Số lượt truy cập: 3221992
Đang online: 360
Một nhóm sinh viên (SV) trường Cao đẳng (CĐ) công thương TP.HCM đã tận dụng những chiếc máy in trong trường để thiết kế thành một chiếc máy đóng dấu văn bản tự động, giảm bớt gánh nặng cho các thầy cô trong mỗi đợt tuyển sinh.
Quãng thời gian gần 3 năm gắn bó dưới mái trường CĐ Công thương, nhóm bạn SV mê nghiên cứu nhận thấy rằng, hằng năm cứ vào mùa tuyển sinh, trường phải tiếp nhận rất nhiều hồ sơ sinh viên nhập học và giấy báo trúng tuyển. Do vậy nhà trường cần lực lượng nhân sự lớn để thực hiện việc đóng dấu giấy tờ cho kỳ tuyển sinh.
Không những vậy, trong năm học cũng có rất nhiều giấy tờ khác cần được đóng dấu nên lượng nhân lực sử dụng cho công việc này cũng không nhỏ.
Mặt khác, kinh tế ngày càng phát triển, hàng hóa và dịch vụ là những giao dịch thường xuyên mỗi ngày của con người đều phải có xác nhận bằng con dấu. Trong các cơ quan Nhà nước, khối lượng văn bản chờ đóng dấu rất lớn mà công việc cũng tương đối nhiều, do đó, dẫn đến tình trạng ứ đọng giấy tờ, gây nhiều tổn thất về thời gian và tiền bạc của nhân dân.
Nhóm SV với sản phẩm máy đóng dấu văn bản tự động đã giành huy chương đồng tại Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo 2015. Ảnh: Nhóm cung cấp.
“Chính vì điều này làm nhóm nghiên cứu của Viên đã nhen nhóm ý tưởng thiết kế chế tạo máy đóng dấu văn bản tự động phục vụ tại trường. Hơn nữa, trên thị trường hiện nay hầu như chưa có loại máy nào đảm nhận việc đóng dấu văn bản tự động. Đây được xem là hướng đi mới của nhóm trong tương lai” - Lê Đình Viên, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
Viên cho biết, điều đặc biệt là thiết kế của nhóm có thể tận dụng đồ ve chai của nhà trường như máy in cũ bị hư hỏng...
Theo Nguyễn Văn Linh, khó khăn lớn nhất mà các thành viên trong nhóm gặp phải đó là việc lập trình đoạn mã (code) đảm nhận nhiệm vụ gửi lệnh và nhận tín hiệu từ board mạch Arduino đến các bộ phận khác của hệ thống.
Mô hình hoạt động của máy. Ảnh: Nhóm cung cấp.
“Trong quá trình viết code, rất nhiều lần em viết xong khi vận hành thử thì phát hiện code bị sai và phải tìm hướng giải quyết khác. Cả nhóm phải cùng nhau lên mạng tìm hiểu, hỏi thầy cô, bạn bè và dùng mọi sự hỗ trợ bên ngoài để có được code đúng” - Linh chia sẻ.
Nhóm cũng cho biết, trong quá trình nghiên cứu, tìm tòi, nhóm phải đảm bảo yếu tố là máy dễ dàng sử dụng cho người không chuyên và dễ lấy giấy ra khi có sự cố kẹt giấy.
Về nguyên tắc vận hành của máy, bộ điều khiển của hệ thống sử dụng board mạch Intel Arduino UNO và vi điều khiển AT mega 328. Giấy được xếp vào khay giấy với số lượng từ 200-300 tờ. Đồng thời giấy được cuốn vào bằng động cơ bước sau khi ấn nút làm việc.
Khi giấy được cuốn vào gặp 2 cảm biến S1 và S2 thì sẽ được dừng lại và hệ thống đóng dấu sẽ di chuyển con dấu xuống đấu theo vị trí đã định trước. Sau khi đóng xong, trục con dấu sẽ nâng lên và động cơ sẽ kéo giấy ra ngoài, sau khi giấy được kéo ra khỏi cảm biết S1 thì sẽ kích cho nam châm điện sẽ thực hiện đưa giấy vào. Quy trình đưa giấy vào sẽ được tiếp tục diễn ra như vậy.
Hình ảnh thực tế của máy đóng dấu văn bản tự động. Ảnh: Nhóm cung cấp.
Hiện tại, máy đóng được 15 con dấu trong vòng 1 phút và có thể vận hành liên tục kéo dài mà không để xảy ra một lỗi nào. Theo các thành viên trong nhóm, đây là một tín hiệu khả quan để có thể phát triển đẩy nhanh tốc độ đóng dấu của máy.
Ngoài ra, hướng phát triển tương lai của nhóm với chiếc máy này là chế tạo con dấu có khả năng đóng liên tục; thiết kế lại phần gá con dấu dễ dàng thuận lợi trong quá trình tháo mở và có thể gá nhiều loại con dấu; cải thiện phần cơ khí gọn nhẹ, thẩm mỹ, kích thước nhỏ gọn hơn và trang bị thêm cho máy có thể điều khiển và giám sát từ xa.