Số lượt truy cập: 3090118
Đang online: 20
Đó là những kỷ niệm thật đáng nhớ với 3 chàng sinh viên Hồ Hoàng Huy, Nguyễn Văn Bắc và Đỗ Minh Tuyển, đến từ khoa Cơ điện tử, ĐH công nghiệp TP.HCM.
Hoàng Huy, trưởng nhóm nghiên cứu nhớ lại, vào năm thứ hai đại học, trong lần xem một phóng sự trên truyền hình nói về nhiều người khiếm thị rất khó khăn trong việc viết chữ nổi, sách cho người khiếm thị lại rất hạn chế, Huy đã ấp ủ mong muốn chế tạo một thiết bị chuyển đổi từ chữ thường sang chữ Braille cho người khiếm thị.
Nguyễn Văn Bắc - thành viên nhóm nghiên cứu đang vận hành thử nghiệm máy. Ảnh: Hà Thế An.
“Giá một bộ sách chữ nổi có thể dao động từ 10 đến 20 triệu nên hầu như không em học sinh nào được sở hữu riêng một bộ sách, số lượng sách rất hạn chế, việc học trở nên vô cùng khó khăn khi không có sách” - Huy kể.
Thiếu sách và tài liệu là nguyên nhân chính khiến học sinh khiếm thị không có cơ hội học tiếp. Do những khó khăn mắc phải khi viết, mà một người đã làm quen lâu với việc viết chữ Braille trung bình cũng chỉ có thể viết tối đa từ 200 đến 400 trang sách trong một tháng.
Ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa có bất cứ cơ quan, doanh nghiệp nào nghiên cứu, chế tạo và sản xuất máy in chữ Braille Tiếng Việt. Cùng với đó, giá thành mua máy in từ nước ngoài sản xuất còn rất cao (40 đến trên 100 triệu đồng).
Chính vì những lí do này, chỉ một vài hội và đoàn thể người khiếm thị lớn ở Việt Nam có được máy do doanh nghiệp nước ngoài tài trợ với số lượng rất ít.
Để đáp ứng được nhu cầu rất cấp thiết này thì chế tạo máy in chữ nổi Braille tự động với quy mô nhỏ, giá thành thấp là vô cùng cần thiết với tình hình thực tế hiện nay.
Với nhu cầu đặt ra như trên, nhóm của Huy đã thực hiện đề tài: “Thiết kế và chế tạo mô hình máy in chữ nổi Braille cho người khiếm thị”.
Máy in chữ nổi Braille cho người khiếm thị của nhóm. Ảnh: Hà Thế An.
Máy in chữ nổi Braille cho người khiếm thị gồm 3 bộ phận chính: Máy in, tủ điều khiển và phần mềm chuyển đổi ký tự.
Nhóm cho biết, phần mềm điều khiển và phần mềm chuyển đổi ký tự do nhóm tự nghiên cứu và phát triển. Bộ phận chuyển đổi ký tự được viết trên nền tảng Visual Basic.
Tủ điều khiển được gắn một thiết bị nhớ. Sau khi dữ liệu được phần mềm chuyển đổi ký tự phân tích sẽ được đưa sang lưu trữ tại thẻ nhớ. Chip vi điều khiển Arduino Mega 2560 sẽ sử dụng dữ liệu trong bộ nhớ đó để gửi ra cơ cấu chấp hành. Bốn cuộn dây điện từ trong máy in khi có điện sẽ tạo ra một lực đột xuống giấy, làm nổi chữ Braille trên giấy. Bệ máy chính sẽ được dẫn động theo phương ngang qua lại bằng động cơ bước 24V. Hai động cơ bước nhỏ 12V hai bên, là 2 trục đẩy giấy đẩy vào và đẩy ra.
Nguyễn Hoàng Huy (trái) kỳ vọng sản phẩm này có thể đến với những người khiếm thị. Ảnh: Hà Thế An.
“Trong thời gian tới, nhóm sẽ bố trí thêm thiết bị Solenoid đột cuộn dây xuống giấy để tăng tốc độ in trên giấy. Ngoài ra nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu để bộ phận chuyển đổi ký tự có thể chuyển đổi sang hình ảnh, giúp người khiếm thị có thể sờ được hình ảnh, làm tăng độ sinh động trong mỗi trang sách”, Nguyễn Văn Bắc, thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ.