Số lượt truy cập: 3083794
Đang online: 18
Vi sinh vật (VSV) có vai trò rất quan trọng trong đời sống cũng như trong nông nghiệp. Phân bón vi sinh là chế phẩm, có chứa một hoặc nhiều chủng VSV vật sống, có ích cho cây trồng đã được tuyển chọn, sử dụng bón vào đất hoặc xử lý cho cây để cải thiện hoạt động của VSV trong đất vùng rễ cây.
Nhờ đó, phân bón vi sinh giúp tăng cường cung cấp các chất dinh dưỡng từ đất cho cây trồng, cung cấp chất điều hòa sinh trưởng, các loại men, vitamin có lợi cho các quá trình chuyển hóa vật chất, cung cấp kháng sinh để giúp cho cây trồng có khả năng chống chịu các loại sâu bệnh hại, góp phần nâng cao năng suất, phẩm chất nông sản và tăng độ màu mỡ của đất.
Mới đây, nhóm nghiên cứu do Kỹ sư Nguyễn Hồng Thái, Công ty TNHH một thành viên Viện Kinh tế Kỹ thuật, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài: "Nghiên cứu chế tạo phân bón hữu cơ vi sinh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng thuốc lá vàng sấy và cải tạo đất trồng thuốc lá".
Đây là nghiên cứu thuộc nhóm các công nghệ sản phẩm sinh học (các sản phẩm được chế tạo sử dụng vật liệu sinh học làm nguyên liệu), vật liệu sinh học, chất dẻo sinh học, nhiên liệu sinh học, các hóa chất được chiết tách từ sinh học, các vật liệu mới có nguồn gốc sinh học.
Từ việc đánh giá các chủng VSV, nhóm nghiên cứu đã chọn được 4 chủng vi khuẩn gồm SHV.07, SHB 17, SHB 18 và 3-1 có hoạt tính cao vệ cố định nitơ tự do, phân giải photphat khó tan, đối kháng vi sinh dùng trong canh tác thuốc lá. Nghiên cứu về nguyên liệu hữu cơ cũng đã lựa chọn được nguyên liệu phù hợp với 50% than bùn và 50% bã nấm.
Ngoài ra, sau 2 năm thực hiện, nhóm đã sản xuất thử được 10 tấn phân hữ có vi sinh (HCVS) trên cơ sở quy trình được hoàn thiện. Phân hữ có vi sinh có giá thành 2.650 đồng/kg phục vụ khảo nghiệm và ứng dụng thử trong trồng trọt thuốc lá.
Kết quả khảo nghiệm kỹ thuật về cách bón đối với chế phẩm phân hữu cơ vi sinh cho thấy: Bón hốc có hiệu quả thúc đẩy về hầu hết các chỉ tiêu sinh trưởng và có năng suất cao hơn với tỷ lệ lá cấp 1+2 ở mức tương đương so với biện pháp bón rải. Các chỉ tiêu chất lượng hàm lượng nicotin, đường khử và tính chất hút của nguyên liệu không có sự khác biệt giữa hai cách bón.
Còn kết quả khảo nghiệm sản xuất trên ô lớn chứng minh: Chế phẩm phân hữu cơ vi sinh có hiệu quả trong canh tác thuốc lá. Khi áp dụng mức bón cơ sở thấp hơn 20kg N/ha, và bón bổ sung 2 tấn/ha phân hữu cơ vi sinh thì ruộng thuốc lá có mức độ nhiễm bệnh héo rũ thấp, năng suất lá khô tăng 12,0%.
Chất lượng lá sấy cũng có cải thiện khi tỷ lệ lá sấy cấp 1+2 tăng 6,4%; làm lượng nicotin được nâng cao và tính chất hút được cải thiện.
Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: Bón bổ sung phân HCVS trong trồng trọt thuốc lá góp phần cải tạo đất, nâng cao độ phì thể hiện ở hàm lượng hữu cơ tổng số, các chi tiêu dinh dưỡng đa lượng và mật độ vi sinh vật đất được nâng cao.
Có thể nói, hiệu quả của vi sinh vật trong việc làm tăng khả năng sinh trưởng và phát triển cây trồng, tiết kiểm phân bón hóa học cũng như tăng năng suất, chất lượng nông sản đã được khẳng định ở nhiều công trình nghiên cứu của của nhiều nước trên thế giới.
Từ những kết quả đạt được vừa qua, nhóm nghiên cứu của Kỹ sư Nguyễn Hồng Thái đã kiến nghị tiến hành thử nghiệm diện rộng chế phẩm phân HCVS để từng bước mở rộng trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nguyên liệu và cải tiến độ phì đất.