Số lượt truy cập: 3082970
Đang online: 7
Những năm gần đây, kinh tế phát triển mạnh kéo theo sự gia tăng nhanh chóng của số lượng các phương tiện tham gia giao thông. Bên cạnh những lợi ích, vấn đề về chất thải và ô nhiễm môi trường do các phương tiện này tạo ra, trong đó có săm lốp phế thải đang là chủ đề nóng ở nhiều quốc gia.
Theo đó, hầu hết săm lốp phế thải đều bền vững trước tác nhân hóa học, sinh học, vật lý và phải mất khoảng thời gian rất dài mới có khả năng phân hủy. Nếu sử dụng phương pháp đốt ở nhiệt độ cao thì sản phẩm khi cháy sẽ sinh ra nhiều khí thải độc hại và rất khó kiểm soát mức độ gây ô nhiễm môi trường.
Ở các nước công nghiệp hóa, hàm lượng lốp cao su thải chiếm đến 60% lượng cao su tiêu dùng. Cụ thể, mỗi năm nước Mỹ thải ra khoảng 242 triệu lốp xe ô tô, Canada thải ra 10 triệu lốp xe ô tô, Đức là 0.6 triệu lốp xe...
Cùng với lượng xe đạp, xe máy, ô tô tăng lên, lượng lốp cao su thải ra cũng chất thành núi lớn và hiện đang được lưu giữ tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Các kho dự trữ phế thải cao su gặp mối nguy hiểm rất cao bởi các kho chứa này rất dễ bốc cháy thành đám lớn trong thời gian dài, vì cao su rất dễ bắt lửa, các kho chứa này cũng tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây bệnh sinh sản như muỗi, chuột...
Năm 1999, đống cao su rác thải rộng 56 ha tại phía đông bắc bang Ohio bốc cháy trong 5 ngày đã tạo nên cột khói độc có thể nhìn thấy từ cách xa 60 dặm và thải ra một lượng dầu chảy vào nhánh sông gần đó, làm chết cá và một số sinh vật ở hệ thống sông Sandusky.
Tương tự, nếu xử lí cao su rác thải theo phương pháp chôn lấp thì không mang lại hiệu quả cao vì tốn một khoảng đất trống. Do khó phân hủy, lốp thải cao su sẽ làm hỏng các lớp đá xây dựng nên chất độc hại có nguy cơ thấm vào nguồn nước.
Do đó, nghiên cứu, xử lí và tái chế rác thải cao su đúng cách là nhiệm vụ không chỉ của mỗi quốc gia và của toàn thế giới nhằm bảo vệ môi trường sống và mang lại lợi ích kinh tế.
Hiện nay, nhu cầu tham gia giao thông của người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị tương đối cao. Thế nhưng, những người này gặp rất nhiều khó khăn khi di chuyển do những phương tiện giao thông đều không phù hợp (cửa xe hẹp, gầm xe cao, không có tay vịn, điểm dừng xe buýt không có đường tiếp cận để người khuyết tật có thể lên xe...). Trong khi đó, làn đường giao thông dành riêng cho người khuyết tật cũng chưa được chú trọng đầu tư, phát triển.
Hiểu được vấn đề này, hai bạn học sinh Trần Nguyễn Anh Khoa và Trần Lê Đại Dương (lớp 11B1 trường THPT Nhân Việt) đã nghiên cứu và sản xuất thành công đề tài “Từ cao su phế thải đến vật liệu vỉa hè dành cho người khiếm thị”.
Hai bạn Trần Nguyễn Anh Khoa và Trần Lê Đại Dương với đề tài “Từ cao su phế thải đến vật liệu vỉa hè dành cho người khiếm thị”
Theo đó, cao su phế thải được thu gom về sẽ được xay nhỏ, rửa sạch bằng nước và phơi khô tự nhiên trong vòng 24 tiếng. Sau đó, số cao su này sẽ được phối trộn với hỗn hợp keo PU (loại polyisocyanate), bột đá và bột vàng tạo màu theo tỉ lệ thích hợp. Tiếp đến, hỗn hợp này sẽ được đóng rắn ở nhiệt độ 70 – 80 độ C, đồng thời, phủ thêm 1 lớp cao su tái chế để giảm ma sát và cắt theo kích thước phù hợp để cho ra sản phẩm cuối cùng.
Anh Khoa cho biết, khó khăn lớn nhất khi nghiên cứu đề tài, là phải làm sao để tạo ra sản phẩm có độ mềm và ma sát lớn, giúp người khiếm thị có thể dễ dàng cảm nhận được và không đi chệch khỏi làn đường dành cho mình. “Để làm được điều này, tụi em đã phải làm đi làm lại hàng chục lần với nhiều tỉ lệ khác nhau để tìm ra phương pháp tối ưu nhất. Rất may mắn là nhờ sự hỗ trợ của các thầy cô trong khoa Công nghệ Vật liệu, trường ĐH Bách khoa TP.HCM, một số công đoạn khó khăn nhất như đóng rắn, cắt lát sản phẩm... đều được diễn ra tương đối dễ dàng”.
Do được làm từ cao su, nên tấm thảm này có trọng lượng tương đối thấp, dễ dàng vận chuyển và lắp đặt. Khi được sử dụng, những tấm thảm này có các ký hiệu riêng biệt (đi thẳng, rẽ trái, rẽ phải, trạm xe bus, hết đường…) giúp người khiếm thị tham gia giao thông dễ dàng hơn. “Đặc biệt, so với gạch lát vỉa hè, thảm cao su có khả năng đàn hồi và mềm hơn sẽ tạo điều kiện cho người khiếm thị đi lại an toàn hơn, giảm thiểu được chấn thương khi té ngã, va đập. Trong tình huống xấu nhất, người khiếm thị có thể sử dụng thanh gỗ gõ nhẹ vào tấm thảm cao su để nhận biết làn đường đi dành cho mình. Qua đó, góp phần tạo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng, tìm kiếm công việc và thúc đẩy sự phát triển của xã hội”, Đại Dương chia sẻ.
Một điểm nổi bật khác, là do được sản xuất từ cao su phế thải nên sản phẩm tương đối bền với môi trường. Tấm thảm sau khi sử dụng có thể dùng làm nguyên liệu chất đốt nhưng không gây hại so với các loại cao su nguyên chất.