Lợi ích kép khi đào tạo nghề theo nhu cầu
20/08/2020
Nghề bếp là một trong những nghề được DN đặt hàng chương trình đào tạo nghề LĐNT
Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã đào tạo nghề theo nhu cầu của xã hội, theo “đặt hàng” của DN... Chương trình đã mang lại lợi ích kép, vừa giúp DN tuyển được nguồn lao động có tay nghề, vừa giúp người lao động có việc làm ổn định và thu nhập cao hơn sau học nghề.

CHỈ DẠY NHỮNG NGHỀ CÓ NHU CẦU TUYỂN DỤNG

Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo nhu cầu thị trường lao động, của xã hội là hướng đi được huyện Xuyên Mộc tích cực triển khai hơn 4 năm nay. Từ năm 2014 đến nay, trung bình mỗi năm huyện đào tạo nghề cho 400-600 lao động. Trong đó, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: Nhóm ngành kỹ thuật xây dựng; ngành nghề phục vụ cho lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn như: nghiệp vụ buồng, bàn, lễ tân... Sau học nghề, hơn 90% lao động được DN tuyển dụng và 10% lao động tự tạo được việc làm. Riêng năm 2019, huyện tổ chức 10 lớp đào tạo nghề cho 202 LĐNT và 100% lao động được DN tuyển dụng sau đào tạo.

Ông Nguyễn Văn Thảo, Quyền Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Xuyên Mộc cho biết, huyện xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT theo phương châm “Chỉ dạy nghề khi xác định được có việc làm và thu nhập cao hơn sau học nghề”. Với hướng đi này, huyện triển khai mô hình đào tạo nghề theo đặt hàng của DN. “Là địa phương có thế mạnh về phát triển du lịch nên những năm gần đây Xuyên Mộc thu hút nhiều DN lớn đến đầu tư. Vì vậy, nhu cầu tuyển lao động có tay nghề của các DN hoạt động trong lĩnh vực này tăng mạnh. Để hỗ trợ DN nguồn lao động có tay nghề, huyện Xuyên Mộc đã phối hợp với các DN du lịch lớn như: Hồ Tràm Strip, Hồ Tràm Melia, Khu nghỉ dưỡng Carmelina... tổ chức các lớp đào tạo nghề du lịch ngắn hạn cho hàng trăm lao động. Lao động sau học nghề đều được DN nhận vào làm việc với thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng”, ông Nguyễn Văn Thảo thông tin.

Bên cạnh đó, một số địa phương đã căn cứ quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và tình hình thực tế để lựa chọn mô hình đào tạo nghề phù hợp cho lao động. Điển hình như xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu). Từ năm 2018 đến nay, khi dự án Nhà máy Hóa dầu Long Sơn được khởi động, Tập đoàn SCG - chủ đầu tư dự án đã phối hợp cùng địa phương mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn nhằm tạo việc làm ổn định cho người dân, nhất là những hộ dân bị thu hồi đất. Ông Soros Khlongchoengsan, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn cho biết, chương trình đào tạo nghề nhằm xây dựng kỹ năng mới cho người dân bị ảnh hưởng từ việc di dời khỏi khu vực dự án, giúp họ có việc làm và ổn định cuộc sống. Từ đầu năm 2016 đến nay, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn đã tổ chức 6 khóa đào tạo cơ bản về các ngành nghề như: xây dựng, nấu ăn, phục vụ nhà hàng, thợ may, thợ hàn, lái xe nâng cho 120 người dân xã Long Sơn.

THAY ĐỔI NHẬN THỨC VỀ HỌC NGHỀ 

Những năm gần đây, nghề xây dựng trở thành nghề “có giá” do nhu cầu xây dựng trên địa bàn xã Long Sơn tăng mạnh. Nắm bắt nhu cầu này, xã Long Sơn liên tục mở các lớp dạy nghề xây dựng miễn phí nhằm tạo việc làm cho người dân. 

Làm nghề xây dựng hơn 20 năm nay, nhưng anh Lê Văn Tám (48 tuổi, ở thôn 1, xã Long Sơn) chưa từng được học qua trường lớp nào. Vì vậy, năm 2014, khi địa phương tổ chức lớp học nghề xây dựng miễn phí, anh Tám đã gắng sắp xếp công việc để theo học. Anh Tám cho biết: “Nhờ được học nghề, tôi đã biết cách đọc bản vẽ, cách tính khối lượng sắt, thép cho từng công trình chuẩn xác hơn”. Hiện nay, anh Tám là chủ thầu xây dựng và giúp cho 7 lao động ở địa phương có việc làm ổn định sau khi học nghề với mức lương từ 320-450 ngàn đồng/ngày/người. 

Ông Huỳnh Việt Triều, Trưởng Phòng Quản lý giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐTBXH cho biết, công tác đào tạo nghề cho LĐNT ngày càng đi vào thực chất. Việc lựa chọn ngành nghề dựa trên nguyện vọng người học và nhu cầu của xã hội, bám sát nhu cầu của từng địa phương, không chạy theo số lượng. Nhờ đó, các danh mục đào tạo nghề không còn dàn trải như trước. Chỉ tính riêng năm 2019, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo 41 lớp cho 1.064 LĐNT học nghề phi nông nghiệp. Trong đó, lao động chủ yếu được học các ngành nghề như: may giày da, lái xe nâng, vận hành cẩu trục, nghiệp vụ bàn - buồng, kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ nhà hàng, bảo mẫu, kỹ thuật xây dựng...

Ông Huỳnh Việt Triều phân tích, khó khăn nhất là nhận thức của LĐNT về học nghề còn hạn chế, dẫn tới nhiều lao động chưa mặn mà với việc học nghề. Để khắc phục, Sở đã phối hợp với các ngành, hội, đoàn thể liên quan, tăng cường tuyên truyền, thay đổi nhận thức về học nghề của LĐNT. Đồng thời, các sở, ngành, địa phương đang tiếp tục kiểm tra, rà soát nhu cầu học nghề của từng nhóm đối tượng, nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, từ đó mở các lớp dạy nghề phù hợp. 

“Công tác đào tạo nghề sẽ theo hướng linh hoạt, phù hợp với từng ngành nghề, đối tượng và nhu cầu thực tiễn hơn. Các sở, ngành liên quan sẽ có đánh giá tổng thể về chính sách nhân văn này nhằm nhìn nhận rõ hơn những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế nhằm đưa ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn trong giai đoạn tiếp theo”, ông Triều khẳng định. 

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN


Số lượt đọc: 1063 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác