ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH KT-XH CỦA THỊ TRẤN ĐẤT ĐỎ


Thị trấn Đất Đỏ được thành lập theo Nghị định 149/2006/NĐ-CP ngày 11/12/2006 và chính thức đi vào hoạt động vào ngày 08/3/2007 trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích, dân số xã Phước Thạnh và một phần của xã Phước Long Thọ, có diện tích tự nhiên 2.214, 44 ha, được phân thành 09 khu phố và 135 tổ dân cư, gồm 5.369 hộ, dân số 23.573 người và phần lớn nhân dân là người địa phương. Thị trấn Đất Đỏ là trung tâm đô thị của huyện, địa bàn nằm trên 02 trục lộ giao thông chính là Quốc lộ 55 và Tỉnh lộ 52.


Trước đây, thị trấn Đất Đỏ bao gồm các xã: Phước Thạnh, Phước Thọ, Phước Hòa Long (sau nhập xã Phước Thọ, Phước Hòa Long thành xã Phước Long Thọ).


Đảng bộ và nhân dân thị trấn Đất Đỏ có truyền thống đoàn kết, đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Trong hai cuộc kháng chiến đấu tranh chống đế quốc và thực dân để giải phóng dân tộc, thị trấn là chiếc nôi của cách mạng. Thị trấn có 04 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là: Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Đẹp, Nguyễn Thị Hoa, Tạ Văn Sáu. Toàn thị trấn có 567 liệt sĩ, 42 bà mẹ Việt Nam anh hùng và 577 gia đình có công với cách mạng. Thị trấn Đất Đỏ và đội du kích Phước Hòa Long được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang.


Trên địa bàn thị trấn có công viên tượng đài nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, là nơi có nhiều đoàn khách trong nước và ngoài nước đến thăm viếng. Với bề dày lịch sử, thị trấn Đất Đỏ còn nhiều di tích văn hóa, lịch sử như: Đình chùa Thạnh Mỹ, Hầm bí mật anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Đẹp, cùng các địa danh Triền Vườn, Dốc Bà Kỳ, Cống Dầu….đã đi vào lịch sử vẻ vang của huyện.


Cơ cấu kinh tế của thị trấn là Thương mại – dịch vụ, công nghiệp – xây dựng và nông nghiệp. Đời sống người dân chủ yếu là kinh doanh, trồng lúa nước, chăn nuôi và trồng hoa màu. Thị trấn Đất Đỏ có rất nhiều ngôi nhà cổ được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống – chữ đinh, chữ công, hai gian ba chái….


Với truyền thống văn hóa lâu đời, thị trấn có các món ăn dân dã nhưng rất nỗi tiếng như Mắm bầm, Bánh tét nếp, Bánh tét bắp, Bún nóng,…Người dân có truyền thống thờ cúng ông bà và bảo tồn lễ hội dân gian.


Thị trấn được công nhận đạt chuẩn văn hóa năm 2008. Hiện nay, trên địa bàn thị trấn có 5.357 hộ /5.369 hộ được công nhận gia đình văn hóa, chiếm 99,76%. Thị trấn đang tập trung các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đưa thị trấn trở thành đô thị loại 4 của huyện.