Giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính trong phục vụ người dân, doanh nghiệp
23/09/2020

Để thực hiện tốt công tác cải cách hành trong thời gian tới UBND xã Tân Hưng thường xuyên thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp như sau;

*Về chỉ số nâng lực cạnh tranh (PCI):

 Đã tổ chức quán triệt việc nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; gắn công tác cải cách hành chính với công tác thi đua, khen thưởng, quy hoạch, cán bộ, công chức; quản lý, bố trí cán bộ, công chức có trình độ, năng lực thực hiện công tác cải cách hành chính, bên cạnh đó thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện công tác cải cách hành chính; xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức có biểu hiện tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu trong thực thi công vụ và giải quyết thủ tục hành chính và không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp, người dân trong giải quyết công việc; Luôn thực hiện nghiêm quy định tiếp công dân, tiếp nhận những kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp và người dân.

*Về chỉ số cải cách hành chính(PARIndex):

 Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính, quán triệt đến cán bộ, công chức xã, xác định rõ đây là nhiệm vụ trọng tâm, tạo chuyển biến căn bản, trong từng ngành, lĩnh vực, nhất là các chỉ số đang có điểm số và xếp hạng thấp, mỗi CBCC phải thực hiện nghiêm túc các quy định về văn hoá công sở theo Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định về Quy tắc ứng xử theo Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày 26 tháng 02 năm 2007 của Bộ Nội vụ. Trang phục lịch sự; đeo thẻ CBCC theo đúng quy định khi làm việc tại cơ quan; không sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng; không hút thuốc lá nơi công sở, trong phòng làm việc, phòng họp, hội trường; nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực.

- Thực hiện đúng quy trình một cửa, một cửa liên thông, chuyển phiếu biên nhận và phiếu kiểm soát đi kèm theo hồ sơ, ghi đầy đủ thông tin trên phiếu biên nhận để thuận lợi cho việc tổng hợp, lấy ý kiến đánh giá.

* Về chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI):

- Sự tham gia của người dân: Tổ chức thực hiện khá tốt công tác tuyên truyền; đã tập trung tuyên truyền về hoạt động quản lý nhà nước và trách nhiệm của người dân trong tham gia quản lý nhà nước. Nâng cao sự giám sát của tổ chức, người dân đối với việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức; kịp thời phát hiện và xử lý các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

- Đẩy mạnh công khai minh bạch: Cán bộ, công chức xã thực hiện tốt Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở; công khai các nội dung dân biết, tổ chức cho nhân dân bàn đối với những nội dung dân được bàn và quyết định theo quy chế dân chủ, tổ chức niêm yết thường xuyên và liên tục các nội dung như sau: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và khung giá đất; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức cấp xã; đối tượng, mức thu các loại phí, lệ phí; TTHC ... công khai danh sách hộ nghèo; công khai ngân sách cấp xã và các khoản thu khác ở các ấp; công khai kế hoạch đầu tư các dự án trên địa bàn và kết quả xử lý các vụ việc qua giám sát ở các ấp. 

* Trách nhiệm giải trình với người dân: Tiếp tục thực hiện công tác tiếp dân của lãnh đạo UBND xã vào ngày thứ ba và thứ năm hàng tuần nhằm tạo điều kiện để người dân được tham gia đối thoại trực tiếp với lãnh đạo UBND xã và đóng góp ý kiến về các vấn đề bức xúc của người dân ở địa phương.

* Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công:

Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 28/CT-UBND ngày 12 tháng 12 năm 2016 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước; Tổ chức phổ biến các kênh thông tin đường dây nóng của Lãnh đạo tỉnh, Lãnh đạo thành phố, lãnh đạo xã hỗ trợ doanh nghiệp, Tài nguyên và Môi trường, cải cách hành chính để người dân, doanh nghiệp tiện liên hệ.

Phạm Thị Ngọc Bình – CC. Văn phòng – Thống kê

 

 


Số lượt đọc: 887 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác