Thu nhập tiền tỷ mỗi năm nhờ trồng nấm
27/11/2020
Kiên trì học hỏi kỹ thuật, bà Nguyễn Thị Hoài (ấp 1, xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ) đã thành công với mô hình trồng nấm, cho thu nhập 1 tỷ đồng/năm
Trồng nấm là nghề đòi hỏi sự kiên trì nên không phải ai cũng làm được. Và khi đã vượt qua được những thời khắc dễ nản lòng thì nấm lại mang đến “trái ngọt” với thu nhập tiền tỷ mỗi năm.

Trước đây, thu nhập chính của gia đình bà Nguyễn Thị Hoài (ấp 1, xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ) chủ yếu dựa vào trồng lúa và các loại cây ăn trái. Năm 2006, sau khi tham quan mô hình trồng nấm của người bạn ở huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai), bà Hoài bắt đầu học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật và quyết định tìm cho mình một lối đi riêng.

Trở về Tóc Tiên, bà đầu tư xây dựng 30 trại trồng nấm mèo và bào ngư trên diện tích 10.000m2. Mỗi vụ sản xuất được 500.000 bịch nấm, mỗi năm làm 3 vụ. Mỗi tháng cung ứng ra thị trường khoảng 15 tấn nấm mèo và 150 tấn nấm bào ngư, giá bán từ 80.000-90.000 đồng/kg (bào ngư) và 30.000 đồng/kg (nấm mèo), lợi nhuận đạt khoảng 800 triệu - 1 tỷ đồng/năm. “Thực tế cho thấy, nghề trồng nấm cho thu nhập cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác, kể cả chăn nuôi. Song để gắn bó được với nghề đòi hỏi nông dân phải nắm vững kỹ thuật, tạo ra sản phẩm chất lượng, sạch. Đồng thời cần dành nhiều thời gian theo dõi, kiểm tra nhiệt độ và độ ẩm phù hợp để nấm phát triển”, bà Hoài nói.

Do đặc tính của nấm bào ngư là ưa ẩm, phát triển nhanh ở điều kiện độ ẩm từ 60-65%, độ ẩm không khí 80-85% nên nơi trồng nấm phải được đặt ở địa điểm thoáng mát, che chắn kín gió và không có nắng chiếu trực tiếp. Đối với nấm mèo, thích hợp nhiệt độ không khí từ 25-320C. Nhiệt độ trên 350C hoặc dưới 150C nấm mèo phát triển kém và cho năng suất thấp. Cả 2 loại nấm đều phải thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình kỹ thuật nuôi trồng; bảo đảm vệ sinh môi trường và các điều kiện thiết yếu cho nấm phát triển tốt.

“Một trong những công đoạn quan trọng khi trồng nấm là phải xử lý giá thể (hay còn gọi meo nấm), bảo đảm giá thể sạch, an toàn cho nấm phát triển. Trước đây cũng như mọi trang trại khác, gia đình tôi xử lý giá thể bằng cách hấp bằng nồi hơi. Cách làm này cần từ 3-4 lao động xếp giá thể vào nồi và mỗi lần cũng chỉ hấp được 600-700 bịch giá thể. Sau này, gia đình tôi đã nghĩ ra lò hấp, mỗi lần hấp được 7.000-15.000 bịch và chỉ tốn 1 nhân công”, bà Hoài nói.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, mô hình trồng nấm của bà Nguyễn Thị Hoài còn tạo việc làm ổn định cho 5 lao động thường xuyên và 7-10 lao động thời vụ với mức lương từ 5-7 triệu đồng/tháng.

Ông Trương Ngọc Trang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tóc Tiên cho biết: Sau nhiều năm phát triển, hiện mô hình trồng nấm tại địa phương chỉ còn lại 2 hộ (trước đây gần 20 hộ). Từng được xem là nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao, là hướng đi tốt cho phát triển kinh tế nông hộ, tuy nhiên thực tế sản xuất nấm trên địa bàn tỉnh hiện nay đang đặt ra một số vấn đề khó khăn. Ðể nghề trồng nấm phát triển, ngoài mở các lớp tập huấn nâng cao tay nghề, người trồng nấm cần hỗ trợ về vốn đầu tư trang thiết bị phù hợp để phát triển đa dạng các chủng loại nấm. “Trong năm 2020, địa phương cũng đã thành lập HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tóc Tiên, đây là cơ sở để liên doanh, liên kết sản xuất hàng hóa tập trung, bảo đảm sản phẩm đạt chất lượng, ATVSTP, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh khâu sơ chế, chế biến, trong đó có các sản phẩm như nấm, cá nước ngọt…”, ông Trang nói thêm.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU


Số lượt đọc: 888 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác