Thu nhập tiền triệu mỗi ngày từ trồng măng tây
04/08/2020
ới giá bán buôn ổn định, mỗi ngày gia định chị Cẩm có thu nhập khoảng 2 triệu đồng
Chuyển đổi từ trồng rau màu sang trồng măng tây trên diện tích 7.000m2, gia đình chị Lương Thị Cẩm, ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ thu về khoảng 2 triệu đồng/ngày.

Theo giới thiệu của cán bộ khuyến nông về các mô hình nông nghiệp hiệu quả trên địa bàn tỉnh, chúng tôi tìm đến vườn măng tây của chị Lương Thị Cẩm thuộc ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ vào một buổi chiều cuối tuần. Vừa chăm sóc vườn măng tây xanh mướt với những mầm măng nhô lên mập mạp, chị Cẩm vừa cho biết, gia đình chị có khoảng 10.000m2 đất cát, trước đây trồng rau màu nhưng thổ nhưỡng không phù hợp, vất vả quanh năm mà thu nhập chẳng là bao. Đầu năm 2018, gia đình được Phòng NN-PTNT huyện Đất Đỏ chọn trồng thí điểm cây măng tây xanh trên diện tích 500m2. Trước khi trồng, chị được đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại tỉnh Ninh Thuận, được sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn và tìm hiểu qua bạn bè. Sau 6 tháng, vườn măng tây trồng thử nghiệm trên diện tích nhỏ nhưng hiệu quả mang lại rất cao so với rau màu. Vì thế chị đã quyết định mở rộng diện tích trồng lên 7.000m2.

Theo chị Cẩm, cây giống đem trồng, được ươm từ hạt gieo trong bầu nhựa khoảng 2,5 tháng. Khi cây cao khoảng 30-40cm, đem trồng trên các luống đất đã cải tạo và bón lót phân chuồng. Hàng cách hàng 1m và cây cách cây 60cm. Do thân cây mền, nên sau một tháng trồng phải làm giá đỡ cho cây khỏi ngã.

Để cây măng phát triển và cho năng suất cao, việc chăm sóc cây đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật cắt tỉa, chọn và thay đổi cây măng mẹ để sinh sản và nuôi dưỡng cây măng con. Hàng ngày vườn măng được tưới nước qua hệ thống tưới phun. Định kỳ một tuần sử dụng phân hữu cơ dạng hạt hòa tan trong nước tưới phun cho cây măng. Cây măng tây trồng 6 tháng là có thể thu hoạch măng. Việc thu hoạch liên tục hàng ngày trong suốt 3 tháng. Sau thời gian này cây măng mẹ có hiện tượng già cỗi, lá chuyển màu úa vàng thì phải nhổ bỏ, chọn cây măng khỏe, mập giữ lại làm cây thay thế cây mẹ cũ. Sử dụng phân hữu cơ đã ủ hoai với nấm Trichoderma bón trực tiếp lên gốc măng, sau khoảng nửa tháng là có thể cho thu hoạch măng đợt tiếp. Nếu chăm sóc tốt thì tuổi thọ của cây măng kéo dài đến 10 năm.

Chị Cẩm thông tin thêm, cây măng tây phát triển phù hợp trên nền đất cát pha, hiện tượng bệnh thường ít xảy ra so với trồng rau màu. Nhưng để phòng bệnh cho cây, định kỳ chị sử dụng dung dịch nano bạc, vôi phun trực tiếp lên cây phòng trị một số bệnh như thán thư, mốc sương, thối rễ, đốm lá, thối măng… Măng từ lúc mọc lên khỏi mặt đất đến lúc thu hoạch khoảng 2-3 ngày. Cây măng có chiều dài khoảng 0,5m, chỉ lấy phần ngọn khoảng 30cm làm thực phẩm chế biến món ăn, phần gốc còn lại phơi khô chế biến làm trà măng tây.

Mỗi ngày chị Cẩm thu hoạch từ 30-35kg măng tây. Sản phẩm được Công ty CP Nông nghiệp sạch Sao Mai bao tiêu với giá 50.000 đồng/kg, nhưng với giá bán lẻ ra thị trường thì cao hơn khoảng 30.000 đồng/kg. Với giá bán buôn ổn định, sản phẩm không “đụng hàng dội chợ”, mỗi ngày gia đình chị Cẩm có thu nhập khoảng 2 triệu đồng. Sau hơn hai năm chuyển đổi từ trồng rau màu sang trồng măng tây kinh tế gia đình chị phát triển bền vững hơn.

Vừa trồng, vừa tham khảo tài liệu, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, không chỉ trồng măng hiệu quả mà chị Cẩm còn ươm cây giống bán cho những khách hàng có nhu cầu chuyển đổi cây trồng cho một số hộ ở trên địa bàn huyện Châu Đức và Xuyên Mộc.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, măng tây có hàm lượng dinh dưỡng cao, gồm 83% nước và 17% chất khô. Trong đó có 2,2% đạm protein, 1,2% đường glucid, 0,6% chất xơ cellulose và các chất khoáng như kali, magiê, kẽm, canxi. Làm thực phẩm có lợi cho sức khỏe như: giảm cân, lợi tiểu, ngừa ung thư, phòng chống suy giãn tĩnh mạch, hỗ trợ đường ruột và tốt cho tiết niệu. Ngoài giá trị dinh dưỡng, măng tây còn có dược tính: chống lão hóa, chống béo phì, ổn định huyết áp, thanh nhiệt tiêu độc... nên được gọi là “rau hoàng đế”.

Bài, ảnh: TRỌNG HOÀNG


Số lượt đọc: 662 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác