Là một đoàn viên thanh niên với bản chất thật thà, chịu khó, ham học hỏi, cộng với sự nhanh nhẹn tháo vát anh Hiếu đã biết cách tổ chức sản xuất và khai thác có hiệu quả hơn 3 ha vườn đồi khai hoang thành khu trang trại kinh tế tổng hợp. Anh Phạm Văn Hiếu cho biết: Làm nông nghiệp là nghề mà anh rất đam mê và ý tưởng làm kinh tế trang trại được bắt đầu từ năm 2013. Sau khi giành nhiều thời gian đi tìm hiểu, tham khảo các mô hình thanh niên khởi nghiệp thành công, anh nhận thấy mình đang sống tại một vùng chuyên về sản xuất nông nghiệp, lại đang có diện tích đất đai đủ lớn để làm ăn nên anh đã bàn với gia đình quyết tâm đầu tư để làm giàu bằng được trên mảnh đất này với mô hình chăn nuôi gà kết hợp trồng cây ăn quả.
Ban đầu do chưa có nhiều vốn để đầu tư nên anh đã chọn con đường phát triển lấy ngắn, nuôi dài; vừa làm vừa mở rộng quy mô. Bắt tay vào thực hiện mô hình anh tiến hành quy hoạch khu chăn nuôi gà thịt thả vườn, thiết kế và xây dựng chuồng trại xong anh Hiếu đưa vào nuôi lứa đầu với 1.000 con gà thịt lai chọi; đồng thời triển khai trồng 2 ha cam và quýt. Sau 3 tháng nuôi, lứa gà thịt đầu tiên khá thành công; khi xuất chuồng và trừ các chi phí cho anh khoản lợi nhuận trên 25 triệu đồng. Thấy chăn nuôi gà lai chọi có hiệu quả và phù hợp với điều kiện đầu tư của mình nên anh Hiếu lại tiếp tục xây dựng chuồng trại và mở rộng quy mô chăn nuôi lên đến 3.000 con. Để chủ động cho việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra được ổn định anh đã tìm đến các thương lái thu mua có số lượng lớn tại Thanh Hóa và ký hợp tác làm ăn lâu dài. Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi anh Phạm Văn Hiếu nói: Chăn nuôi gà thịt lai chọi hiện nay đầu ra tương đối thuận lợi, khi đến kỳ xuất chuồng thì bên thương lái chỉ bắt trong vài 3 ngày là hết cả ngàn con; giá cả tương đối ổn định. Trong quá trình chăn nuôi anh luôn duy trì mua nguồn con giống của Công ty có uy tín, chất lượng từ dòng gà lai chọi Bình Định. Đàn gà được nuôi nhốt hoàn toàn trong tháng đầu tiên, được cung cấp nguồn thức ăn đảm bảo đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng; nước uống phải sạch và đặc biệt là phải dùng vắc xin để phòng đầy đủ các bệnh cho đàn gà theo đúng hướng dẫn của Công ty. Sau khi hết giai đoạn nuôi úm, khi thời tiết thuận lợi anh cho gà ra sân chơi, tắm nắng. Nguồn thức ăn cũng bắt đầu chuyển đổi tăng thêm lượng chất xơ, vitamin cho đàn gà bằng các nguồn rau xanh, cỏ trồng. Công tác vệ sinh thú y cho khu chăn nuôi cũng phải thực hiện đầy đủ và thường xuyên. Định kỳ 1 tuần phun thuốc sát trùng chuồng trại 1 lần; khi có dịch phải làm thường xuyên; khi có người lạ đến phải khử trùng khu vực chăn nuôi ngay. Đặc biệt chuồng nuôi gà được anh sử dụng chế phẩm men vi sinh làm đệm lót sinh học, đàn gà nuôi trên đệm lót rất ít khi mắc các bệnh tiêu chảy và hô hấp. Gà có tỷ lệ nuôi sống cao trên 95%; sinh trưởng tốt và cho mã đẹp, dễ bán. Phân và chất thải được xử lý tốt làm giảm tối đa mùi hôi chuồng trại, sau khi kết thúc lứa nuôi anh mới dọn chuồng và sử dụng nguồn phân chuồng bón cho vườn cây ăn quả vừa giảm chi phí phân bón mà cây trồng lại khỏe, phát triển tốt, ít bệnh.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu trang trại anh Hiếu tâm sự: Để có được vườn cam, quýt xanh tốt và sai quả như hôm nay anh cũng đã rất vất vả và phải bỏ ra nhiều công sức. Trước khi quyết định trồng cam, nuôi gà anh cũng đã đi làm nhiều việc nhưng thấy thu nhập và cuộc sống không ổn định. Đến nay sau 6 năm khởi nghiệp hiện anh đã có 2 ha cam và quýt mỗi năm cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng; đàn gà thịt mỗi năm anh xuất chuồng trên 10.000 con mang về doanh thu trên 1,5 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí mỗi năm anh thu lãi khoảng 250 triệu đồng. Nói về ý tưởng làm ăn mới anh Hiếu phấn khởi cho biết: Hiện nay, tại địa phương đang có nhiều gia đình phát triển kinh tế bằng mô hình chăn nuôi dê. Tuy nhiên, chất lượng con giống chưa cao, chủ yếu là giống dê cỏ, năng suất còn thấp. Nhu cầu về con giống mà đặc biệt là giống dê có năng suất cao trong vùng còn rất lớn nên vừa rồi anh đã quyết định xây dựng chuồng trại để nuôi dê cái sinh sản. Hướng đi sắp tới của anh là mua đàn dê cái giống tại địa phương và sử dụng con đực là dê Boer, một trong những giống dê ngoại có năng suất cao để lai tạo và cung cấp nguồn con giống có chất lượng cho người dân chăn nuôi dê trên địa bàn nhằm tăng hiệu quả chăn nuôi cho bà con.
Nói về gương thanh niên làm kinh tế giỏi Phạm Văn Hiếu Bà Hoàng Thị Liên, cán bộ Khuyến nông xã Nghĩa Xuân cho biết: Trong những năm gần đây, trên địa bàn xã người nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi để phát triển kinh tế theo hướng tập trung và sản xuất hàng hóa có quy mô lớn. Anh Hiếu là một trong những thanh niên trẻ có tính sáng tạo, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm và luôn đi đầu trong việc đưa các giống cây, con mới có năng suất cao vào thực tế để sản xuất. Mô hình trang trại của anh là điển hình cho thanh niên lập nghiệp và làm kinh tế giỏi tại địa phương; đồng thời là địa chỉ để cho người dân tham quan học tập và chia sẻ kinh nghiệm trong thực tiễn sản xuất.
Qua câu chuyện làm ăn và khởi nghiệp của anh Phạm Văn Hiếu cho thấy nếu người nông dân biết áp dụng; mạnh dạn đưa những tiến bộ về khoa học kỹ thuật mới kết hợp với kinh nghiệm trong thực tiễn để tổ chức sản xuất cho phù hợp với điều kiện tự nhiên và nguồn lực của mình sẽ giúp khai thác tối đa tiềm năng năng suất và hiệu quả kinh tế vốn có trên các đối tượng cây trồng vật nuôi. Hy vọng mô hình của anh Hiếu sẽ nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương để có thêm nhiều bạn trẻ làm kinh tế giỏi; gắn bó và xây dựng nông thôn ngày càng phát triển./.
Nguyễn Văn Thắng
- PHÁT TRIỂN KINH TẾ NHỜ CHUYÊN CANH CÁC LOẠI CÂY DÂY LEO LẤY QUẢ (29/10/2018)
- Máy kéo lúa của “kỹ sư chân đất" (23/08/2012)
- Nuôi lươn đẻ (06/07/2009)
- Kinh nghiệm nuôi Heo thâm canh (07/06/2009)
- Làm giàu nhờ bò cạp (07/06/2009)