Lo "vỡ" kế hoạch trồng rừng.
24/05/2019

Những năm qua, công tác trồng rừng luôn được các ban, ngành, địa phương quan tâm. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tổng diện tích rừng được trồng trong giai đoạn 2016 - 2018 của tỉnh chỉ đạt hơn 50% kế hoạch. Giai đoạn 2019-2020, toàn tỉnh dự kiến sẽ trồng 1.782 ha rừng. Do đó, nếu không giải quyết được các khó khăn đã làm đổ vỡ kế hoạch trồng rừng ở giai đoạn trước thì khả năng hoàn thành kế hoạch ở giai đoạn này cũng rất mong manh.

Đoàn viên thanh niên tham gia trồng rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu, Phước Bửu.

Diện tích trồng rừng không đạt kế hoạch

Theo Sở NN-PTNT, giai đoạn 2016-2018, toàn tỉnh có kế hoạch trồng 2.737 ha rừng. Tuy nhiên, tính đến đầu năm 2019, các chủ rừng và đơn vị được giao trồng rừng chỉ mới trồng được 1.448 ha, chỉ đạt 52,9% so với kế hoạch. Trong đó, diện tích trồng rừng bổ sung nâng cao chất lượng đạt 205 ha, rừng trồng sau khai thác là 809 ha và diện tích rừng trồng mới là 434 ha. Qua đánh giá, các nguyên nhân chính khiến việc trồng rừng chưa đạt yêu cầu là kinh phí giải ngân chậm, thiếu đất sạch để trồng rừng, việc chăm sóc rừng sau trồng chưa hiệu quả…

Công tác trồng rừng của tỉnh trong những năm qua chưa đạt kế hoạch. Trong ảnh: Đoàn HĐND tỉnh kiểm tra công tác trồng rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu, Phước Bửu. Ảnh: QUANG VINH

Khảo sát tại 3 đơn vị được giao trồng rừng nhiều nhất (tổng chỉ tiêu hơn 2.100 ha), gồm: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp tỉnh; Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc); Ban quản lý Rừng phòng hộ tỉnh… thì cả 3 đơn vị đều không đạt chỉ tiêu.

Cụ thể, từ năm 2016 - 2018, KBTTNBCPB được giao trồng 458ha rừng. Tuy nhiên, đến nay, KBTTNBCPB mới chỉ trồng được 229ha rừng, đạt chưa tới 50% kế hoạch. Riêng năm 2018, KBTTNBCPB chỉ trồng được 43,3 ha, đạt 34,64% so với kế hoạch năm là 125ha. Ông Nguyễn Văn Quyết, Trưởng Phòng Quản lý Bảo vệ rừng, Ban quản lý KBTTNBCPB cho biết, đặc thù rừng trong khu bảo tồn là nằm xen kẽ trong vùng dân sinh. Nhiều diện tích được giao trong kế hoạch trồng rừng thuộc lâm phần mà người dân “chiếm dụng” để sinh sống, canh tác. Vì vậy, diện tích này không thể tiến hành trồng rừng do chưa di dời được người dân.

Lực lượng chức năng kiểm tra tình trạng phát triển của cây mới trồng tại khu vực núi Minh Đạm, huyện Đất Đỏ.

Đối với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp tỉnh, giai đoạn 2016 – 2018, đơn vị được giao trồng được 1.272 ha nhưng chỉ thực hiện được 809ha.  Nguyên nhân dẫn đến không đạt chỉ tiêu kế hoạch là việc xuất hiện tình trạng các hộ dân khiếu kiện việc nhận khoán, cản trở tiến độ trồng rừng tại một số khu vực.

Trong khi đó, theo ông Lê Trung Kiên, Phó Trưởng Phòng Quản lý bảo vệ rừng, Ban quản lý Rừng phòng hộ tỉnh, từ năm 2016 đến nay, đơn vị thực hiện trồng được 311, đạt 73,2% so với kế hoạch là 425 ha. Việc thực hiện trồng rừng không đạt chỉ tiêu là do một số diện tích sau khi trồng có tỷ lệ cây sống chưa bảo đảm. Ông Kiên cho biết: “Những năm qua, diện tích được giao trồng có vị trí trên núi cao, tỷ lệ đá lộ đầu nhiều, tầng đất mặt mỏng không thuận lợi cho việc trồng rừng. Đối với khu vực rừng phòng hộ ngập mặn, nhiều diện tích đã được quy hoạch làm các KCN, các dự án đầu tư kho, bãi, cảng… nên các vùng trồng rừng được giao thuộc các bãi bồi ngập nước sâu, khiến tỷ lệ cây sống sau trồng không cao như kỳ vọng. Bên cạnh đó, việc giải ngân kinh phí trồng rừng thường được thực hiện vào tháng 8, 9. Trong khi thời gian trồng rừng thích hợp là đầu mùa mưa, điều này cũng là nguyên nhân khiến cây rừng sau khi trồng không phát triển tốt.

Giải quyết khó khăn bằng các phương án cụ thể

Xác định được việc trồng rừng là nhiệm vụ quan trọng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội bền vững của tỉnh. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị và chủ rừng đang triển khai các giải pháp phù hợp thực tế để khắc phục các khó khăn, tiếp tục mở rộng diện tích trồng rừng.

Tại KBTTNBCPB, ông Nguyễn Văn Quyết cho biết, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án ngăn chặn, khắc phục tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trong khu bảo tồn. Nếu triển khai hiệu quả đề án, các hộ dân sống và canh tác trong rừng sẽ được di dời sang khu tái định cư, qua đó sẽ khắc phục cơ bản tình trạng lấn chiếm đất rừng. “Hoàn thành được việc thu hồi diện tích đất rừng đang bị lấn chiếm, KBTTNBCPB sẽ có thể triển khai trồng mới 1.200ha rừng trong thời gian tới”, ông Quyết nói.

Giai đoạn 2019-2020, trồng gần 1.800ha rừng

Theo chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong giai đoạn 2019-2020, toàn tỉnh trồng 1.782 ha rừng (năm 2019 trồng 980 ha, năm 2020 trồng 801 ha). Trong đó: Ban quản lý VQG Côn Đảo 13ha; Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu 152,3ha; Ban quản lý Rừng phòng hộ 175ha; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp 892ha; TP.Vũng Tàu 114ha; Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi 8,4ha; trồng rừng bằng vốn xã hội hóa 397 ha.

Đối với rừng phòng hộ, theo ông Lê Trung Kiên, nhằm nâng cao hiệu quả của công tác trồng và chăm sóc rừng, Ban quản lý Rừng phòng hộ tỉnh tổ chức giao khoán cho các hộ dân sống gần rừng. Các hộ này bỏ vốn, công sức để trồng, chăm sóc, bảo vệ, phục hồi rừng. Đến khi diện tích rừng trồng được nghiệm thu đạt chất lượng theo yêu cầu, các hộ nhận khoán sẽ được chi trả kinh phí. Việc giao khoán cho các hộ dân sống gần rừng hi vọng sẽ phát huy được hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ khu vực rừng trồng mới. “Riêng ở các khu vực trồng rừng có điều kiện tự nhiên không tốt, chúng tôi tổ chức khảo sát, nghiên cứu để tìm loại cây phù hợp với điều kiện tự nhiên. Ví dụ ở những vùng rừng nước ngập sâu, thường xuyên ảnh hưởng bởi thủy triều… thì sẽ không trồng cây mắm và đước do tỷ lệ sống của các loại cây này rất thấp. Thay vào đó, chúng tôi chuyển sang trồng bần. Trên thực tế, loại cây này phát triển tốt, tỷ lệ sống cao trong điều kiện ngập mặn sâu. Công tác chăm sóc rừng sau trồng cũng được chú trọng. Ban quản lý sẽ cử lực lượng kiểm tra, rà soát tỷ lệ sống hàng tháng để kịp thời trồng dặm bổ sung”, ông Kiên cho biết.

Để khắc phục tình trạng kinh phí trồng rừng được giải ngân chậm, ngay từ đầu năm 2019, Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các chủ rừng đã tiến hành khảo sát khu vực trồng, gieo ươm chuẩn bị cây giống, lập hồ sơ thiết kế, dự toán trồng rừng và trình UBND tỉnh ngay từ tháng 3. Ông Trần Giang Nam cho biết: “Đến nay, một số khu vực đã được phê duyệt kinh phí trồng rừng như huyện Côn Đảo; khu vực rừng núi Nhan, huyện Châu Đức. Điều này sẽ giúp thời vụ trồng rừng được đảm bảo, cây phát triển tốt và tăng tỷ lệ sống”.


Số lượt đọc: 795 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác