Số lượt truy cập: 3108797
Đang online: 31
Cây ngải cứu là một loại rau xanh quen thuộc chế biến thành những món ăn cực bổ dưỡng trong khi kỹ thuật trồng cây không mất quá nhiều công chăm sóc bởi chúng rất dễ phát triển.
Ngải Cứu là một trong những cây dược liệu quý nhưng không hiếm, bởi nó có thể sinh trưởng tốt ở các điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng khác nhau. Ngải cứu có thể sử dụng làm rau ăn, dùng trị đau đầu, bong gân, trật khớp,... Do đó nếu có được một vườn rau ngải cứu trong nhà chính là cách bạn bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình mình.
Lựa chọn chậu
Do trồng cây tại nhà, diện tích ít mà toàn là trồng trên sân thượng, ban công nên sử dụng thùng xốp vừa rẻ vừa tốt cho cây phát triển. Chậu nhựa, sành sứ đắt mà trồng cây không được tốt như thùng xốp. Nếu sử dụng thùng xốp thì không nên đục thủng đáy để thoát nước mà nên đục lỗ ở bên thành thùng xốp để cây luôn có đủ lượng nước và phân bón cần thiết.
Kỹ thuật trồng cây ngải cứu tại nhà là cách bạn bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình. Ảnh minh họa
Kỹ thuật trồng cây ngải cứu
Cây ngải cứu có thể trồng bằng cách gieo hạt, trồng cây con hoặc cắm cành. Nhưng đơn giản nhất và nhanh nhất là cắm cành. Bạn có thể ra chợ chọn mua những cành ngải cứu hơi già một chút, đem về hái hết lá để ăn sau đó lấy cành cắm xuống đất. Hoặc nếu có sẵn cây giống đã được trồng sẵn trước đó rồi có thể chặt một đoạn thân cây ngải cứu khoảng 20 - 30 cm và cắm xuống đất. Nên bón lót trước khi trồng cây con với phân chuồng hoai mục, phân cá ủ hoai hoặc phân vi sinh để tạo nguồn dinh dưỡng giúp cây khỏe mạnh.
Chăm sóc
Ngải cứu rất dễ phát triển nên việc chăm sóc cũng không cần quá nhiều. Chỉ cần bạn trồng cây ở nơi có đủ ánh sáng để cây có thể phát triển tốt nhất đã là điều kiện thuận lợi cho bạn bớt được thời gian chăm sóc chúng. Rau ngải cứu là rau ăn lá, chỉ cần tưới nước, nước tiểu ngâm lân là đủ, không nên tưới nhiều quá cây rất dễ bị thối rễ và hỏng lá. Trước khi thu hoạch 10 ngày chỉ nên tưới nước.
Lưu ý khi ăn ngải cứu
Dù tự tay trồng được cây ngải cứu trong nhà nhưng bạn cũng cần phải biết điều này. Dù tác dụng của ngải cứu tốt cho sức khỏe nhưng nếu dùng quá nhiều cũng có thể gây ra ngộ độc. Dùng ngải cứu quá liều là làm cho thần kinh trung ương bị hưng phấn quá mức, dẫn tới chân tay run giật, sau đó cục bộ hoặc toàn thân co giật; Sau vài lần có thể dẫn đến kinh quyết (co cứng), nói sàm, thậm chí tê liệt. Kiểm tra bằng kính hiển vi có thể phát hiện các tổn thương ở tế bào não. Sau khi khỏi bệnh, vẫn thường để lại những di chứng như hay quên, ảo giác, viêm thần kinh,…
Nguồn tư liệu: vietq.vn