Năm 2015, sau khi cùng Huyện Đoàn Xuyên Mộc tham quan một số mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, anh Nguyễn Văn An (SN 1991, ở ấp Trang Hùng, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc) quyết định cải tạo 1,2ha đất của gia đình để trồng điều. Vụ đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm trồng và chăm sóc nên khi cây điều bắt đầu ra trái thì bị sâu phá hoại gần như toàn bộ diện tích. Đó là bài học xương máu cho anh về tầm quan trọng của việc áp dụng KH-KT vào phòng bệnh và cải tạo đất. An quay sang tìm hiểu trên sách, báo, internet và học tập kinh nghiệm thực tế tại mô hình trồng điều ở các địa phương và đầu tư 50 triệu đồng để cải tạo đất, đồng thời áp dụng phương pháp ngừa sâu bệnh theo mùa. Đến nay, vườn điều của anh ít sâu bệnh và cho trái ổn định. Mỗi năm, anh thu lãi trên 50 triệu đồng. Đầu năm 2016, anh An mua thêm 1,5ha đất để trồng 400 trụ thanh long ruột đỏ. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn thanh long của gia đình anh An cho trái to (0,5 đến 0,8kg/trái), ngọt nên được thị trường ưa chuộng. Với giá bán tại vườn 30-40 ngàn đồng/kg, vườn thanh long của anh An cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

Thành viên Tổ hợp tác thanh niên trồng tiêu xã Bàu Lâm trao đổi cách phòng các loại sâu bệnh trên cây tiêu.

Tương tự anh An, anh Nguyễn Văn Lòng (SN 1996, ở thôn Tam Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) cũng khởi nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương. Nhận thấy 2ha đất của gia đình là loại đất đỏ tơi xốp, nhiều chất dinh dưỡng, thích hợp cho cây bắp, năm 2016, anh Nguyễn Văn Lòng dành trọn mảnh đất này để trồng bắp lai G9. Nhờ áp dụng KH-KT vào chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh đúng cách nên vườn bắp của anh Lòng phát triển tốt. Mỗi năm, anh Lòng trồng từ 3-4 vụ, mỗi vụ thu lãi từ 30-35 triệu đồng. Hiện nay, anh Lòng có thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng/năm từ trồng bắp lai G9. Anh Lòng hiện là thành viên Tổ hợp tác thanh niên giúp nhau làm kinh tế của Xã Đoàn Kim Long.

Thành viên Tổ hợp tác thanh niên giúp nhau làm kinh tế của Xã Đoàn Kim Long (huyện Châu Đức) trao đổi về kỹ thuật trồng bắp cao sản. Ảnh: MINH NHÂN

Theo tổng hợp của Tỉnh Đoàn, toàn tỉnh hiện có gần 255 ngàn thanh niên, trong đó khoảng 160 ngàn thanh niên có mặt tại địa phương. Xác định công tác giúp thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp ngay tại quê hương là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đoàn, 5 năm qua, các cấp Đoàn trong tỉnh đã phối hợp với Sở LĐTBXH, các DN trong và ngoài tỉnh tổ chức 12 lớp tư vấn, giới thiệu việc làm, 4 lớp khởi sự DN cho hơn 1.435 cán bộ Đoàn; tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho 27.214 ĐVTN; chuyển giao KH-KT, dạy nghề cho 5.771 ĐVTN. Giai đoạn 2012-2017, các cơ sở Đoàn đã phối hợp với Ngân hàng CSXH cho 7.001 ĐVTN vay 182,5 tỷ đồng để phát triển kinh tế; giúp 3 thanh niên tiếp cận nguồn vốn giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn, với tổng số tiền vay 220 triệu đồng; giúp 7 thanh niên vay vốn (từ 50 đến 100 triệu đồng/người) từ “Quỹ thanh niên khởi nghiệp” của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh để phát triển kinh tế. Từ các nguồn vốn vay ưu đãi này, các ĐVTN đã có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, thời gian qua, các cơ sở Đoàn còn thành lập nhiều mô hình kinh tế để tập hợp thanh niên, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau khởi nghiệp. Từ đầu năm 2016 đến nay, các cơ sở Đoàn trong tỉnh đã thành lập được 201 mô hình kinh tế tập thể trong thanh niên, trong đó có 68 tổ hợp tác, 24 CLB, 5 HTX. Các mô hình như: “Tổ hợp tác thanh niên trồng lúa” của Xã Đoàn Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc); “Tổ hợp tác thanh niên đánh bắt hải sản” của Xã Đoàn Lộc An (huyện Đất Đỏ); “Tổ hợp tác thanh niên giúp nhau làm kinh tế” của Xã Đoàn Kim Long … đã và đang hoạt động khá hiệu quả, giúp nhiều thanh niên khởi nghiệp thành công.

“NÚT THẮT” VỐN VÀ ĐẦU RA SẢN PHẨM

Một trong những “nút thắt” trên con đường khởi nghiệp của thanh niên là vốn. Hiện nay, nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng CSXH thông qua tổ chức Đoà

Anh Phạm Trung Hiếu (ấp Bông Sen, xã Xà Bang, huyện Châu Đức) khởi nghiệp với mô hình nuôi dê, hiện cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

n chỉ dành cho đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo và mỗi người cũng chỉ được vay tối đa 30 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ để xây dựng chuồng trại, hoặc mua con giống với số lượng nhỏ nên rất khó để thanh niên phát triển kinh tế. Muốn vay vốn từ 50 triệu đồng trở lên, ĐVTN phải chứng minh được tính khả thi của mô hình kinh tế, có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận trang trại hoặc phải có tài sản để thế chấp. Trong khi đó, đa số ĐVTN sống phụ thuộc vào gia đình, một số trường hợp tách hộ khẩu ra ở riêng, tiềm lực kinh tế còn hạn hẹp nên không có tài sản để thế chấp. “Do không vay được vốn nên nhiều bạn trẻ phải chấp nhận phương án làm ăn nhỏ, khả năng tới đâu làm tới đó, không có kế hoạch sản xuất kinh doanh dài hơi nên hiệu quả kinh tế không cao”, anh Nguyễn Ngọc Đìa, Chủ nhiệm Tổ hợp tác thanh niên trồng tiêu, nuôi dê xã Bàu Lâm (huyện Xuyên Mộc) nói.

Một nguyên nhân nữa khiến việc khởi nghiệp của thanh niên gặp khó khăn là do đầu ra của nông sản chưa ổn định, trong khi ĐVTN lại rất hạn chế trong việc tiếp cận thị trường. Năm 2014, 5 thành viên của Tổ hợp tác thanh niên trồng quýt xã Kim Long (huyện Châu Đức) khởi nghiệp bằng việc trồng quýt trên tổng diện tích gần 1,5ha, với nguồn vốn ban đầu hơn 300 triệu đồng. Thời gian đầu, vườn quýt của 5 thành viên phát triển tốt, cho thu hoạch gần 25 tấn/1ha, được thương lái đến tận vườn thu mua. Nhưng từ đầu năm 2017 đến nay, giá quýt liên tục giảm, lại không có đầu ra, trong khi chi phí phân bón, nhân công chăm sóc ngày càng tăng. Không thể tự tháo gỡ được “nút thắt” này, mới đây, Tổ hợp tác thanh niên trồng quýt xã Kim Long phải giải thể, mỗi thành viên lại tiếp tục tìm hướng đi mới. Bên cạnh đó, trong quá trình khởi nghiệp, các ĐVTN còn thiếu kiến thức KH-KT trong trồng trọt, chăn nuôi, quản trị…

TĂNG CƯỜNG HỖ TRỢ THANH NIÊN KHỞI NGHIỆP

Theo anh Nguyễn Văn Huệ, Phó Ban Thanh niên nông thôn – Công nhân, viên chức và Đô thị Tỉnh Đoàn, ngoài tư vấn, hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng, tạo điều kiện cho ĐVTN gặp gỡ, giao lưu, đối thoại với doanh nhân trẻ trên mọi lĩnh vực, tổ chức cho ĐVTN tham quan, học tập các mô hình kinh tế tiêu biểu…, các cấp Đoàn cần hỗ trợ tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm do ĐVTN sản xuất; đồng thời định hướng cho ĐVTN phát triển những mô hình sản xuất phù hợp với khả năng, điều kiện địa phương và nhu cầu thị trường.

Anh Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: Thời gian tới, Tỉnh Đoàn sẽ hỗ trợ các cấp Đoàn duy trì, phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả bằng cách phối hợp các ban, ngành, đoàn thể chuyển giao tiến bộ KH-KT, phương thức sản xuất mới, đặc biệt là công nghệ sinh học, môi trường, chế biến nông sản, thực phẩm an toàn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho ĐVTN. Về vấn đề vốn vay, Tỉnh Đoàn sẽ đề xuất tăng cường nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH, “Quỹ Thanh niên khởi nghiệp” của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cho nhiều ĐVTN vay với số tiền lớn, lãi suất thấp để phát triển kinh tế. Ngoài ra, Tỉnh Đoàn sẽ phối hợp với Sở NN-PTNT, Sở KH-CN tổ chức các lớp tập huấn về khởi nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi cho ĐVTN, tổ chức cho ĐVTN tham quan, học tập những mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi trên địa bàn tỉnh để học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất và ứng dụng hiệu quả trong thực tế.

Tin bài: Minh Nhân