp nhận việc này. Đó là cảm xúc tự nhiên mà mỗi gia đình cần phải trải qua để thấu hiểu nhau.
Trước ngày lên đường, đại uý Lê Hồng Thanh có hai năm huấn luyện, với trở ngại lớn nhất là học ngoại ngữ. Ảnh: NVCC. |
Câu nói của cô giáo "đánh thức tự ái" trong lòng người lính, nhất là nghĩ đến tình huống "họ sẽ cười vào mặt mình, cười bộ đội Việt Nam". Anh xin tạm nghỉ công việc ở Bệnh viện 103 để chuyên tâm học hành. Mỗi ngày phấn đấu học thêm 10 từ mới, rồi chủ động tìm giảng viên nước ngoài nói chuyện để luyện các kỹ năng. Tan lớp, anh Thanh đăng ký học thêm một khóa ở trung tâm ngoại ngữ. Nhiều đêm, chị Vân cho con ngủ xong một giấc, trở dậy vẫn thấy chồng đang "cày" tiếng Anh. Người vợ "không biết cô giáo nước ngoài nói gì mà chồng mình đi học dữ dội vậy". Nhưng chị ủng hộ bởi ngoại ngữ luôn cần trong công việc và cuộc sống.
Từ con số 0, sau một năm anh Thanh lấy được bằng B1 và đang học thêm. Nói chuyện được với giáo viên, đọc được tài liệu nước ngoài, Thanh cảm thấy "đường chân trời như mở rộng thêm". Người lính lên đường với tâm thế "nhẹ nhàng hơn cả việc tham gia giao thông ở Việt Nam".
Sau hai năm huấn luyện, Bệnh viện số 2 nhận quyết định lên đường hôm 13/11. Danh sách đi chính thức 63 người, trong đó có vợ chồng đại uý Thanh, Vân. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dặn dò các quân nhân hai điều. Một là cần giữ nghiêm kỷ luật, giữ hình ảnh bộ đội Cụ Hồ và thực hiện tốt nhiệm vụ Bộ Quốc phòng và Liên hợp quốc giao phó. "Các cán bộ phải giữ tuyệt đối an toàn cho mình", ông nói.
Lời tướng Vịnh nhắc đại uý Vân nhớ đến sự cố khi diễn tập cháy nổ ở Sư đoàn 301 (Yên Nghĩa, Hà Đông). Theo quy định của Liên hợp quốc, nếu sự cố xảy ra thì nhân viên Liên hợp quốc phải được an toàn đầu tiên. Nếu dịch bệnh xuất hiện ở Nam Sudan thì Bệnh viện dã chiến được phép đóng cửa, giữ an toàn cho nhân viên y tế khi không đủ cơ sở vật chất điều trị.
Khi lệnh báo cháy phát ra, khói từ quả lựu đạn chống khủng bố bị hút vào điều hòa, tỏa mù mịt ra các buồng bệnh. Bác sĩ Vân cùng một điều dưỡng kéo giường bệnh nhân nặng đi trước. Hai bệnh nhân nhẹ hơn tự di chuyển. Điều dưỡng cuối cùng cố kéo theo một giường bệnh nữa. Việc nán lại phòng bệnh khiến chị bị sặc khói, co thắt khí quản, khó thở. Sự cố khiến cả hai lĩnh ngộ sâu sắc quy định an toàn quốc tế khi đi làm nhiệm vụ.
Để chuẩn bị lên đường, hai vợ chồng cũng làm "công tác tư tưởng" cho cô con gái hơn 3 tuổi, tên ở nhà là Bún. Ảnh: Hoàng Phương. |
Cô bé tên ở nhà là Bún, từ sáu tháng tuổi đã quen với việc ra khỏi cửa lúc 6h30 khi trong nhà có hai quân nhân. Bố mẹ lên bệnh viện, con đi nhà trẻ. Những ngày đến lớp sớm, Bún còn ngủ gật trên vai bố khi đứng trú mưa dưới mái hiên đợi cô giáo đến. Bé con không quấn bố mẹ, một ngày chỉ cần nhìn thấy một lần, hoặc nói chuyện qua facetime 10 phút là yên tâm đi ngủ. Trước khi đi, anh Thanh đã tìm hiểu gói cước di động 70 USD mỗi tháng để nói chuyện với con hàng ngày. Bà nội nghỉ hưu hồi tháng 3, những ngày này tích cực tập thể dục, vật lý trị liệu cho bớt đau lưng để ở nhà trông cháu. Một nhà bốn người đã chuẩn bị xong cho ngày vợ chồng chị lên đường.
Trong hành lý sang Nam Sudan của người mẹ có một thùng gấu bông. Chị để dành làm quà tặng cho trẻ con hoặc khách đến thăm nếu được cho phép. Liên hợp quốc có quy định tặng quà trong từng trường hợp. Người nhận quà có thể không nhớ mặt, nhớ tên chị, "nhưng biết đó là món quà từ người Việt Nam".
Hoàng Phương
- Vị linh mục của người nghèo (03/12/2018)
- Kỹ năng giữ mạng sống khi bị uy hiếp bằng súng (03/12/2018)
- 7 điều đặc biệt tại phiên toà xét xử ông Phan Văn Vĩnh (26/11/2018)
- Ngôi làng đẹp như cổ tích nhưng chưa nhiều người biết ở Nhật (26/11/2018)
- 3 ĐIỂM MỚI TRÊN THẺ BẢO HIÊM Y TẾ 2018 (19/11/2018)
- Hướng dẫn mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình (19/11/2018)
- Nghĩa vụ quân sự 2019: Nhiều điểm mới trong tiêu chuẩn tuyển quân (19/11/2018)
- BHXH TP.HCM hướng dẫn chế độ thai sản dành cho nam giới (19/11/2018)
- 6 cách giúp bạn phòng ngừa ung thư phổi (19/11/2018)
- Lịch trình 30 phút giúp bạn ngon giấc mỗi đêm (19/11/2018)