Nét duyên của phụ nữ Bắc.
13/11/2020

Nếu có một cuộc “khảo sát” quý ông đã từng có người yêu xứ Bắc, chắc chắn đều thổ lộ rằng, trước hết, họ đã “cảm” vì giọng nói ngọt ngào, dịu dàng như hương cốm mùa thu. Trong giọng nói ấy, từng dấu “hỏi, huyền, sắc, ngã, nặng” đều lên xuống du dương “tròn vành rõ chữ”. Quái lạ, cũng câu nói “Anh ơi”, dù đã quen thuộc nhiều lần ở nhiều người, nhưng lần này, với cô gái Bắc tự dưng họ lại nghe âm thanh ấy đi vào lỗ tai như có sự ve vuốt, mơn trớn nhẹ nhàng. Thế là, trong lòng dạt dào niềm cảm mến đến độ muốn “se duyên kết tóc”, ăn đời ở kiếp để còn được nghe giọng nói thân mật, “ngọt như đường cát, mát như đường phèn”.

Minh họa: MINH SƠN

Thế giọng nói của gái Nam thì sao? Tôi nghĩ, nó cũng có ma lực hấp dẫn đối với con trai Bắc. Bài thơ Tiếng Việt miền Nam của thi sĩ Bàng Bá Lân đã nói hộ nhiều người: “Lời em thơm như măng cụt no tròn/ Giọng em ngọt như xoài vừa chín tới/ Những chữ S ngân dài như gió thổi/ Chữ C, G nghe đọc lỗi mà yêu/ Giọng TR trong trẻo đúng bao nhiêu/ Và “anh” nữa, ôi tiếng “anh” nũng nịu/ “Mong “ăn” mãi! Nhớ “ăn hoài! “Ăn” có hiểu?/ Em thương “ăn” quá xá là thương!”/ Lời em ngon như có mật có đường/ Ta sung sướng gần em nghe giọng nói”. Rõ ràng, giọng nói của từng vùng miền đều có những “lợi thế” riêng, khó có thể so sánh.

Tuy nhiên, với gái Bắc khi thổ lộ tâm tình, họ kín đáo hơn, dùng từ ngữ văn hoa bay bướm và có tính “ẩn dụ” nhiều hơn, không bộc bạch rõ ràng như “Mong “ăn” mãi! Nhớ “ăn hoài! “Ăn” có hiểu?”. Vậy thì, khi yêu một cô gái Bắc, buộc lòng chúng ta phải có sự tinh tế, biết quan sát, lắng nghe những gì nàng không hề thổ lộ bề ngoài. Nhà văn Thạch Lam thật đáo để khi ông viết: “Và Thanh biết rằng Nga sẽ vẫn đợi chàng, vẫn nhớ mong chàng như ngày trước. Mỗi mùa cô lại giắt hoàng lan trong mái tóc để tưởng nhớ mùi hương”. Đấy, nàng có nói gì đâu bởi hương ngọc lan đã “thay lời muốn nói”. Tinh tế đến thế là cùng. Ôi, tình yêu của gái Bắc, chẳng hề nhiều lời đã khiến nhiều người mê tơi, chết mê chết mệt.

Và cho tôi nói thêm một chút nữa, duyên tình gái Bắc còn quyến rũ cũng do… thiên nhiên xứ Bắc tình tứ quá, thơ mộng quá. Ngay cả ông nhà văn Vũ Bằng, người Bắc “chính hiệu con nai vàng” cũng phải: “Nhớ từ cánh đồng lúa con gái mơn mởn nhớ đi, nhớ từ tiếng hát của người mẹ ru con buổi trưa hè mà nhớ lại; nhớ hoa sấu rụng đầu đường Hàng Trống, nhớ quả bàng ở Hải Hậu rụng xuống bờ sông Đào, nhớ sen Linh Đường thơm ngào ngạt của bầu trời nhớ lên, nhớ nhãn Hưng Yên, vải Vụ Bản, cá anh vũ Việt Trì, na Láng, bưởi Vạn Phúc, cam Bố Hạ, đào Sa Pa mà nhớ xuống”.

Yêu cô gái Bắc trong thiên nhiên ấy, khi xa làm sao quên? Đố đấy!

Đã thế, lại còn “Nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền”. Cô gái Bắc có “điêu ngoa” hay không? Trả lời câu hỏi này bằng thừa. Một khi đã không còn yêu, không còn thương, không còn nhung nhớ gì nữa bởi biết bị “xí gạt”, cô gái Nam có thể âm thầm nén lấy nỗi đớn đau tình sầu chua chát vào tận đáy lòng, nhưng gái Bắc lại khác. Họ không dễ dàng “lép vế”. Mà sẵn sàng nói phải nói trái “ra môn ra khoai”, chứ đừng hòng “bắt nạt” đấy nhá. Có điều, dù chì chiết, dù bực dọc nhưng thanh âm vẫn vừa đủ nghe, chứ không quang quác khiến điếc tai làng trên xóm dưới. Sự giữ thể diện ấy, nghĩ cho cùng cũng là một nét văn hóa của phụ nữ Bắc. Từng nghe câu: “Ăn Bắc mặc Nam”, tôi nghĩ, “ăn” ở đây chính là “ăn nói”, nói rộng ra là tài bặt thiệp, lịch lãm. Tất nhiên, vùng miền nào cũng có tính đặc trưng ấy, nhưng ở gái Bắc đã nâng lên đến một nghệ thuật trong giao tiếp.

Trên trái đất, dù phụ nữ ở chân trời góc biển nào cũng điều có từ trong máu thịt sự thủy chung, thương yêu, chìu chuộng chồng con. Đức tính đáng quý ấy, cho dù “vật đổi sao dời” cũng không mất đi. Có điều tôi lấy làm lạ, không hiểu vì sao dù được vợ “cưng như trứng mỏng” nhưng đàn ông Bắc hầu hết thường rất… “nể vợ”! Xin nhắc lại, tôi không dám nói “sợ vợ” đấy nhá. Vậy, họ đã có “bí kíp” gì khiến người đàn ông dù ra đường “hào khí ngất trời”, đáng mặt “nam nhi chi chí” nhưng về đến nhà lại tự nguyện “dưới cơ” vợ mà không hề “than thân trách phận”?

Nói rộng ra, sự tự giác của người đàn ông như lo toan chia sẻ việc nhà, đi đâu thì đi nhưng chiều về dứt khoát phải cơm nước cùng gia đình; ngày lễ, ngày nghỉ đố kéo họ ra khỏi mái ấm... Chị bạn tôi vốn người Nam, sau một thời gian công tác ở ngoài Bắc đã có nhận xét ấy.

Thêm một tính cách đáng yêu của phụ nữ Bắc nữa là sự niềm nở, tiếp đón, chân thành của họ mà đôi lúc… khách sáo một chút, nhưng cũng không sao. Anh bạn tôi mấy khi có dịp ra Hà Nội, thời gian ít ỏi, lại có nhiều quan hệ bạn bè bồ tèo nên ban đầu nghĩ rằng chỉ thăm hỏi theo kiểu “chuồn chuồn đáp nước”. Nhưng rồi thật bất ngờ, chính vợ của bạn lại nằng nặc mời anh về nhà ăn bữa cơm cho bằng được. “Mất thời gian lắm, ra quán nhậu cho tiện, khỏi phải bếp núc phiền phức”, nghe anh nói thế, cô trả lời: “Mấy khi anh ra chơi, vợ chồng em muốn mời anh tiện thể đến thăm nhà luôn”. Và khi anh đến, thật cảm động khi nhìn thấy mâm cơm tươm tất do chính tay vợ bạn nấu. Tự nhiên, tình cảm anh dành cho bạn sâu sắc hơn trước.

Có phải “Nhớ dịu dàng nhưng thâm ý khoe khoang” cũng có thể áp dụng trong trường hợp hiếu khách này? Tức người phụ nữ muốn khoe tài “tề gia nội trợ” của mình chăng? Mà khoe thế là “làm sang” cho chồng đấy chứ?

 

 


Số lượt đọc: 1706 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác