Nuôi heo (lợn) nái từ quy mô lớn trang trại đến cấp độ nhỏ gia đình là một nghề rất phổ biến trong sản xuất nông nghiệp ở Long An. Đến nay kỹ thuật nuôi heo nái đã có nhiều bước tiến triển rõ rệt so với trước đây nhờ ứng dụng công nghệ về giống, dinh dưỡng, vệ sinh thú y, chuồng trại, trang thiết bị chuyên dùng.
Dù vậy, qua khảo sát thực tế vẫn còn không ít nơi chăn nuôi heo nái gặp phải các trở ngại như: heo cái hậu bị chậm hoặc rối loạn lên giống, tỷ lệ đậu thai thấp, heo nái đẻ ít con, heo con yếu, heo con chết non,… dẫn đến hiệu quả kinh tế của người nuôi không được như mong muốn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các trở ngại nêu trên. Tuy nhiên, về cơ bản nếu muốn khắc phục, cải thiện, người nuôi heo nái cần tập trung rà soát lại hiện trạng để áp dụng 6 biện pháp quản lý và kỹ thuật sau đây.
1. Luôn sử dụng con giống tốt
Giống heo phù hợp nuôi sinh sản hiện nay là giống Yorkshire và Landrace thuần hoặc heo lai (cha) Yorkshire x (mẹ) Landrace (nếu sử dụng tinh nọc là giống Landrace và mẹ là giống Yorkshire thì khả năng sinh sản của heo cái lai sau này vẫn được nhưng có thấp hơn đôi chút).
Heo cái hậu bị cần có nguồn gốc rõ ràng và trong quá trình nuôi cần đánh giá sức phát triển, ngoại hình để có thể quyết định lưu giữ hay loại thải. Nên mua heo cái hậu bị có trọng lượng ít nhất trên 60 kg thay vì mua heo nhỏ lúc lẻ bầy, sẽ giúp giảm tình trạng heo không đạt yêu cầu phải loại thải.
Khi heo đẻ, cần tiếp tục theo dõi, ghi lại số liệu liên quan đến sức sinh sản, chất lượng heo con ở tất cả các lứa đẻ, nếu không đạt cần mạnh dạn loại thải. Tâm lý của nhiều hộ chăn nuôi vẫn thiên về việc lưu giữ heo cái đã đầu tư dù không đạt hơn là loại thải để mua nhập heo cái khác, thực tế khi phân tích về hiệu quả kinh tế thì loại thải để đầu tư mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
2. Áp dụng chế độ dinh dưỡng phù hợp và ổn định
Nhu cầu dinh dưỡng của heo nuôi sinh sản có thể phân thành 4 giai đoạn khác nhau về số lượng và thành phần các chất bên trong khẩu phần thức ăn: hậu bị, mang thai, nuôi con và nái khô chờ phối. Việc cung cấp thức ăn không đầy đủ, không phù hợp với các giai đoạn sinh trưởng đều ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả sinh sản. Đa phần các trường hợp chậm lên giống lúc heo kết thúc giai đoạn hậu bị đều có nguyên nhân từ nguồn thức ăn không phù hợp, hoặc cho ăn quá nhiều hoặc cho ăn không đủ, không cân đối các chất dinh dưỡng, chưa kể những heo này dễ gặp tình trạng đậu thai ít, heo con chết non hoặc yếu. Tương tự, nếu ở giai đoạn mang thai, heo cái không được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để bào thai phát triển thì cũng gặp tình huống sinh sản kém. Hoặc như heo nái sau lẻ bầy nếu thiếu dinh dưỡng sẽ chậm lên giống trở lại. Tất cả các tình huống này đều làm tăng chi phí nuôi.
Trước đây, người nuôi heo nái gặp khá nhiều khó khăn trong việc phối trộn thức ăn sao cho phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của heo cái nhưng hiện nay thì việc phát triển công nghiệp thức ăn đóng bao chuyên dùng đã giúp giải quyết một cách đơn giản khó khăn này. Người nuôi giờ đây chỉ cần mua và sử dụng các loại thức ăn đã phối trộn phù hợp cho heo cái ở các giai đoạn sinh trưởng theo đúng khuyến cáo định lượng của nơi sản xuất thức ăn. Đây là giải pháp có thể nói là tốt nhất trong việc áp dụng chế độ dinh dưỡng - thức ăn dành cho heo nuôi sinh sản. Người nuôi chỉ còn tập trung theo dõi, đánh giá thể trạng, kết quả sinh sản của heo nái để nếu cần có thể điều chỉnh tăng, giảm đôi chút số lượng thức ăn hoặc bổ sung một số chất vi dinh dưỡng (khoáng, vitamin, axit amin hoặc một số loại men tiêu hóa) nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả thức ăn.
3. Tạo tiểu môi trường chăn nuôi thích hợp với đặc điểm sinh lý của heo nuôi sinh sản
Đối với các trường hợp xây chuồng trại mới hay cải tạo chuồng trại đã có đều cần đáp ứng được các yêu cầu sau: sạch sẽ, thông thoáng, thuận tiện công việc vệ sinh và xử lý chất thải. Trong thực tế, đặc điểm khí hậu ở Long An và các địa phương khu vực miền Đông và Tây Nam bộ có khoảng thời gian lạnh ngắn và mức độ lạnh cũng không cao, còn tình trạng nóng thì diễn tiến thường xuyên, nhất là vào mùa khô; trời nóng sẽ gây tác động xấu đến sức khỏe và sức sinh sản của heo cái mạnh hơn trời lạnh. Trong điều kiện khí hậu như thế, yêu cầu chung là chuồng trại và khu vực xung quanh cần áp dụng càng nhiều biện pháp giảm nhiệt càng tốt như: nuôi mật độ thưa hơn mức kỹ thuật khuyến cáo chung, tăng độ cao chuồng nuôi, sử dụng các loại vật liệu xây dựng có tính năng cách nhiệt, trồng cây xanh che bớt nắng, đào ao gần nơi nuôi kết hợp lấy mặt nước giảm nhiệt và xử lý sinh học chất thải, lắp đặt hệ thống phun sương trong chuồng.…
4. Áp dụng cách chăm sóc thích hợp
Nguyên tắc chung là tạo môi trường yên tĩnh để hạn chế các tác động gây stress (choáng) do tiếng động lớn, chuyển chuồng, xua đuổi hay heo cắn nhau, nhất là khi heo mang thai và đẻ. Tốt nhất là từ lúc phối giống, heo hậu bị nên nuôi tách riêng cá thể bằng chuồng lồng để vừa thuận tiện theo dõi (đánh giá thể trạng, sức khỏe, phối giống, sử dụng vắc-xin,…) vừa giảm thiểu được các tác động gây stress. Cách nuôi riêng cá thể này tiếp tục áp dụng cho các giai đoạn mang thai, đẻ nuôi con và cả nái khô chờ phối lại.
5. Áp dụng chặt chẽ quy trình vệ sinh thú y
Cần thực hiện chuẩn xác lịch trình phòng bệnh (vắc-xin và thuốc thú y), vệ sinh chuồng trại, xử lý chất thải, kiểm soát người và phương tiện ra vào nơi chăn nuôi,… theo phương thức chăn nuôi an toàn sinh học cho mọi thời điểm, tình huống, lúc không có dịch bệnh cũng như lúc có dịch đe dọa.
6. Ghi và lưu giữ toàn bộ số liệu về diễn tiến chăn nuôi
Đây là một yêu cầu rất cần thiết vì giúp người chăn nuôi không chỉ đánh giá được toàn bộ tiến trình sinh trưởng, sinh sản của heo cái để có những điều chỉnh kịp thời về con giống, chế độ dinh dưỡng, cách chăm sóc, quy trình vệ sinh thú y,… mà còn để đúc kết chính xác hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi qua con số thu, chi cụ thể. Trong thực tế, hầu như toàn bộ các trang trại chăn nuôi đều thực hiện việc quản lý sổ sách như trên. Ngược lại đối với cơ sở nuôi heo quy mô trung bình và nhỏ cấp nông hộ thì rất ít trường hợp áp dụng do chưa quen hoặc ghi chưa chính xác, ghi không đủ, ghi gián đoạn,… Trở ngại này chính là nguyên nhân làm hạn chế nâng cao tay nghề của người nuôi cho dù phần lớn người nuôi heo nái ở nông hộ đều có quá trình chăn nuôi lâu dài cùng với không ít kinh nghiệm thực tiễn.
Việc áp dụng đầy đủ và đồng bộ 6 biện pháp cơ bản về quản lý và kỹ thuật nuôi heo nái nêu trên chắc chắn sẽ giúp cho người nuôi cải thiện được hiệu quả kinh tế từ chi phí và công sức lao động đã bỏ ra vì cùng lúc hạn chế được đến mức tối đa các rủi ro thiệt hại do heo nái bệnh, heo nái xấu phải loại thải,… và nâng cao thu nhập từ tăng số lượng và chất lượng heo con sinh ra từ đàn heo mẹ khỏe mạnh./.
Văn Thạnh - Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Long An
- Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò (28/09/2016)
- Một số vấn đề cần quan tâm khi sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi (28/09/2016)
- Kỹ thuật vỗ béo trâu bò loại thải (28/09/2016)
- Sử dụng vỏ dưa hấu, nước dưa chua… để giải nhiệt cho vật nuôi (28/09/2016)
- Kinh nghiệm thuần dưỡng, lai tạo và chọn lựa gà rừng mồi hay (28/09/2016)
- Những lưu ý để nhận diện gà giống Đông Tảo chuẩn (28/09/2016)
- Gà Tân Hồ, thịt thơm, ngon, chỉ nuôi 3 tháng là xuất bán (28/09/2016)
- Kỹ thuật vỗ béo bò thịt (08/09/2016)
- Kỹ thuật nuôi bê sữa cái bằng sữa bột công nghiệp (08/09/2016)
- Cách chọn dê làm giống (08/09/2016)