Sự bá chủ của Trí tuệ nhân tạo
01/07/2020
Công nghệ nhận diện khuôn mặt của Trung Quốc đã được xuất khẩu ra nhiều nước
Tương lai của chiến tranh hiện đại ngày càng phụ thuộc vào công nghệ, với sự trỗi dậy nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI), thứ mà Trung Quốc đang chú trọng phát triển và xuất khẩu ra nước ngoài.

AI có thể ứng dụng trong hàng loạt lĩnh vực, từ nhận diện khuôn mặt đến xe ô-tô tự lái và vũ khí. Việc Trung Quốc tích cực xuất khẩu những công nghệ tự làm còn giúp họ có cơ hội tiếp cận bộ máy an ninh của nước khác. Ảnh hưởng này càng gây lo ngại hơn khi được gắn với sáng kiến Vành đai Con đường (BRI), trong khi Trung Quốc đang dùng BRI để thúc đẩy xuất khẩu công cụ AI, ông Hugh Harsono, một sĩ quan trong quân đội Mỹ, viết trong một bài vừa đăng trên tạp chí The Diplomat.

Theo bài viết, Trung Quốc đang ở trung tâm của quá trình đổi mới sáng tạo các hệ thống trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là những công nghệ liên quan đến quốc phòng và an ninh quốc gia. Việc tập trung vào phát triển và xuất khẩu các hệ thống AI quân sự bao gồm những chức năng an ninh điển hình như giám sát diện rộng và nhận diện khuôn mặt, cùng với “nền tảng công nghệ tích hợp” sử dụng “dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo” để có thể “dự đoán chính sách”.

Các thiết bị bay không người lái (UAV) của Trung Quốc như Wing Loong 2 và CH-4 đã được xuất khẩu thành công, với các đơn hàng từ UAE, Ả-rập Xê-út, Ai Cập và Pakistan. Bên cạnh đó, các công ty có tầm hoạt động toàn cầu như Huawei, Hikvision và ZTE làm việc trực tiếp với nhiều chính phủ nước ngoài để phát triển các giao diện AI hiện đại nhất, được áp dụng ở hơn 230 thành phố trên khắp thế giới tính đến cuối năm 2019.

Khả năng kiểm soát của Bắc Kinh đối với các cơ sở nghiên cứu trong nước càng thúc đẩy hơn nữa hoạt động xuất khẩu công nghệ AI, tạo nên vị thế ưu việt của nước này trong không gian AI khi so sánh với những đối thủ mạnh như Nga và Mỹ. Những hệ thống đó đã được Trung Quốc thử nghiệm và thu được hiệu quả lớn, với hai ví dụ quan trọng nhất là giám sát tình hình người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và nhiều thành phố triển khai thí điểm hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội đối với từng công dân.

Ngược lại, Mỹ thúc đẩy chiến lược chính phủ dẫn dắt các nghiên cứu AI. Cách làm này khiến Mỹ không thể xuất khẩu nhiều các sản phẩm AI có thể ứng dụng vào mục đích an ninh. Đạo luật cải cách kiểm soát xuất khẩu (ECRA) năm 2018 hạn chế xuất khẩu các công nghệ mới nổi, đóng vai trò quan trọng trong an ninh quốc gia của Mỹ. Điều này tạo ra một môi trường mà trong đó nhiều công ty phương Tây sợ trở nên liên kết quá gần gũi với quân đội Mỹ mà làm mất cơ hội tiếp cận thị trường Trung Quốc rộng lớn.

Nỗ lực của Trung Quốc nhằm thống trị lĩnh vực AI cũng mở rộng sang chuỗi cung ứng các hệ thống AI. Điều này thể hiện trong việc phát triển công nghệ máy tính cần để hỗ trợ hệ thống AI, đặc biệt là thiết bị bán dẫn. Trung Quốc đã đầu tư 21,8 tỷ USD vào ngành công nghiệp này với mục tiêu mở rộng sản xuất chip, nhằm đạt mức tăng trưởng 2 con số trong những năm tới. Thị trường AI mở rộng cả về quy mô và doanh thu dự kiến sẽ mang về hơn 50 tỷ USD cho Trung Quốc vào năm 2022.

Nhiều quốc gia đã nhận ra tầm quan trọng của việc ứng dụng AI vào các mục đích an ninh quốc gia, coi đây là cách để lấp vào khoảng trống về nhân sự và tăng tính minh bạch trong hạ tầng quốc phòng tương ứng của họ. Nhiều nước ở châu Phi, Trung Đông, châu Á và Nam Mỹ đang dùng AI và công nghệ giám sát của Trung Quốc, với ưu thế là chi phí thấp, dễ sử dụng và thu hút thêm đầu tư nước ngoài từ BRI.

Giữa năm 2018, Zimbabwe thông báo kế hoạch tận dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt của Hikvision vào mục đích giám sát an ninh biên giới. Hikvision cũng khởi động dự án thí điểm ý tưởng về thành phố thông minh ở Mutare, thành phố lớn thứ tư của Zimbabwe. Đầu năm 2019, chính phủ Zimbabwe được tài trợ công nghệ nhận diện khuôn mặt từ CloudWalk Technology, một công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt vì các cáo buộc vi phạm ở Tân Cương. Công nghệ đó giúp xây dựng hệ thống nhận diện khuôn mặt quy mô lớn cho chính phủ Zimbabwe.

Năm 2019, Philippines triển khai hệ thống giám sát mang tên “Philippines An toàn” ở vùng đô thị Manila, với 12.000 camera giám sát được lắp đặt, sử dụng các công cụ AI kết hợp với công nghệ nhận diện khuôn mặt. Chính phủ Philippines hợp tác với Huawei và Tập đoàn Xây dựng Công nghệ quốc tế Trung Quốc (CITCC) và vay gần 400 triệu USD, một bước đi gây thêm quan ngại về chính sách ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc thông qua BRI.

Ông Harsono cho rằng trường hợp của Zimbabwe và Philippines cho thấy 2 cách Trung Quốc có thể tận dụng AI, trong số nhiều công nghệ, để tạo vị trí của mình trong các hệ thống thông tin liên lạc và an ninh nước ngoài. Quỹ Heritage (Mỹ) mô tả Trung Quốc là “lãnh đạo thế giới về gián điệp kinh tế và các chiến dịch gây ảnh hưởng ở nước ngoài”, làm dấy lên hoài nghi rằng Bắc Kinh đang dùng BRI và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để giám sát giới chức và lãnh đạo doanh nghiệp ở nước khác.

Chỉ riêng ở châu Phi, các công ty có quan hệ với nhà nước Trung Quốc đã xây dựng 14 mạng nội bộ của chính phủ và tặng máy tính cho ít nhất 35 chính phủ châu Phi. Sự chấp nhận rộng rãi đối với AI Trung Quốc ở Mỹ Latin cũng dẫn đến quan ngại tương tự, với dự đoán rằng những hệ thống đó sẽ trở thành công cụ cho hoạt động thu thập thông tin tình báo và gây ảnh hưởng của Trung Quốc. Những mô hình tương tự đang hình thành ở Ecuador, Myanmar, Iran và nhiều nước dọc con đường mà BRI đi qua.

 

 


Số lượt đọc: 758 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác