Nông dân Việt Nam sẵn sàng với nông nghiệp 4.0
01/11/2017

Đó là chủ đề của Diễn đàn nông dân Việt Nam lần 2 được tổ chức tại Hà Nội sáng 14/10.

Đây là một trong chuỗi hoạt động của Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” lần thứ 5. Diễn đàn do Trung ương Hội NDVN phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ KH-CN tổ chức.

Tham dự Diễn đàn có đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn; các Phó Chủ tịch BCH TƯ Hội;  đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp- phát triển nông thôn, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin- Truyền thông, Ngân hàng Nhà  nước Việt Nam, Ban Kinh tế T.Ư, Ban Tuyên giáo; lãnh đạo nhiều tỉnh thành; các tổ chức quốc tế, đại sứ quán;  viện nghiên cứu; các trường đại học; cchuyên gia kinh tế; đại diện các tập đoàn và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp… Đặc biệt, có sự tham dự của 87  đại biểu là Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm đổi mới.

Tại phiên khai mạc Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, nỗ lực của người nông dân, doanh nghiệp đã giúp Việt Nam từ một nước nhập khẩu lương thực đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới”.
Để phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII chỉ rõ định hướng “xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu”, tạo tiền đề cho việc triển khai cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp (nông nghiệp 4.0).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: “Phát triển nông nghiệp 4.0 là  xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng. Việt Nam không thể đứng ngoài làn sóng này. Có thể nói, đây là sáng kiến rất hay, có ý nghĩa thiết thực của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong việc đón đầu  cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế của Việt Nam”.
Để thực hiện hiệu quả nền nông nghiệp 4.0, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Diễn đàn tập trung làm rõ thực trạng và xác định vị trí của nông nghiệp Việt Nam trong bức tranh tổng thể toàn cầu, khu vực; phân tích, đánh giá, làm rõ hiệu quả và những khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Tại Diễn đàn, Phó thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành có liên quan cần giải đáp những thắc mắc cụ thể của người nông dân; giải quyết các vướng mắc về vốn, nhân lực, về thị trường, công nghệ cũng như đề xuất xây dựng các chính sách rõ ràng để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp  sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao; phát triển nông nghiệp 4.0.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, đồng chí Lại Xuân Môn - Ủy viên BCH Trung Ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung Ương Hội NDVN cho biết, mặc dù, nông nghiệp, nông thôn nước ta đạt được những thành tựu vẻ vang, có đóng góp rất lớn trong sự nghiệp đổi mới của đất nước. Song, trước tiến trình hội nhập quốc tế sâu, rộng; trước tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu và những khó khăn nội tại trong nước; nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đó là: sản xuất nhỏ - thị trường lớn; đầu tư cho nông nghiệp thấp mà rủi ro trong nông nghiệp cao; tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật, công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp; thị trường, thương hiệu nông sản và ô nhiễm môi trường; đất đai manh mún, chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch, liên kết vùng và doanh nghiệp trong nông thôn thấp. 

Chính vì vậy, cuộc cách mạng 4.0 trong nông nghiệp - chính là nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tự động số - sẽ giúp người dân thoát khỏi cảnh "được mùa mất giá, được giá mất mùa", thu nhập bấp bênh. Đó là nền nông nghiệp dựa trên sự ra đời của các thiết bị thông minh ứng dụng trong nông nghiệp. Nông nghiệp 4.0 mở đường cho sự phát triển, hoạt động sản xuất không cần sự có mặt trực tiếp của con người và dựa vào hệ thống thiết bị có thể đưa ra những quyết định một cách tự động - Chủ tịch Hội NDVN nhấn mạnh.

Thảo luận tại diễn đàn, một số đại biểu cho rằng, hiện nay, nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế như chưa quy hoạch được đất đai, sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Khoa học công nghệ là giải pháp bắt buộc nông dân phải ứng dụng, trong đó, rất cần kết nối với doanh nghiệp, liên kết, gắn với thị trường để làm nông nghiệp 4.0.

Theo GS.TS. Nguyễn Văn Bộ, nguyên Viện trưởng Viện Nông nghiệp Việt Nam, đối với cuộc cách mạng  4.0, nhà nước và người sản xuất cần quan tâm đến hành làng pháp lý phục vụ cho người sản xuất. Hàng lang pháp lý này phải minh bạch và dễ dàng tiếp cận. Đồng thời, người sản xuất và doanh nghiệp phải dũng cảm và tâm huyết.

GS.TS. Nguyễn Văn Bộ nhấn mạnh: “Khi làm nông nghiệp công nghệ cao 4.0, chúng ta cũng cần xác định 3 điều: Sản xuất ngành hàng gì? Ngành hàng đó có thị trường hay không? Ngành hàng đó có công nghệ để áp dụng nhằm sản xuất hàng hóa đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế hay không? Đặc biệt, không nhất thiết áp dụng công nghệ cao với tất cả các công đoạn”.

Trao đổi tiếp về những băn khoăn, thách thức khi ứng dụng Nông nghiệp 4.0, bà Phạm Thị Huân – Giám đốc Công ty Ba Huân, người được vinh dự nhận giải thưởng “Nông dân điển hình” của FAO (Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực thế giới Liên Hiệp Quốc) khu vực châu Á- Thái Bình Dương chia sẻ thêm: Tôi bắt đầu chuyển đổi sang thực hiện công nghệ hiện đại trong sản xuất trứng từ năm 2003. Thời gian đầu, tôi cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là dịch cúm gia cầm nên ngay khi khởi nghiệp, tôi đã tưởng như bị phá sản. Tuy nhiên, tôi nhận thấy, thời điểm những năm 2003, đa phần các mặt hàng gia cầm đều chưa có thị trường tiêu thụ ổn định nên tôi muốn làm “cuộc cách mạng” trứng gia cầm, đó là không chỉ đưa hàng của nông dân cho nông dân tiêu thụ, mà còn đưa các mặt hàng của nông dân sản xuất ra tiêu thụ tại nước ngoài.

Bà Huân cũng cho biết, người nông dân mấy năm gần đây đã bắt đầu được thụ hưởng những điều kiện thuận lợi, đặc biệt là được hỗ trợ về mặt chủ trương, chính sách của Nhà nước. 4.0 đối với nông nghiệp nước ta sẽ còn phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Đặc biệt là có sự hợp tác giữa nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý đều cùng chung tay sẽ giúp cho sản phẩm nông dân không chỉ thành công ở thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường thế giới. 

Trả lời cho câu hỏi chính sách ưu đãi nào về vốn cho nông dân khi ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, ông Tiết Văn Thành - Tổng giám đốc Agribank cho biết: Trong suốt gần 30 năm hoạt động, Agribank luôn tiên phong cung cấp nguồn tín dụng, cũng như giữ vai trò chủ lực trong đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.

Agribank đã triển khai thực hiện hàng loạt các chính sách ưu đãi của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đối với nông nghiệp, nông thôn như: cho vay theo Nghị định 55, Nghị định 67 của Chính phủ; Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; cho vay tái canh cây cà phê; thí điểm cho vay cánh đồng mẫu lớn và chuỗi liên kết, sản xuất ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương trên cả nước.

Trước khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ các các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, từ ngày 01/11/2016, Agribank đã là ngân hàng khởi xướng đi tiên phong bằng chương trình tín dụng phục vụ nông nghiệp sạch với quy mô nguồn vốn ưu đãi tối thiểu 50.000 tỷ đồng cung ứng gói tín dụng với các chính sách ưu đãi mạnh mẽ hơn so với Nghị định số 55/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, lãi suất cho vay được ưu đãi giảm từ 0,5-1,5%/năm so với lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn Agribank đang áp dụng.

Ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, nông dân hiện nay dang băn khoăn ứng dụng cái gì? Chúng ta phải áp dụng rất nhiều, vốn ở đâu, công nghệ thế nào?
Trả lời cho những băn khoăn này, ông Sơn cho hay: Cái chính trong nông nghiệp 4.0 áp dụng rất mạnh về tin học. Câu chuyện đầu tiên người tiêu dùng không tin người sản xuất về nguồn gốc sản phẩm. Hiện nay, có nhiều phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cái khó là tổ chức thành chuỗi, liên kết người nông dân, để kiểm soát biết sản phẩm đi qua những ai, tồn giữ, bảo quản sản phẩm đạt chất lượng. 

Cơ sở quan trọng trong chuỗi giá trị là kết nối các doanh nghiệp công nghệ vào áp dụng các phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Theo tôi là nên bắt đầu từ quy mô nhỏ. Câu chuyện thứ hai, chúng ta chưa có cơ quan phân tích thị trường, kể cả trong Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương. 
Tiếp đó, chúng ta chưa dự báo được rủi ro. Về công nghệ rất nhiều cái đã sẵn sàng. Tất nhiên sản xuất nhỏ chưa làm được, nhưng nông dân qui mô lớn áp dụng được. Bộ NN&PTNT nên chọn làm mô hình, có thể có đầu nguồn cung cấp, đảm bảo phù hợp, giá rẻ hỗ trợ tốt cho nông dân – Ông Đặng Kim Sơn nhận định.

Với 3 phiên thảo luận theo các chủ đề: Lợi ích nông nghiệp 4.0; Gỡ rào cản về công nghệ, nhân lực cho nông nghiệp 4.0; Những thách thức về thị trường, vốn..., các nhà quản lý, các chuyên gia nông nghiệp và những nông dân làm ăn giỏi đã đưa ra cái nhìn toàn diện nhưng cụ thể, để có thể áp dụng nông nghiệp 4.0.

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, cuộc cách mạng lần thứ nhất giải phóng con người khỏi chân tay thì cách mạng 4.0 là giải phóng con người khỏi bộ não… Cuộc cách mạng này thách thức lớn nhất đối với nước ta chính là ở lĩnh vực nông nghiệp. 

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, để phát triển nông nghiệp 4.0 phải phát huy hiệu quả sản xuất của  nhà nông, doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học… Có nước nói rằng còn thêm nhà môi giới, nhà băng nhưng theo tôi, thực chất đó vẫn là doanh nghiệp tư vấn và doanh nghiệp ngân hàng. 
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, để nông nghiệp 4.0 thành công thì công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng. Chúng ta không thể thờ ơ nhưng cũng không thể nóng vội, triển khai tràn lan, và muốn có sự triển khai phù hợp rất cần có sự tham gia của các cơ quan truyền thông.

Về định hướng chiến lược, Phó Thủ tướng cho rằng, phải coi phát triển nông nghiệp công nghệ cao là khâu then chốt, là giải pháp xuyên suốt, là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Bế mạc Diễn đàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn nói: "Bài phát biểu của đồng chí Vương Đình Huệ với 6 vấn đề đã gợi mở cho chúng ta suy nghĩ, thảo luận để tìm ra phương thức đổi mới chung, hành động chung, thống nhất chung từ khó khăn, rủi ro, thời cơ, thuận lợi của cuộc cách mạng 4.0 áp dụng trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Và đích cuối cùng là “nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao chất lượng cạnh tranh, làm giàu cho người nông dân”.

Qua 3 cuộc khảo sát tại Diễn đàn cho thấy, về hình thức tổ chức sản xuất rất đa dạng, trong đó đặt hàng sản xuất mới đạt 30%, sản xuất theo phong trào còn lớn. Về phương thức sản xuất chủ yếu dùng sức đến 60%, trong khi đó sử dụng công nghệ mới chỉ đạt 15%. Về thách thức công nghệ 4.0 đối với Việt Nam là vốn, công nghệ, thị trường. Tuy nhiên theo tôi còn thêm cả thách thức về chất lượng nguồn nhân lực chiếm 45%"- Chủ tịch Lại Xuân Môn nhấn mạnh thêm.

Chủ tịch Lại Xuân Môn khẳng định: “Trung ương Hội NDVN sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu để tổng hợp những ý kiến xác đáng, từ đó kiến nghị với Đảng, Nhà nước. Trong đó, Hội NDVN xin tập trung vào 5 vấn đề cụ thể: Phải tạo nguồn vốn dồi dào, lãi suất thấp, nông dân dễ tiếp cận. Bên cạnh đó là yếu tố thị trường; chất lượng nguồn nhân lực; xúc tiến bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm nông dân để người dân yên tâm triển khai nông nghiệp 4.0”.


Số lượt đọc: 599 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác